Tiếp tục triển khai phòng, chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn, giai đoạn 2021-2025
Theo đó, Kế hoạch cũng xác định 4 mục tiêu gồm: Nâng cao năng lực của các cấp, các ngành trên địa bàn Thủ đô trong chỉ đạo, tổ chức, triển khai, giám sát các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng; Duy trì và nhân rộng các mô hình cộng đồng an toàn - tiêu chuẩn Việt Nam phòng, chống tai nạn thương tích; Nâng cao năng lực sơ cấp cứu tai nạn thương tích tại cộng đồng, chăm sóc chấn thương trước viện và phục hồi chức năng; Nâng cao năng lực ghi nhận, giám sát và báo cáo dữ liệu tai nạn thương tích.
Ảnh minh họa |
Cùng với đó, Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 có 20% dân số được tiếp cận các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích xây dựng “Ngôi nhà an toàn”; Duy trì 155 cộng đồng an toàn tiêu chuẩn Việt Nam, tăng 45 xã, phường đạt tiêu chuẩn cộng đồng an toàn.
100% đơn vị các cấp từ thành phố đến quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn lồng ghép các hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng chống tai nạn giao thông trong hoạt động xây dựng cộng đồng an toàn.
UBND thành phố giao các sở, ngành liên quan trong việc triển khai phòng, chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn.
Các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống tai nạn thương tích, xây dựng cộng đồng an toàn trước UBND thành phố; Bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích từ nguồn kinh phí của địa phương và chỉ đạo các UBND xã, phường, thị trấn bố trí kinh phí cho hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích từ nguồn kinh phí xã, phường, thị trấn.
Ngoài ra, các địa phương thực hiện thẩm định, đánh giá và chứng nhận xây mới và duy trì cộng đồng an toàn tiêu chuẩn Việt Nam cho xã, phường, thị trấn; Trường học an toàn cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn theo quy định.