Thượng tá công an và bảo tàng chiến tranh đồ sộ
![]() |
Ông chủ của hàng nghìn kỷ vật chiến tranh
Những ngày này, du khách đến thăm quan trưng bày “Chân trần chí thép” tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hà Nội chắc hẳn đều rất xúc động trước hình ảnh những chiến sĩ cách mạng kiên trung. Cảm xúc của họ vỡ òa khi nhìn thấy chiếc xe thồ huyền thoại vận chuyển vũ khí, lương thực, nhu yếu phẩm tiếp tế cho chiến trường trong Chiến dịch Điện Biên Phủ chấn động địa cầu; hay chiếc võng Trường Sơn, ba lô, mũ cối, bi đông và cả cây đàn ghita tái dựng một trạm giao liên trên đường Trường Sơn trong chiến tranh chống Mỹ. Điều bất ngờ là hầu hết những hiện vật này được Ban tổ chức mượn từ bảo tàng chiến tranh của ông Đào Văn Hà tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Gặp ông tại lễ khai mạc trưng bày “Chân trần chí thép” ở di tích Nhà tù Hỏa Lò, hỏi ông chuyện gây dựng bảo tàng chiến tranh với hàng nghìn hiện vật từ hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ, chúng tôi đã đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác về người đàn ông có dáng vẻ chất phác này.
|
Ông Đào Văn Hà sống cùng gia đình tại phố Nguyễn Khánh Toàn, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Nhiều năm qua ông đã dày công và cả “dày của” để sưu tầm hàng ngàn hiện vật chiến tranh từ thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Ngoài căn nhà nhỏ ở phố Nguyễn Khánh Toàn, ông Đào Văn Hà còn có nhà riêng ở thôn Đại Phùng, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, Hà Nội (quê gốc của ông) rộng gần 1.500m2. Nơi đây ông Hà lắp đặt xưởng may do mình làm chủ, chuyên may bảo hộ lao động, đồng thời trưng bày hàng ngàn hiện vật chiến tranh và các đồ xưa cũ.
Trong khuôn viên rộng rãi của mình, ông Hà dành riêng một ngôi nhà để cất giữ, trưng bày hàng ngàn hiện vật chiến tranh, trong đó có tới… 3.000 bi đông, ăng-gô ông mua trong nhiều năm và lớn nhất là trong chuyến mua thanh lý từ bên Lào. Ông khoe, riêng tiền bi đông, ăng-gô, ông mua trên 100 triệu đồng. Những hiện vật như: Bi đông, hòm đạn, vỏ đạn, vỏ bom, mũ sắt, bánh máy bay, đồ lặn của lính Mỹ, tăng, dù, mũ cối, xác ngư lôi, điện thoại dã chiến, vỏ lựu đạn, vỏ đạn 12 ly 7, bát ăn cơm, túi đựng súng… được sắp xếp thành từng hàng, có lẽ ngay cả những người chưa từng trải qua chiến tranh cũng phải choáng ngợp với những hình dung về chiến tranh và sau đó là choáng ngợp trước người đàn ông kỳ lạ bao năm nhặt nhạnh, vân vê, ăn nằm với những kỷ vật của một thời dữ dội.
Định mệnh khó cưỡng
Người ta càng kinh ngạc hơn nếu biết ông Hà chưa từng trải qua cuộc đời quân ngũ. Ông không làm bảo tàng chiến tranh bởi những hoài niệm đời lính. Ông là công an - một thượng tá công an, từng là giảng viên Học viện An ninh, rồi công tác tại Công an thành phố Hà Nội cho đến ngày về hưu. Ông đã gắn bó và bắt đầu sưu tầm các hiện vật chiến tranh như là một cái duyên, một định mệnh khó cưỡng.
Là người viết văn, làm thơ, viết các công trình nghiên cứu lịch sử, lại giữ chân “lãnh đạo” của CLB Văn nghệ Xứ Đoài nên mặc dù làm trong ngành công an nhưng ông Hà lại có nhiều mối giao tình với các văn nghệ sĩ. Trong một lần viếng thăm họa sĩ Phan Kế An, tình cờ chứng kiến câu chuyện một người ngoại quốc vật nài được mua một chiếc mũ sắt của lính Mỹ thời trong chiến tranh Việt Nam với một cái giá “giật mình” cho một món đồ “đồng nát”, ông Hà nhận ra rằng các hiện vật chiến tranh có giá trị rất lớn và rồi đây nó sẽ còn giá trị hơn nữa. Đó là vào năm 2013, kể từ cuộc gặp “định mệnh” ở nhà họa sĩ Phan Kế An, ông Hà bắt đầu chú tâm sưu tầm những hiện vật chiến tranh một cách bài bản hơn. Trước đó ông cũng đã mê mẩn với các hiện vật chiến tranh, các món đồ cổ nhưng chưa có ý thức sưu tầm thật sự.
Sau vài năm đi khắp cả nước, sang cả Lào, Campuchia sưu tầm hiện vật chiến tranh, nhiều của nải cũng theo những chuyến đi của ông Hà ra đi. Đổi lại, ông có được một bộ sưu tập hiện vật chiến tranh có lẽ lớn nhất miền Bắc. Nhiều đồ ông được cho nhưng có nhiều đồ phải mất rất nhiều tiền để mua lại. Nhiều người biết ông thích sưu tầm, họ lại mang di vật của mình đến tặng, gửi ông Hà giữ hộ.
Sợ chiến tranh trong tâm trí của con trẻ chỉ còn là sự mơ hồ, sách vở; sợ những hy sinh, xương máu của những người đã khuất để bảo vệ Tổ quốc bị lãng quên và lu mờ, khi đã có được một bộ sưu tập đồ sộ, ông Hà bắt đầu nhen nhóm thành lập một bảo tàng tư nhân để giáo dục thế hệ trẻ về sự ác liệt của chiến tranh và sự hy sinh của người lính.
Bảo tàng của ông hiện trưng bày theo chủ đề theo thứ tự của các cuộc chiến tranh với ba chủ chính. Chủ đề đầu tiên trưng bày các tác phẩm về văn hóa Việt: Từ những món đồ gỗ, đồ đồng, đồ các làng nghề truyền thống. Trưng bày tranh ảnh văn hóa dân gian, các lễ hội vùng miền từ cái mâm đồng, ấm đồng, ống nhổ trầu cho đến những nồi cơm, mâm gỗ, cân quả tạ, loa phát thanh… gần gũi mà thân quen đến từng người, tuổi thơ của mỗi người Việt Nam.
Chủ đề thứ hai là các hiện vật về mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam với các nước XHCN trước đây. Những chiếc xe đạp, xe máy, quạt, nồi, những đồ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu… tất cả được tái hiện một cách sinh động nhất. Chủ đề cuối cùng, cũng là chủ đề được ông quan tâm nhiều nhất, đó là phế tích chiến tranh. Gồm tất cả những đồ liên quan đến chiến tranh, quân sự trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của dân tộc như: Vỏ bom, đạn dược, thùng đựng đạn, điện thoại, bộ đàm, bi đông, ăng-gô, các đồ quân dụng trang bị cho bộ đội…
Trong số hàng ngàn hiện vật đang trưng bày ở nhà ông Đào Văn Hà, có những hiện vật ông biết rõ chủ nhân của nó. Đó là một chiếc thắt lưng của liệt sĩ Đào Văn Nghếch (còn tên khác là Khoa), hy sinh ở khu vực đèo Hải Vân năm 1973. Hay một chiếc mũ cối của liệt sĩ Nguyễn Văn Cường, quê ở huyện Vũ Thư (Thái Bình), hy sinh năm 1968. Đồng đội của ông Nghếch, ông Cường đã giao những hiện vật này cho ông Hà, nhờ giữ hộ.
Ông Hà chia sẻ, sắp tới ông sẽ đầu tư mở rộng quy mô không gian trưng bày, cho xứng tầm "bảo tàng". "Tuy nhỏ bé nhưng tôi cũng mong muốn đóng góp một phần vào việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay", thượng tá Đào Văn Hà khẳng định.
|
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Đoàn lãnh đạo TP Hồ Chí Minh dâng hoa tưởng nhớ Bác

Trao giải cuộc thi viết "Cảm tưởng về cà phê, trà Việt"

Nhiều khu vực mưa dông, đề phòng lũ quét, sạt lở

Agribank Quảng Ninh trao tặng xe điện cho quân, dân đảo Trần

Quảng Ninh tổ chức hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày báo chí cách mạng

Bình Định xóa 4.411 nhà tạm, nhà dột nát vượt tiến độ 7 tháng

Quảng Ngãi hoàn thành gần 79% mục tiêu xoá nhà tạm, nhà dột nát

Lâm Đồng, Bình Thuận, Đắk Nông bàn về sáp nhập cơ quan báo, đài

Kịp thời giải cứu 5 người đi lạc trên núi cao vào đêm tối
