Tiến độ tiêm chủng mở rộng tại TP Hồ Chí Minh chưa đạt chỉ tiêu 95%
Hoàn thành "làm sạch" dữ liệu tiêm chủng vắc xin COVID-19 trước ngày 1/6/2022 3 lý do Hà Nội cho học sinh tiểu học trở lại trường khi chưa tiêm chủng |
Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trong năm 2021 vừa qua, thành phố trải qua các đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 dẫn đến hoạt động tiêm chủng mở rộng cho trẻ gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến tỷ lệ tiêm chủng của trẻ còn thấp, đặc biệt là tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh sởi, DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) dẫn tới nguy cơ bùng phát các dịch bệnh dù đã có vắc xin.
Riêng với vắc xin phòng COVID-19, Sở Y tế cho biết, tính đến hết ngày 23/5/2022, thành phố đã tiêm được 4.278.301 mũi nhắc lại vắc xin COVID-19 lần 1 (mũi 3) cho người từ 18 tuổi trở lên chỉ đạt 63,8%. Sở Y tế ước tính các quận, huyện cần phải tiêm liều nhắc lại cho 1.514.535 người để đạt tỷ lệ 90% theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Đối với tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi tại 21 quận, huyện, TP Thủ Đức đều không đạt chỉ tiêu ≥95% (trừ huyện Cần Giờ). Đối với tỷ lệ tiêm mũi nhắc 18 tháng, 22 quận, huyện, TP Thủ Đức cũng không đạt chỉ tiêu. Cụ thể, số trẻ đã tiêm vắc xin bệnh sởi 2 đạt tỷ lệ 64,7% (thiếu 30,3% so với chỉ tiêu cần đạt là ≥95%) và DPT 4 đạt 56,8% (thiếu 28,2% so với chỉ tiêu cần đạt là ≥ 80%).
Quang cảnh buổi họp về triển khai công tác tiêm chủng trên địa bàn thành phố |
Trong thời gian tới, ngành Y tế thành phố xác định sẽ tổ chức tiêm bù, tiêm vét, đồng thời theo dõi tiến độ tiêm chủng mở rộng của trẻ năm 2022, đảm bảo độ bao phủ phòng bệnh cho trẻ; Huy động nhân sự tổ chức rà soát đối tượng trên địa bàn và thực hiện mời tiêm theo nhóm đối tượng ưu tiên của từng địa phương, đặc biệt các quận, huyện có tỷ lệ tiêm thấp và chỉ tiêu chưa đạt.
Bên cạnh đó, các quận, huyện cần tăng cường hoạt động truyền thông, vận động người dân đưa trẻ ra tiêm chủng phòng ngừa các bệnh đã có vắc xin. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi; Khẩn trương triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho người từ 18 tuổi trở lên, đảm bảo hoàn tất trong quý II/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế.
Đối với công tác tiêm chủng mở rộng, Sở Y tế cũng kiến nghị UBND TP chỉ đạo các quận, huyện huy động nhân sự hỗ trợ ngành Y tế tổ chức rà soát đối tượng trẻ trong độ tuổi tiêm chủng trên địa bàn và thực hiện mời tiêm theo nhóm đối tượng ưu tiên của từng địa phương.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức chỉ đạo các địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được. Đối với tiêm chủng mở rộng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị các địa phương rà soát, thống kê số lượng trẻ được tiêm chủng dịch vụ để đánh giá đúng tỷ lệ tiêm chủng của địa phương; Nhanh chóng tổ chức triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3), lần 2 (mũi 4); Thống kê số lượng người chưa tiêm đủ mũi vắc xin, và ghi nhận lại lý do những trường hợp không đồng ý tiêm.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị ngành Y tế cần tăng cường truyền thông đến người dân về lợi ích của tiêm chủng, tạo đồng thuận để công tác tiêm chủng diễn ra đúng kế hoạch.
Tăng cường các biện pháp phòng bệnh đầu mùa khỉ Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thành phố hiện chưa phát hiện ca bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, thành phố đang tăng cường phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Theo đó, thành phố tăng cường giám sát tại cửa khẩu các trường hợp nghi ngờ đến từ các quốc gia đang có dịch bệnh. Các bệnh viện cũng giám sát kỹ các trường hợp nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ. Khi phát hiện dấu hiệu nghi bệnh, phải báo cáo Sở Y tế thành phố và phối hợp với Viện Pasteur thành phố thực hiện xét nghiệm. Sở cũng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân. Trong đó, tuyên truyền để người dân tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đậu mùa, tránh tiếp xúc trực tiếp với vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh. Người có các triệu chứng của trường hợp nghi ngờ, cần chủ động liên hệ với cơ sở y tế để được theo dõi, tư vấn kịp thời. |