Thứ trưởng Bộ Y tế cùng hơn 200 người tiêm vắc xin COVID-19
Tổ chức tiêm vắc xin cho hơn 200 người
Ngay tại buổi lễ, Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn tổ chức tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 cho cán bộ, công nhân viên chức đang làm việc tại cơ quan Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; cơ quan Bộ, ngành có Công đoàn ngành Trung ương.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tiêm vắc xin COVID-19 mũi 4 tại lễ phát động |
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Thái Thu Xương cùng hơn 200 công chức, viên chức, người lao động đã tiêm vắc xin mũi 3 và 4 tại buổi lễ.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Hiện nay, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và đã bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia. Việt Nam đã tiếp tục ghi nhận các biến chủng mới và có nguy cơ bùng phát dịch trở lại. Đến nay, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.
Lễ phát động chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 và mũi 4 |
Tuy nhiên, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, lơ là ở một bộ phận người dân, đơn vị; nhiều địa phương không đạt tiến độ tiêm mũi 3, mũi 4 như yêu cầu và có tình trạng do dự, né tránh việc tiêm vắc xin do đó tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 ở người từ 18 tuổi trở lên mới đạt khoảng 67% và 31%
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, việc tham gia trực tiếp phát động của lãnh đạo Tổng liên đoàn để quán triệt chủ trương và thực hiện tiêm chủng nhắc lại của các đồng chí lãnh đạo Tổng Liên đoàn, Bộ Y tế, các vụ, cục, ban của hai cơ quan cùng với các công đoàn ngành Trung ương là sự kiện có ý nghĩa thuyết phục nhất để lan tỏa đến gần 11 triệu đoàn viên tại các công đoàn cơ sở các cấp trong cả nước.
"Sự vào cuộc kịp thời của Tổng Liên đoàn trong việc phát động, chỉ đạo các cấp công đoàn có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe đội ngũ công nhân, người lao động, là lực lượng chủ lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đưa đất nước sớm phục hồi phát triển kinh tế - xã hội"- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương bày tỏ.
Hơn 200 người tiêm vắc xin COVID-19 tại buổi lễ |
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải nhận định tiêm vắc xin hiện vẫn là biện pháp hiệu quả nhất, có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh. Chính vì vậy, thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ người lao động.
Bộ Y tế kêu gọi cán bộ, người lao động tiêm nhắc lại vắc xin
Theo Bộ Y tế, đến nay cả nước đã tiêm được hơn 233 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 với tỷ lệ bao phủ liều cơ bản ở người từ 12 tuổi trở lên đạt xấp xỉ 100%. Kết quả tiêm vắc xin đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, nhất là ngăn ngừa tình trạng bệnh chuyển nặng, nhập viện và tử vong, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.
Riêng trong 2 tháng qua (từ ngày 26/4 đến 24/6/2022), cả nước ghi nhận 130.462 ca mắc COVID-19, 63 ca tử vong (tỷ lệ chết/mắc là 0,05%). Số mắc mới mỗi ngày hiện còn dưới 700 ca (thấp nhất trong 12 tháng qua). Riêng 30 ngày qua, tỷ lệ chết/mắc là 0,02%, trong đó số ca mắc giảm 4,5 lần và số ca tử vong giảm 10 lần so với tháng trước đó. Cả nước có 24/30 ngày qua không ghi nhận ca mắc COVID-19 tử vong.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ khuyến cáo tiêm nhắc lại vắc xin phòng COVID-19 để ngăn ngừa và phòng, chống dịch COVID-19. Các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vắc xin phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm và trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới.
Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa vi rút ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-COV-2 trước đây. Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
Tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc xin phòng COVID-19 là cần thiết |
Việc tiêm các mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) vắc xin phòng COVID-19 là cần thiết nhằm bảo vệ người đi tiêm không bị mắc bệnh, đặc biệt là tránh nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong do COVID-19 trong điều kiện xuất hiện các biến chủng mới. Hiện nay đã có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai lịch tiêm nhắc vắc xin phòng COVID-19 cho người lớn và trẻ vị thành niên.
Cũng theo Bộ Y tế, tính đến hết ngày 4/7/2022, đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên, kết quả tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 45.533.296 mũi tiêm (67,9%), trong ngày có 23 tỉnh triển khai với 90.352 người được tiêm.
Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 thấp: Hải Phòng (43,1%); Quảng Nam (45,4%); Đồng Nai (43,7%); Cà Mau (40,0%); Hậu Giang (35,1%).
Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 1 cao: Thanh Hóa (93,8%); Bắc Giang (95,3%); Bến Tre (91,8%).
Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 4.712.466 mũi tiêm (31,8%), trong ngày có 24 tỉnh triển khai với 81.885 người được tiêm.
Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 thấp: Hà Nội (15,7%); Bắc Cạn (3,2%); Nghệ An (9,8%); Lai Châu (14,4%); Đồng Tháp (8,8%).
Tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 cao: Quảng Ninh (78,8%); Khánh Hòa (70,5%); BR-VT (83,9%)
Đối với nhóm từ 12-17 tuổi, ghi nhận 8.648.920 trẻ tiêm đủ 2 mũi đạt 98,7%; Tiêm nhắc: 940.081 trẻ (10,7%).
Tỉnh tiêm thấp dưới 5% gồm: Miền Bắc (14 tỉnh): Hà Nội; Nam Định;Hà Nam; Bắc Giang; Phú Thọ; Vĩnh Phúc; Hải Dương; Quảng Ninh; Nghệ An; Lạng Sơn; Hà Giang;Cao Bằng; Yên Bái; Điện Biên.
Miền Trung (2 tỉnh): Quảng Nam; Bình Thuận
Miền Nam (9 tỉnh): Tiền Giang, Long An; Sóc Trăng; Trà Vinh; Vĩnh Long; Đồng Tháp; Bình Phước; Kiên Giang; Hậu Giang.
Kết quả tiêm nhắc tốt: Thanh Hóa (47,3%); Tây Ninh (47,0%); Bến Tre (43,7%).