TP Hồ Chí Minh lý giải vì sao “đi chợ hộ” nhưng bị “bom hàng” không nhận
TP Hồ Chí Minh cho phép kinh doanh dịch vụ ăn uống hoạt động theo hình thức mang đi TP Hồ Chí Minh: Xử phạt hơn 17,7 tỷ đồng trong 2 tuần thực hiện 'ai ở đâu ở yên đó' |
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh tại buổi họp báo |
Chiều tối 8/9, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Tại đây, đại diện Công an TP Hồ Chí Minh đã cho biết kết quả xác minh ban đầu thông tin báo chí phản ánh hành vi hủy đơn hàng “đi chợ hộ”, gây khó khăn cho lực lượng phòng chống dịch Covid-19.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, báo chí đưa nhiều tin, bài phản ảnh tình trạng người dân “bom hàng” đối với lực lượng đi chợ hộ, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và gây bức xúc trong dư luận, Nhân dân.
Căn cứ nội dung thông tin báo chí phản ánh, Công an TP Hồ Chí Minh đã rà soát với các công ty vận chuyển hàng (shipper) và không phát hiện có tình trạng “bom hàng”.
Tiếp đó, khi tiến hành kiểm tra, xác minh tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức thì phát hiện có tình trạng đơn hàng không giao nhận được tại TP Thủ Đức, Quận 4, Quận 6, quận Bình Thạnh, Bình Tân và Tân Phú.
Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Công an các quận, huyện, TP Thủ Đức làm việc với hơn 200 trường hợp đặt mua hộ nhưng không nhận hàng và những người quản lý app, đường link, người “đi chợ hộ”... qua đó, xác định một số nguyên nhân của tình trạng này.
Theo đó, người dân không rành công nghệ, thao tác không quen nên đặt trùng đơn; Sau đó hủy lệnh nhưng không biết cách hủy trên hệ thống nên đơn hàng vẫn được thực hiện; Hoặc các dữ liệu khi đặt hàng chưa chính xác nên bộ phận giao hàng không tìm được địa chỉ để giao hàng, thậm chí có trường hợp địa chỉ đặt hàng ở tỉnh Bình Dương.
Tình trạng phổ biến là người dân đã hủy đơn nhưng hệ thống không cập nhật dẫn đến vẫn giao hàng và bị từ chối. Có trường hợp đơn đặt hàng quá lâu chưa nhận được hàng nên người dân đã chọn kênh cung cấp khác để mua.
Có trường hợp người dân đi cách ly y tế nên không nhận được hàng. Cũng có trường hợp người dân đã nhận hàng rồi nhưng siêu thị vẫn giao thêm lần nữa nên bị từ chối.
“Hay việc bên cung cấp giao không đúng mặt hàng đã đặt, không đủ số lượng hàng hoặc giao nhầm đơn nên cũng bị người dân từ chối nhận hàng. Đơn cử như có 1 trường hợp người dân đặt mua 1 con gà nhưng giao hàng chỉ có cánh gà nên không nhận”, Thượng tá Lê Mạnh Hà chỉ ra.
Về việc này, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Thành ủy TP Hồ Chí Minh và UBND TP, Công an TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương điều tra làm rõ các trường hợp liên quan.
Trong đó, Công an TP đặc biệt tập trung xác minh một số trường hợp nghi vấn quấy rối để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Sở Công thương TP HCM công bố số liệu tổng kết hoạt động "đi chợ hộ" trong 2 tuần địa phương thực hiện giãn cách xã hội tăng cường. Số đơn hàng đăng ký chuyển các hệ thống phân phối đã tăng dần trong những ngày gần đây.
Bình quân có 87.773 hộ đăng ký/ngày (trong tuần đầu triển khai chương trình) đã tăng lên 104.178 hộ đăng ký/ngày (trong tuần thứ hai triển khai chương trình).
Năng lực đáp ứng "đi chợ hộ" cho người dân cũng ngày càng tăng lên, tỉ lệ giải quyết đơn hàng kịp thời đạt bình quân 94,9% so với nhu cầu đăng ký.
Các khó khăn trong những ngày đầu triển khai chương trình như việc chuyển chở thực phẩm từ các tỉnh khác về tập kết chậm do thủ tục, thiếu nhân sự trong khâu soạn hàng, giao hàng... đã dần được khắc phục.
Tính từ ngày triển khai 23/8/2021 đến ngày 5/9/2021, TP Hồ Chí Minh đã giải quyết được hơn 1,28 triệu đơn hàng "đi chợ hộ" cho người dân.
Với sự tham gia bổ trợ cung ứng, vận chuyển hàng hóa của lực lượng shipper thì sau 7 ngày được hoạt động với số lượng khoảng 10.000 shipper đã giải quyết được hơn 1 triệu đơn hàng cho người dân.