Thuốc mới điều trị viêm gan C đang chờ Luật Dược
(TTTĐ) Mới đây, PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết, hiện nay, trên thế giới đã có loại thuốc chữa khỏi tới 99% cho bệnh nhân viêm gan C.
Ông Nguyễn Văn Kính đánh giá qua nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy, tại nước ta, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B chiếm từ 15-25% dân số, còn viêm gan C chiếm từ 5-7% dân số. Điều đáng nói là có đến 90% các trường hợp mắc viêm gan B không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi tiến triển thành xơ gan, ung thư gan thì đã quá muộn. Tương tự, có đến 90% tỷ lệ người bệnh mắc viêm gan C không có một biểu hiện trên lâm sàng, chỉ có tế bào gan bị tổn thương âm thầm, trong đó hơn 50% trường hợp sẽ chuyển thành xơ gan và ung thư.
Tỷ lệ người nhiễm virus viêm gan C ở Việt Nam đang gia tăng, trong đó có tới 97% những người tiêm chích ma túy mắc viêm gan C. Virus viêm gan C có 6 típ chính từ 1 đến 6, mỗi típ thì có các phác đồ điều trị khác nhau nhưng trong đó típ 1 và 6 là điều trị khó khăn nhất. Theo các báo cáo điều tra thì bệnh nhân viêm gan virus C tại Việt Nam đa số lại mắc típ 1 và 6.
Đặc biệt, triệu chứng lâm sàng của căn bệnh này hầu như không có nên người bệnh chỉ phát hiện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn xơ gan hoặc ung thư gan. Hiện nay, phác đồ điều trị cho bệnh nhân viêm gan B, C tại nước ta là sự kết hợp giữa PEG-IFN và Ribavirin với giá khoảng 200 triệu đồng.
Song lại có rất nhiều tác dụng phụ như mệt mỏi, thiếu máu, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, rụng tóc, chán ăn, suy giảm sinh lý… Đây thường là nguyên nhân mà bệnh nhân ngại dùng thuốc kéo dài hoặc bắt buộc phải dừng điều trị khi không khắc phục tốt triệu chứng này.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Kính, hiện nay đã có thuốc mới Sofosbuvir của Ấn Độ điều trị khỏi viêm gan C. Thuốc này bán sang nước ta sẽ có giá 900USD/liều sử dụng điều trị trong 12 tuần. Sofosbuvir cũng đang được sử dụng rộng rãi tại các nước châu Âu và châu Á.
Tuy nhiên, tại Việt Nam chưa sử dụng thuốc này do hàng rào của Luật Dược quy định thuốc mới phải được sử dụng ở nước ngoài trong vòng 5 năm mới được nhập vào trong nước. Chính vì vậy, một số trường hợp mắc bệnh đã ra nước ngoài chữa trị. Hiện, Quốc hội Việt Nam đang tiếp tục xem xét, thay đổi một số điều lệnh tại Luật Dược để mở rộng cơ hội nhập khẩu những loại thuốc tốt nhất.
Phương Thu