Tin tức trong ngày 27/3: Thay huyết tương, lọc chất độc cho bệnh nhân nghi ngộ độc pate chay
Tình hình điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc pate Minh Chay tại Bệnh viện Bạch Mai Tin tức trong ngày 9/9: Hơn 10.000 sản phẩm pate Minh Chay đã đưa ra thị trường |
Thay huyết tương, lọc chất độc cho bệnh nhân nghi ngộ độc pate chay
Chiều 26/3, bác sĩ Trần Văn Sóng, Phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết Bệnh viện đã có báo cáo Sở Y tế về tình hình 4 ca nghi ngộ độc pate chay nhập viện vào bệnh viện này.
Theo đó, Bệnh viện Nhân dân 115 có tiếp nhận 4 trường hợp nghi ngộ độc pate chay, đều là nữ. Theo lời người nhà thì cả 4 trường hợp đều ăn đồ chay (bún riêu chay, chả chay, pate chay) tại Miếu Chiêu Liêu, tỉnh Bình Dương. Trong số đó có pate chay bị hỏng nắp và có vị chua.
Sau khi ăn pate chay, các bệnh nhân đó xuất hiện các triệu chứng tương tự nhau như khó nói, yếu cơ, khó thở và diễn biến suy hô hấp nhanh. Hiện cả 4 trường hợp đã được đặt nội khí quản, thở máy hỗ trợ hô hấp, điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức - tích cực và chống độc, nghi ngộ độc Clostridium Botulinum.
Các trường hợp ngộ độc pate chay sau khi được cấp cứu vẫn trong tình trạng nặng |
Tối 25/3, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã chuyển vào Bệnh viện Nhân dân 115 hai lọ thuốc giải độc có tên là Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) và 2 bệnh nhân đã được tiêm thuốc giải độc.
Tuy nhiên, các trường hợp ăn pate chay trên vẫn trong tình trạng nặng. Chỉ có 2 hộp thuốc giải độc tiêm cho 2 bệnh nhân, 2 bệnh nhân còn lại bệnh viện đang tính toán phương án thay huyết tương, lọc máu để thải độc chất.
Còn bệnh nhân P.N.T.T (16 tuổi, trú Bình Dương) sau tiêm thuốc giải độc (do Bệnh viện Bạch Mai đưa vào) tại Bệnh viện Nhi đồng 2 thì sức cơ đã cải thiện ít. Hiện bệnh nhân vẫn thở máy.
Như vậy, đến nay "chùm ca bệnh" 6 người ngộ độc sau khi ăn pate chay, 4 người nhập viện Bệnh viện Nhân dân 115, 1 người nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 và 1 người nhập vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Người nhập viện Bệnh viện Chợ Rẫy nặng xin về, theo Sở Y tế TP.HCM thì bệnh nhân này đã tử vong.
Bác sỹ đảo Trường Sa cấp cứu thành công ngư dân bị đột quỵ
Cuối giờ trưa 26/3, từ đảo Trường Sa lớn, Thượng tá Phạm Xuân Chung, Chỉ huy trưởng đảo Trường Sa thông tin, các bác sĩ bệnh xá của đảo này mới cấp cứu thành công ngư dân Trần Thanh Tú, sinh năm 1994, quê ở xã Long Hải, huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận bị đột quỵ não trong khi lao động trên tàu cá BTh 98426 TS ngoài vùng biển Trường Sa của Việt Nam.
Trước đó khoảng gần 20h ngày 25/3, Trung tâm Y tế đảo Trường Sa tiếp nhận ngư dân Trần Thanh Tú từ 4 ngư dân khác của tàu cá BTh 98426 TS chuyển vào đảo, trong thể trạng nửa người bên trái bị liệt và mất cảm giác, đau đầu, huyết áp 110/60 mmHg, mạch 60 nhịp/phút.
Bác sĩ đảo Trường Sa cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh Báo Nghệ An |
Kíp cấp cứu khẩn cấp triển khai ngay sau đó. Qua thăm khám, các bác sỹ xác định ngư dân Tú bị bị đột quỵ não bán cầu phải giờ thứ 12. Phương án bù nước điện giải cho bệnh nhân được tiến hành khẩn cấp, kèm theo đó là phác đồ điều trị cho bệnh nhân liệt tứ chi.
Sau thời gian cấp cứu kịp thời, ngư dân Trần Thanh Tú đã cử động chân tay, tỉnh táo và tiếp xúc tốt. Hiện các bác sỹ Trường Sa vẫn đang theo dõi và điều trị.
Dự kiến tháng 9/2021 có vắc xin phòng Covid-19 ''made in Vietnam''
Học viện Quân y vừa tiếp tục triển khai tiêm thử nghiệm mũi 2 vắc xin Nano Covax giai đoạn 2 cho các tình nguyện viên. Đây là những người đã hoàn thành mũi tiêm thứ nhất của giai đoạn này từ ngày 26/2 đến ngày 10/3.
Theo thông tin từ Học viện Quân y, sau khi tiêm mũi 1 giai đoạn 2 vắc xin Nano Covax, các tình nguyện viên có triệu chứng như: Sốt nhẹ, đau chỗ tiêm tự hết, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi..., nhưng các triệu chứng này qua nhanh và không cần can thiệp y tế.
Ở giai đoạn 2, có 560 tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm, mở rộng đối tượng từ 18 đến trên 60 tuổi, trong đó, một số người có bệnh nền như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tim mạch độ 1... không quá nặng.
Đợt tiêm thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 Nano Covax giai đoạn 2 được tổ chức tại hai điểm cầu: Học viện Quân y và Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh (cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An).
Việt Nam đã hoàn tất tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 vắc xin phòng Covid-19 Nano Covax |
Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết, tiến độ nghiên cứu vắc xin được đẩy nhanh đến mức tối đa nhưng vẫn bảo đảm tính khoa học, an toàn. Với tiến độ này, đến cuối tháng 6, đầu tháng 7/2021 có thể trình Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thông qua việc thử nghiệm vắc xin ở giai đoạn 3 để tiến hành tiêm trên diện rộng hơn.
Được biết, giai đoạn 3 của quá trình tiêm thử nghiệm này, nhóm nghiên cứu sẽ tiêm vắc xin AstraZeneca cho 5.000 người và tiêm vắc xin Nano Covax cho 5.000 người để đối chứng.
Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết cho biết, theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin, điều quan trọng nhất là phải đánh giá được hiệu quả của vắc xin trong việc bảo vệ người dân không bị nhiễm bệnh. Hiện có vắc xin AstraZeneca được WHO công nhận. Như vậy, có thể đối chứng giữa vắc xin mà nước ta đang nghiên cứu với vắc xin được cấp phép lưu hành trên thế giới để xem hiệu lực bảo vệ đến đâu, nếu tương đương sẽ cho cấp phép và sử dụng. Với phương pháp này, dự kiến đến tháng 9/2021 sẽ có vắc xin phòng Covid-19 do Việt Nam tự sản xuất.