Tình hình dịch Covid-19 tại TP Hồ Chí Minh hiện nay ra sao?
TP Hồ Chí Minh đạt cấp độ 2 (Ảnh: Người dân tham quan đường Sách TP Hồ Chí Minh) |
TP đạt cấp độ 2
Căn cứ theo cấp độ dịch được công bố, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị các Sở, ban, ngành, UBND quận/huyện, TP Thủ Đức triển khai các biện pháp hành chính “thích cứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” trong lĩnh vực và địa bàn phụ trách.
Theo đó, đối với cấp TP, TP Hồ Chí Minh đạt cấp độ 2. Đối với cấp quận/huyện, TP Thủ Đức có 9/22 địa phương đạt cấp độ 1 (Quận 1, 6, 7, 8, 11, Tân Bình và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ); 13/22 địa phương còn lại đạt cấp độ 2; Có 3 quận tăng cấp độ dịch so với tuần trước là Quận 4, Bình Thạnh, Tân Phú (từ cấp 1 tăng lên cấp 2).
Đối với cấp phường, xã, thị trấn có 123/312 địa phương đạt cấp độ 1; 184/312 đạt cấp độ 2 và 5/312 địa phương đạt cấp độ 3. Trong đó, 19 xã, phường giảm cấp độ dịch và 48 xã, phường tăng cấp độ dịch so với tuần trước.
Để đánh giá tình hình dịch bệnh và có biện pháp phù hợp, tại Nghị quyết 128 do Chính phủ ban hành đã phân loại nguy cơ dịch bệnh thành 4 cấp:
Cấp 1: Nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh.
Cấp 2: Nguy cơ trung bình tương ứng với màu vàng.
Cấp 3: Nguy cơ cao tương ứng với màu cam.
Cấp 4: Nguy cơ rất cao tương ứng với màu đỏ.
Có 3 tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, gồm: Tỷ lệ ca mắc mới tại cộng đồng/số dân/thời gian; Độ bao phủ vắc xin (lưu ý nhóm tuổi có nguy cơ cao, tỷ lệ tiêm mũi thứ nhất, tỷ lệ tiêm đủ liều); Khả năng thu dung, điều trị của các tuyến (lưu ý xác định rõ khả năng thu dung, điều trị hiện có và kế hoạch bổ sung).
Đánh giá điều kiện cách ly tại nhà của F0 trong vòng 24 giờ
UBND TP Hồ Chí Minh cũng vừa ban hành Quyết định số 4028/QĐ-UBND quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các đơn vị trong công tác chăm sóc và quản lý F0 trên địa bàn thành phố.
Quy định này nhằm tránh chồng chéo, đảm bảo chặt chẽ, chủ động và có hiệu quả trong quản lý F0 tại nhà và cộng đồng.
UBND TP nhấn mạnh đến trách nhiệm và quyền hạn của cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà, bao gồm trạm y tế xã và trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng.
Cụ thể, trạm y tế xã phải sẵn sàng tiếp nhận, cập nhật danh sách người F0 trên địa bàn; Phối hợp lập hồ sơ điều trị tại nhà cho các trường hợp F0 được chăm sóc tại nhà do trạm y tế xã và các trạm y tế lưu động đảm trách; Chịu trách nhiệm phân bổ số lượng F0 đến các trạm y tế lưu động, thường xuyên liên lạc với tổ chăm sóc người mắc Covid-19 tại cộng đồng để hỗ trợ và đảm bảo hoạt động chăm sóc F0 theo đúng quy định.
Bên cạnh đó, các trạm y tế chịu trách nhiệm rà soát, cập nhật danh sách, số điện thoại liên lạc của các hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, có bệnh nền, béo phì, có thai...) để có kế hoạch bảo vệ, chăm sóc phù hợp (tiêm vét vaccine tại nhà đối với người không thể đến điểm tiêm được, cách ly tập trung người F0 thuộc các hộ gia đình này...); Công bố số điện thoại của trạm y tế xã và số điện thoại của các trạm y tế lưu động trên cùng địa bàn để người dân biết và gọi khi cần hỗ trợ.
Ngoài ra, mỗi trạm y tế lưu động phải có 1 bác sĩ, 1 - 2 điều dưỡng do Sở Y tế TP Hồ Chí Minh điều động và ít nhất 3 nhân sự (không phải y tế) do địa phương điều động. Mỗi trạm y tế lưu động quản lý 50 - 100 hộ có F0.
Trong vòng 24 giờ sau khi nhận được danh sách F0 từ trạm y tế xã, trạm y tế lưu động phải tiếp cận hộ gia đình có F0 để đánh giá các điều kiện cách ly tại nhà, theo dõi sức khỏe F0 mỗi ngày, cập nhật diễn tiến vào phần mềm quản lý, tùy theo diễn tiến của bệnh có thể cấp phát thuốc bổ sung theo điều trị của phác đồ.
Khi F0 có các dấu hiệu chuyển nặng, cơ sở quản lý người mắc Covid-19 chịu trách nhiệm hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho người bệnh; Đồng thời liên hệ tổ phản ứng nhanh cấp xã, cấp huyện để được hỗ trợ xử trí cấp cứu và chuyển người bệnh đến bệnh viện gần nhất…
Mỗi trạm y tế lưu động quản lý 50 - 100 hộ có F0 (Ảnh minh họa) |
UBND TP Hồ Chí Minh cũng quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC), UBND cấp xã, huyện, trung tâm y tế cấp huyện, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các bệnh viện... trong chăm sóc và quản lý F0 tại nhà.
Trong đó, ngoài các giải pháp chuyên môn cấp vĩ mô, hướng dẫn chuyên môn cho các đơn vị y tế… Sở Y tế TP Hồ Chí Minh phải xác định ngưỡng năng lực chăm sóc và điều trị F0 tại nhà, kịp thời báo cáo và tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố triển khai các giải pháp phù hợp khi số F0 dự báo sắp vượt ngưỡng.
Theo HCDC, để thành phố tiếp tục được an toàn trong trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho hoạt động khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch sau khi đã tiêm đủ liều vaccine không chủ quan, lơ là, khai báo y tế khi phát hiện là F0; Đồng thời cập nhật, nắm bắt các thông tin từ nguồn chính thống; Không chia sẻ, lan truyền các thông tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận và ảnh hưởng đến kết quả phòng, chống dịch của thành phố.
Tính đến hết ngày 27/11, TP Hồ Chí Minh có 85.184 ca F0 đang được chăm sóc, cách ly, điều trị. Trong đó, số F0 nhập viện tầng 2, tầng 3 là 14.693 ca; F0 cách ly tập trung là 6.031 ca và F0 cách ly tại nhà là 64.190 ca. |