Thúc đẩy kết nối giao thông, tăng cường hợp tác giữa các địa phương
Con đường ngắn nhất kết nối thị trường Việt - Trung
Hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) là con đường ngắn nhất nối Trung Quốc với các nước ASEAN qua cảng biển Hải Phòng. Đây cũng là con đường ngắn nhất kết nối Việt Nam với thị trường rộng lớn các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc như Trùng Khánh, Tứ Xuyên. Vì vậy, việc tận dụng và phát huy tốt ưu thế của hành lang kinh tế này có ý nghĩa hết sức quan trọng, không chỉ giúp phát triển kinh tế của từng địa phương thành viên mà còn đóng góp cho việc thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn duy trì là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam |
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trong nhiều năm qua, Trung Quốc luôn duy trì là đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam. Về thương mại, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 175,6 tỷ USD. 10 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 138,9 tỷ USD, giảm 5,88% so với cùng kỳ năm 2022.
Về đầu tư, tính đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.032 dự án, tổng vốn đăng ký trên 26 tỷ USD, đứng thứ 6 trong tổng số 144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Về hợp tác phát triển, Chính phủ Trung Quốc thời gian qua đã cung cấp cho Việt Nam các khoản vay tín dụng ưu đãi, viện trợ không hoàn lại để triển khai dự án trong các lĩnh vực như phát triển hạ tầng, y tế, văn hoá, giáo dục… đã góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo và phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam.
Về hợp tác trong tuyến hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc): Tháng 11/2006, hai bên đã ký kết Bản ghi nhớ về việc triển khai hợp tác “Hai hành lang một vành đai” giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Tuyến hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) là một trong 2 tuyến hành lang kinh tế của khuôn khổ “Hai hành lang một vành đai”.
Để cụ thể hoá nội dung của Bản ghi nhớ nêu trên, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành của hai nước đã triển khai nhiều thoả thuận, chương trình và dự án hợp tác cụ thể; các địa phương trong tuyến hành lang cũng như địa phương giáp biên giới của hai nước đã thiết lập các cơ chế trao đổi định kỳ, tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và giao lưu Nhân dân. Có thể nói, những chương trình, hoạt động hợp tác trong tuyến hành lang kinhh tế thời gian qua đã góp phần tích cực cho phát triển quan hệ giữa hai nước.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, việc triển khai hợp tác “Hai hành lang một vành đai” giữa hai bên thời gian qua vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Hai bên chưa có nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao; hợp tác thương mại chưa ổn định, thiếu bền vững, nhất là thương mại biên giới, trong đó, Việt Nam vẫn nhập siêu lớn từ Trung Quốc; sự phối hợp và tính kết nối giữa các địa phương hai nước còn yếu, chưa thu hút được sự tham gia của các địa phương khác ngoài tuyến hành lang kinh tế.
Nâng cấp và kết nối hạ tầng giao thông giữa hai nước
Để thúc đẩy hợp tác “Hai hành lang một vành đai” nói chung và hợp tác trong tuyến hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) nói riêng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số giải pháp.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định, trải qua một thế kỷ vun đắp và phát triển, mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc đã trở thành tài sản quý báu của hai Đảng và Nhân dân hai nước |
Thứ nhất, các địa phương thúc đẩy nâng cấp và kết nối hạ tầng giao thông giữa hai nước, nhất là là hạ tầng khu vực biên giới, cửa khẩu; nhằm tạo thuận lợi cho giao thương, du lịch và đi lại của người dân hai nước. Thứ hai, tăng cường thuận lợi hoá thương mại, nhất là đối với hàng hoá nông, lâm, thuỷ sản; tăng cường ứng dụng công nghệ số, áp dụng số hoá trong quá trình thông quan tại cửa khẩu biên giới hai nước. Thứ ba, nghiên cứu mở rộng phạm vi hợp tác theo hướng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn của hai nước.
Bên cạnh đó, các địa phương trong tuyến hành lang kinh tế cần tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tại mỗi bên để doanh nghiệp hai bên hiểu biết hơn về môi trường, chính sách đầu tư kinh doanh của mỗi nước; tăng cường giao lưu, hợp tác giữa chính quyền các địa phương, các tổ chức xã hội và Nhân dân hai nước.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ khẳng định, trải qua một thế kỷ vun đắp và phát triển, mối quan hệ giữa Việt Nam - Trung Quốc đã trở thành tài sản quý báu của hai Đảng và Nhân dân hai nước. Trung Quốc là quốc gia hiếm có trên thế giới hội tụ đầy đủ các yếu tố ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đó là nước láng giềng, nước lớn, bạn bè truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện, cùng là nước xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Củng cố và phát triển quan hệ ổn định, lành mạnh, bền vững, lâu dài với Trung Quốc là chủ trương nhất quán, lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.
Hợp tác hành lang kinh tế giữa 5 tỉnh, TP Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) ngày càng sôi động, hiệu quả |
Việc thành phố Hà Nội đăng cai tổ chức Hội nghị hợp tác hành lang kinh tế 5 tỉnh, thành phố Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) lần thứ X là một điểm sáng trong quan hệ hợp tác địa phương Việt - Trung trong năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước...
“Từ góc độ Bộ ngoại giao Việt Nam, chúng tôi sẵn sàng phát huy vai trò đồng hành, thúc đẩy tích cực giao lưu, hợp tác giữa các địa phương hai bên trên tất cả các lĩnh vực bao gồm: Duy trì giao lưu, trao đổi đoàn các cấp; thúc đẩy thương mại phát triển bền vững, mở rộng nhập khẩu các sản phẩm có thế mạnh của nhau, nhất là nông, lâm, thủy hai sản; thúc đẩy kết nối giao thông, nhất là đường bộ và đường sắt; thúc đẩy hợp tác logistic để tạo điều kiện hơn nữa cho giao lưu Nhân dân, hợp tác thương mại và du lịch; tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như phát triển xanh, kinh tế số, sử dụng bền vững nguồn nước sông Mê Công, ứng phó biến đổi khí hậu...", Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh.