Tình hình thiếu hụt xăng dầu cho thấy sự lúng túng trong điều hành
Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ thực trạng cung cấp xăng dầu Giá xăng dầu tăng nhẹ trong chiều 21/10 "Cơn lốc" chứng khoán, bất động sản có tác động nhất định đến nguồn cung xăng dầu |
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, sáng nay (27/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; Dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé |
Cắt giảm các loại thuế, phí liên quan tới xăng dầu
Phát biểu tại hội trường, nhiều đại biểu nêu ý kiến quan tâm tới giá xăng dầu. Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) vừa qua, tình hình thiếu hụt xăng dầu xảy ở nước ta, nhất là ở khu vực phía Nam đã cho thấy sự lúng túng trong điều hành, xử lý tình huống này của các bộ, ngành liên quan trong trách nhiệm quản lý Nhà nước.
Từ việc quy định tính đúng, tính đủ đối với giá xăng dầu, đến việc điều tiết nguồn cung của các doanh nghiệp đầu mối để xử lý kịp thời sự thiếu hụt như trong thời gian vừa qua… đã làm cho người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn trong cuộc sống, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Hiện nay, hiện tượng này vẫn còn xảy ra cục bộ ở một số địa phương, chưa được giải quyết dứt điểm. Đại biểu đề nghị sớm khắc phục tình trạng này để ổn định tình hình.
Cùng quan tâm về vấn đề này, đại biểu Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, để khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công thương phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu giá cơ bản sát với thực tế, đảm bảo hài hòa lợi ích của thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ và người dân. Đặc biệt cũng cần tăng sản lượng phân phối xăng dầu để đảm bảo nhu cầu tiêu thụ vào dịp cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) nhận định, thời gian qua Bộ Công thương đã vào cuộc tích cực giải quyết tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu, song vẫn cần sớm khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự trong thời gian tới.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng kiến nghị: “Cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu. Vấn đề giá cả xăng dầu thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, Quốc hội cần Ủy quyền cho Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế thiêu thị đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhất".
Vì sao năng suất lao động thấp hơn nhiều so với kế hoạch
Đại biểu Phan Viết Lượng |
Đại biểu Phan Viết Lượng (đoàn Bình Phước) nhấn mạnh, năm 2022 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước đã đoàn kết, nỗ lực thực hiện, đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, theo đại biểu, vẫn còn nhiều thách thức trước mắt, trong đó, đặc biệt lo ngại về chỉ tiêu tăng năng suất lao động dự kiến chỉ đạt 4,7-5,2% thấp hơn nhiều so với kế hoạch đề ra.
Theo đại biểu, đây là chỉ tiêu có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển nhanh, bền vững đất nước. Mức tăng này theo ông không chỉ thấp hơn giai đoạn vừa qua mà còn khó thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.
Nhấn mạnh, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quyết định đến tăng năng suất lao động nhưng đại biểu Lượng cho rằng hiện nay nguồn nhân lực của ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, chất lượng tuy có cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ ước đạt 27% trong khi nhiều nước trong khu vực đạt trên 50%. Trong khi, ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao, việc làm chủ công nghệ còn thấp hơn các nước.
Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu xây dựng đề án tổng thể, nỗ lực lớn hơn trong việc cải thiện năng suất lao động.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ có đánh giá kỹ lưỡng hơn thực trạng tình hình nhằm làm rõ nguyên nhân của việc không đạt chỉ tiêu, quyết liệt chỉ đạo có giải pháp hiệu quả, tạo đột phá về tăng năng suất lao động trong thời gian tới để thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững kinh tế, xã hội đất nước.
Theo đại biểu, cần ưu tiên nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo, sớm khắc phục tình trạng tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn như hiện nay.