Tội phạm lừa đảo thao túng tâm lý, ép nữ sinh lột quần áo
Trực tiếp đến nhận tiền của bị hại
Ngày 2/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội đang tiếp tục điều tra, xử lý các đối tượng trong vụ án mạo danh cơ quan công an, tư pháp lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm và huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Trước đó, Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) đã tạm giữ hình sự Nguyễn Ngọc Kịp (SN 1986, trú tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) và Phan Văn Long (SN 1969, trú tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) là những đối tượng trực tiếp đi nhận tiền, vàng của các bị hại trong các vụ lừa đảo, thu giữ vật chứng gồm 3 điện thoại di động, 80 triệu đồng và 5,2 “cây” vàng.
![]() |
Cơ quan Công an bắt giữ hai đối tượng Long và Kịp |
Theo điều tra, ngày 17/2/2025, bà Phan Thị S đến cơ quan công an trình báo về việc bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm. Theo trình báo của bà S, cùng ngày bà nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại giới thiệu tên là Trí làm việc ở Tòa án tối cao và tài khoản Zalo “Sơn Ngô” gọi đến tài khoản Zalo của bà S tự nhận là cán bộ Công an.
Cả 2 cuộc điện thoại đều nói bà S có liên quan đến việc lừa đảo của ngân hàng và buôn bán ma túy. Thậm chí các đối tượng còn gửi cho bà S lệnh bắt tạm giam của Viện kiểm sát Nhân dân tối cao. Các đối tượng cho biết đã lập chuyên án và tiến hành điều tra, yêu cầu bà S chuyển 1 tỷ đồng.
Tin lời các đối tượng, khoảng 15h cùng ngày, bà S đến ngân hàng để rút 1 tỷ đồng tiền mặt và 748.000 đồng tiền lãi để vào trong túi và mang về nhà. Sau đó đối tượng Trí gọi và yêu cầu bà S làm theo hướng dẫn để giao tiền.
![]() |
Lệnh bắt tạm giam giả các đối tượng gửi cho bà S |
Khoảng 17h15 cùng ngày bà S đến điểm hẹn tại phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm theo hướng dẫn của “Sơn Ngô”. Lúc này “Sơn Ngô” gọi điện cho bà S yêu cầu mang tiền đưa cho trinh sát và không được tắt điện thoại. Bà S đã đưa số tiền hơn 1 tỷ đồng cho “trinh sát”. Khi người nhà nói chuyện, bà S mới hay mình đã bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm, các trinh sát Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Bắc Từ Liêm đã khẩn trương áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, điều tra truy xét làm rõ đối tượng liên quan.
Ngày 20/2, cơ quan điều tra đã xác định được 3 đối tượng liên quan trong đó có người đàn ông nhận tiền của bà S. Tại cơ quan điều tra Nguyễn Ngọc Kịp và Phan Văn Long khai nhận không chỉ nhận tiền của bà S mà sau đó (ngày 18/2), đối tượng còn nhận vàng của ông Nguyễn S.T ở thị trấn Phú Minh, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
![]() |
Cơ quan CSĐT Công an quận Bắc Từ Liêm ghi lời khai Phan Văn Long |
Kịp và Long khai làm việc cho một công ty và tham gia vào một nhóm Telegram nhận nhiệm vụ đi lấy tiền. Ngày 15/2, một người phụ nữ tên Hoàng rủ Kịp đi Hà Nội lấy tiền cho công ty. Do số tiền lớn nên Kịp đã rủ thêm Long đi cùng.
Chiều 17/2, Hoàng, Kịp, Long đã đến điểm hẹn để nhận tiền của bà S. Sau khi nhận tiền, nhóm đối tượng về khách sạn. Tại đây, Long nhận 15 triệu đồng, Kịp nhận 5 triệu đồng. Hoàng đã chuyển khoản về công ty số tiền 920 triệu đồng, phần còn lại của số tiền hơn 1 tỷ đồng, Hoàng giữ cho bản thân. Long và Kịp đã thuê một khách sạn khác tại Hà Nội để nghỉ. Chiều 18/2, Long tiếp tục nhận nhiệm vụ đi lấy vàng của ông Nguyễn S.T.
Làm việc với cơ quan điều tra, ông T cho biết, chiều 18/2, có các số điện thoại 0904xxx, 035xxx xưng là Lê Minh Trí nguyên là Đại tá Công an, hiện đang làm Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao, tài khoản Zalo “Sơn Ngô” gọi vào số điện thoại và Zalo của cá nhân ông nói về việc ông có liên quan đến việc bị giả CCCD, số điện thoại mở tài khoản ngân hàng SCB và buôn bán ma túy, chuyên án họ đang điều tra.
Khi người tên “Lê Minh Trí” hỏi có tài sản như thế nào, ông T cho biết có khoản tiết kiệm được 5,2 cây vàng. “Lê Minh Trí” liền bảo ông T bày vàng ra chụp ảnh gửi qua Zalo sau đó sẽ cho trinh sát trực tiếp đến lấy để kiểm kê và trả lại sau.
“Lê Minh Trí” còn đọc cho ông T viết 2 giấy gồm giấy xin Thanh tra tài sản và giấy xin tại ngoại. Ông T viết theo, gấp giấy lại và bỏ vào túi đựng vàng. “Trí” nói cử “trinh sát” tên Vinh xuống nhận túi vàng và bảo ông T đứng đợi ở gần nhà, tuyệt đối không được đi ra ngoài, không được nói với ai vì “trinh sát” sẽ theo dõi gia đình liên tục. Sau đó, Long và Kịp đến nhà ông T, xưng tên là Vinh, cầm túi vàng của ông T về khách sạn.
Hiện Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đang tiếp tục xác minh, làm rõ hành vi và các đối tượng liên quan để truy bắt, xử lý theo quy định.
![]() |
Cảnh sát thu giữ số tiền, vàng tang vật trong vụ án |
Thao túng tâm lý, ép cởi quần áo…
Cùng thời điểm Công an quận Bắc Từ Liêm điều tra vụ án trên thì Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) cũng khám phá, giải cứu một nữ sinh và người nhà bị các đối tượng lừa đảo sử dụng trí tuệ nhân tạo, thao túng tâm lý, ép cởi quần áo quay clip rồi tống tiền 1,5 tỷ đồng.
Theo lời nữ sinh A thường trú tại Ninh Bình kể lại, vào khoảng 16h ngày 23/2 vừa qua, trong khi đang ở nhà trọ tại địa bàn quận Hoàng Mai thì cháu nhận được cuộc gọi lạ. Liên tiếp các đối tượng sử dụng phần mềm deepfake, gọi video cho cháu A, tự xưng là cán bộ Công an tỉnh Ninh Bình, cán bộ Viện Kiểm sát… khẳng định em là đối tượng trong vụ án rửa tiền.
Các đối tượng mạo danh công an khẳng định trên người nữ sinh A có hình xăm, trùng khớp với đối tượng rửa tiền trong vụ án. Để chứng minh mình trong sạch, cháu A cần phải cởi hết đồ trên người để các “cán bộ” rởm kiểm chứng và quay clip gửi cho chúng.
Chính từ đoạn video này, các đối tượng đã sử dụng để đe dọa tống tiền bố mẹ nữ sinh A với giá lên đến 1,5 tỷ đồng. Các đối tượng ra hạn chốt, nếu trong 2 ngày không nộp đủ số tiền, thì con gái của gia đình sẽ bị hãm hiếp, sau đó bán sang Campuchia.
![]() |
Những tin nhắn đe doạ tống tiền gửi người thân trong gia đình nữ sinh A |
Về phần nữ sinh A, bị các đối tượng thao túng tâm lý, dặn phải ở nhà nghỉ trong 2 ngày và sau khi kết thúc cuộc gọi, cháu phải tắt điện thoại, cắt liên lạc với mọi người. Bố mẹ nữ sinh A, sau khi liên tục nhận được tin nhắn đe doạ kèm hình ảnh clip của con gái thì rất lo sợ. Họ đã tìm cách liên lạc với con gái nhưng điện thoại bị tắt, chủ nhà trọ nói, cháu A đi khỏi nhà từ chiều hôm trước. Nghĩ là con gái đang bị các đối tượng xấu bắt cóc thật nên họ vội vàng vét hết tiền bạc trong nhà được hơn 100 triệu đồng để chuẩn bị chuyển cho các đối tượng lừa đảo. Rất may, các chiến sỹ Công an của Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàng Mai đã kịp thời thuyết phục và ngăn chặn.
Theo chỉ huy Đội Cảnh sát hình sự Công an quận Hoàng Mai: Hiện vẫn còn nhiều người nhận thức, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa cập nhật thông tin về những thủ đoạn lừa đảo mới, nhất là lừa đảo sử dụng công nghệ cao, hoặc ít va chạm xã hội, mất cảnh giác. Hiện nay, các đối tượng lừa đảo còn sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân trên mạng xã hội rồi cắt ghép thành những hình ảnh “nhạy cảm” để tống tiền gia đình các nạn nhân.
Cơ quan Công an hay Viện kiểm sát không bao giờ làm việc qua điện thoại. Mỗi khi làm việc, đều có giấy mời, giấy triệu tập và qua chính quyền địa phương. Hiện nay tội phạm lừa đảo có rất nhiều thủ đoạn tinh vi và xảo quyệt. Người dân cần nâng cao cảnh giác tránh rơi vào “bẫy lừa” mà các đối tượng giăng sẵn.
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Quỳ Châu (Nghệ An): Mua bán ma tuý, một đối tượng lĩnh án 15 năm tù

Trùng Khánh và Hạ Lang (Cao Bằng): Bắt 3 đối tượng tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép

Trùng Khánh (Cao Bằng): Bắt giữ hai đối tượng sử dụng và mua bán trái phép chất ma túy

Quảng Nam: Thêm một đối tượng bị tạm giam trong đường dây cờ bạc

Quảng Nam: Bắt giữ đối tượng trộm cắp gần 100 triệu đồng

Quảng Nam: Giả danh khách mua hàng, chiếm đoạt gần 70 triệu đồng

Đi cướp ngân hàng để trả nợ chơi tài xỉu trên mạng

Cao Bằng: Bắt đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy

Kiến An (Hải Phòng): Triệt xóa ổ nhóm tổ chức sử dụng chất ma túy, thu giữ 1 khẩu súng
