Tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở
Phát động cuộc thi "Y tế cơ sở giỏi năm 2024" Đổi mới công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân từ cơ sở Đạt và vượt 7/7 chỉ tiêu đề ra trong công tác dân số Xây dựng chất lượng hoạt động tuyến y tế cơ sở |
Triển khai hiệu quả các hoạt động, chương trình y tế
Theo báo cáo của Sở Y tế, tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn thành phố ghi nhận 745 ca mắc sốt xuất huyết tại 30/30 quận, huyện, thị xã; không có ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Toàn TP ghi nhận 11 ổ dịch, hiện còn 3 ổ dịch đang hoạt động tại thôn Bãi Tháp, Đồng Vân, Tân Hội thuộc huyện Đan Phượng và phố Huế, Hai Bà Trưng.
Toàn cảnh hội nghị |
Dịch tay chân miệng ghi nhận 1.472 ca mắc tại 30/30 quận, huyện, thị xã; không có ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ 2023; ghi nhận 37 ổ dịch và hiện tại tất cả đã kết thúc hoạt động.
Thành phố ghi nhận 116 ca mắc ho gà tại 25/30 quận, huyện, thị xã, không có ca tử vong, số mắc tăng so với cùng kỳ 2023.
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm 2024, thành phố cũng ghi nhận 3 ca mắc liên cầu lợn, 627 ca thủy đậu, 8 ca uốn ván, 1 ca sởi, 1 ca mắc rubella, 1 ca não mô cầu...
Trước tình hình một số dịch bệnh có xu hướng gia tăng, Sở Y tế đã tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch, đặc biệt là đối với công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết Dengue, phòng chống dại, tay chân miệng, các bệnh dịch lây từ động vật sang người.
30 Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã có 55 phòng khám đa khoa, 485/579 (chiếm 83,7%) trạm y tế xã, phường, thị trấn tham gia khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế. Tổng số lượt khám bệnh 6 tháng đầu năm 2024 là 1.312.976 lượt, trong đó phòng khám đa khoa, nhà hộ sinh là 614.549 lượt; trạm y tế là 698.427 lượt.
Các đơn vị thực hiện khám chữa bệnh y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại tại các trạm y tế và phòng khám đa khoa trực thuộc các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã.
Kết quả, có tổng số 212.488 lượt khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Các Trung tâm Y tế tăng cường công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm. Cụ thể, về tăng huyết áp (THA) phát hiện mới tiền THA: 46.327 người, phát hiện mới THA: 12.726 người, quản lý điều trị mới: 12.321 người.
Về đái tháo đường (ĐTĐ), các đơn vị phát hiện mới tiền ĐTĐ: 5.001 người, tiền ĐTĐ mới được can thiệp dự phòng: 4.631 người; phát hiện mới ĐTĐ: 4.496 người, quản lý điều trị ĐTĐ mới: 4416 người.
Về công tác an toàn thực phẩm, toàn thành phố có 72.671 cơ sở, trong đó ngành Y tế quản lý: 39.882 cơ sở (thành phố: 4.736 cơ sở; quận, huyện, thị xã: 9.227 cơ sở; xã, phường, thị trấn: 25.919 cơ sở).
TP duy trì công tác bảo đảm an toàn thực phẩm dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trên địa bàn tại 100% các xã, phường, thị trấn, 60 tuyến phố văn minh bảo đảm an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã; duy trì 20 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại 16 quận, huyện.
Cùng với đó, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2024, trong đó tiếp tục duy trì 488 xã, phường, thị trấn đã được công nhận công nhận đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2023 và xây dựng kế hoạch thực hiện phấn đấu đạt 100% các xã, phường, thị trấn đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã năm 2024.
Về công tác triển khai thực hiện Đề án 06, Sở Y tế phối hợp với Văn phòng UBND thành phố, Tập đoàn Viettel nghiên cứu, hiệu chỉnh hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử do Tập đoàn Viettel cung cấp.
Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố Hà Nội đã được đánh giá đảm bảo về an ninh mạng, an toàn thông tin (hạ tầng, ứng dụng) theo quy định, đáp ứng yêu cầu kết nối với Cơ sở dữ liệu dân cư và VNeID do Bộ Công an quản lý.
Đồng thời, Sở Y tế cấp chữ ký số cho 615 đơn vị và 2.475 cá nhân trực thuộc các đơn vị; cấp hơn 3.200 tài khoản cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống và liên thông dữ liệu khám, chữa bệnh; hoàn thành việc cấp hơn 3.650 tài khoản cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử (đạt tỷ lệ 100%)…
Tại hội nghị, các Trung tâm Y tế đã báo cáo về kết quả thực hiện hoạt động y tế trong những tháng đầu năm 2024; những vướng mắc khó khăn tại đơn vị.
Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế ghi nhận, đánh giá cao những kết quả mà các Trung tâm Y tế quận, huyện, thị xã đạt được.
Trong thời gian tới, các quận, huyện, thị xã tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, cần đưa ra các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để triển khai một cách hiệu quả nhất.
TS Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế phát biểu tại hội nghị |
TS Nguyễn Đình Hưng lưu ý, đối với dịch sốt xuất huyết đã xuất hiện một số ổ dịch phức tạp, kéo dài, kết quả giám sát tại các ổ dịch cũ vẫn ghi nhận chỉ số nguy cơ, thời tiết hiện nay nắng nóng kèm theo mưa rào là điều kiện thuận lợi để phát sinh muỗi truyền bệnh.
Chính vì vậy, các địa phương cần tăng cường công tác giám sát dịch, thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết.
Các đơn vị tiếp tục phối hợp giám sát công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh tại các trường học, khu vực trọng điểm, khu vực nguy cơ cao dịch bệnh.
Các quận, huyện triển khai thực hiện công tác dân số và phát triển thành phố Hà Nội năm 2024 và các đề án, kế hoạch nâng cao chất lượng dân số của thành phố, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện hoạt động nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao; đảm bảo công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố, kiểm soát tốt an toàn thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố xung quanh cổng trường học.
Cùng với đó, các quận, huyện cần làm tốt công tác khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ y tế; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý điều hành phụcvụ công tác chăm sóc sức khoẻ người dân trên địa bàn.
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung phát biểu tại hội nghị |
Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết: Để làm tốt công tác bàn giao Trung tâm Y tế 30 quận, huyện, thị xã về UBND quận, huyện, thị xã quản lý từ ngày 1/7/2024, các đơn vị tiếp tục phối hợp với phòng ban chuyên môn của Sở rà soát, hoàn thiện quy trình, thủ tục đảm bảo đầy đủ, chính xác theo quy định; khẩn trương tháo gỡ, giải quyết vướng mắc, tồn tại của đơn vị trước khi chuyển về quận, huyện quản lý.
Sở Y tế đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy chế phối hợp giữa Sở Y tế và UNBD các quận, huyện, thị xã trong quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đồng thời, các Trung tâm Y tế chỉ đạo các trạm Y tế xã, phường, thị trấn tiếp tục tổ chức rà soát đối tượng tiêm chủng; duy trì tốt công tác tiêm chủng mở rộng phòng các bệnh nguy hiểm ở trẻ em đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng của các bệnh và tích cực tư vấn người dân cho con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.