Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin bạch hầu khu vực Tây Nguyên
Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin bạch hầu khu vực Tây Nguyên
Bài liên quan
Các tỉnh Tây Nguyên phòng, chống bệnh bạch hầu trước kỳ thi tốt nghiệp THPT
Gia Lai thêm một ca dương tính với dịch bệnh bạch hầu
Hà Nội: Tăng cường phát hiện, điều trị kịp thời một số bệnh truyền nhiễm
Quảng Nam triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu
Tập trung phòng, chống dịch Covid-19, bạch hầu, sốt xuất huyết Dengue
Trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn khu vực Tây Nguyên không ghi nhận bệnh truyễn nhiễm nhóm A. Một số bệnh truyền nhiễm tại khu vực Tây Nguyên giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019 như: Lỵ trực tràng (giảm 68 lần từ 1.302 ca năm 2019 xuống 19 ca), lỵ a míp, thương hàn, tiêu chảy, thuỷ đậu, viêm gan khác, viêm não, viêm gan virut, quai bị, cúm, bệnh do virus Adeno, uốn ván, tay chân miệng, sốt xuất huyết Dengue, sởi, ho gà; Một số bệnh truyền nhiễm tăng so với cùng kỳ năm 2019, như uốn ván sơ sinh (3 ca so với 1 ca năm 2019), liệt mềm cấp (9 ca so với 2 ca năm 2019), dại (14 ca mắc và 14 ca tử vong so với 5 ca mắc và 5 ca tử vong năm 2019), bạch hầu (60 ca mắc, 3 ca tử vong so với 23 ca mắc và 1 ca tử vong năm 2019).
Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên tổ chức thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế về biện pháp phòng lây nhiễm mầm bệnh tích cực như cách ly tại nơi làm việc, cách ly cộng đồng, giãn cách xã hội, cách ly tại nhà, đeo khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch khử khuẩn, vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc; Tổ chức trực hàng ngày, giám sát các trường hợp nghi ngờ, cách ly tập trung và cách ly tại nhà tại 4 tỉnh Tây Nguyên.
Văn phòng EOC khu vực Tây Nguyên tham gia giao ban trực tuyến hàng ngày về tình hình dịch bệnh Covid-19 với EOC trung ương (Cục Y tế dự phòng) và các văn phòng EOC khu vực khác; Chỉ đạo, giám sát hỗ trợ triển khai các biện pháp giám sát, phòng chống dịch Covid-19 tại các cửa khẩu trong khu vực, tại bệnh viện và tại CDC tỉnh; Tổ chức các lớp tập huấn về “Hướng dẫn giám sát, phòng chống bệnh Covid-19” cho Bệnh xá Công an tỉnh Đăk Lăk; Tổ chức diễn tập phòng chống Covid-19 cho các đội đáp ứng nhanh của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.
Từ ngày 6/6/2020 đến ngày 17/7/2020 ghi nhận 16 ổ dịch Bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Nông, Kon Tum, Gia lai và Đắk Lắk với 114 ca dương tính, trong đó 67 ca có biểu hiện lâm sàng và 37 ca người lành mang trùng; 3 ca tử vong (Đắk Nông: 2; Gia Lai: 1).
Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên phối hợp CDC tỉnh Đăk Nông, Kon Tum và Gia Lai điều tra, xử lý ổ dịch, nhận định các yếu tố nguy cơ để đưa ra các giải pháp phòng chống dịch hiệu quả lâu dài; tổ chức 1 lớp tập huấn về “Hướng dẫn giám sát, phòng chống và điều trị bệnh Bạch hầu” cho tuyến huyện tại tỉnh Đắk Nông và 1 lớp tập huấn “Hướng dẫn thiết lập và vận hành đội đáp ứng nhanh” cho cán bộ tuyến tỉnh 4 tỉnh Tây Nguyên về thực hành các bài tập đáp ứng với dịch Bạch hầu.
Quyết liệt triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu
Nhằm chặn đứng và không chế khả năng tái xuất hiện của bệnh bạch hầu một cách bền vững, Bộ Y tế quyết liệt chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu (Quyết định số 3054/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông).
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị giao ban, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đánh giá cao kết quả công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2020 của các tỉnh Tây Nguyên, đáng chú ý là không có ca mắc Covid-19, nhiều bệnh truyền nhiễm có số mắc và tử vong giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, tỷ lệ tiêm chủng các nhóm đối tượng mặc dù tăng so với cùng kỳ năm 2019 nhưng chưa đạt chỉ tiêu của chương trình tiêm chủng mở rộng do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Công tác y tế dự phòng 6 tháng cuối năm 2020 còn nhiều khó khăn do còn các dịch bệnh đang bùng phát và các dịch bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân, nhận thức về phòng, chống dịch bệnh của một bộ phận đồng bào còn có sự khác biệt.
Hướng đến mục tiêu không để xảy ra dịch chồng dịch, kiểm soát chặt chẽ bệnh bạch hầu không để dịch lan rộng, duy trì kết quả không có ca mắc Covid-19 tại khu vực Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo chú trọng triển khai tất các các lĩnh vực của công tác y tế dự phòng như: Phòng, chống bệnh truyền nhiễm (Covid-19, bạch hầu, sốt xuất huyết, tay chân miệng...), phòng chống các bệnh không lây nhiễm, an toàn thực phẩm, vệ sinh lao động…
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh Tây Nguyên chú trọng chỉ đạo công tác phòng, chống dịch 6 tháng cuối năm 2020, với các nội dung chủ yếu như: Thường xuyên kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, bệnh và tiêm chủng mở rộng các cấp từ tỉnh đến huyện, xã, xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cho từng ngành thành viên; Rà soát và đưa chỉ tiêu tiêm chủng mở rộng vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cấp tỉnh, huyện, xã.
UBND các tỉnh chỉ đạo ngành y tế địa phương tập trung phòng chống dịch, bệnh bạch hầu, rà soát đối tượng, nhu cầu vắc xin có thành phần bạch hầu, lập kế hoạch và dự trù tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Quyết định 3054/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ Y tế; Xây dựng kế hoạch và đảm bảo nguồn lực cho công tác phòng chống dịch, bệnh của tỉnh; Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên phương thông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở và trực tiếp tại cồng đồng.
Đối với Sở Y tế các tỉnh Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chỉ đạo phải tập trung tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch và triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh bạch hầu và dịch Covid-19; Tham mưu Ủy ban nhân dân huy động các ngành, đoàn thể tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh; Đối với công tác tiêm chủng mở rông phải duy trì tiêm vắc xin đủ liều, đủ lượng, đúng thời gian, đúng đối tượng theo quy định của chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR); Xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu theo đúng hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Quyết định 3054/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ Y tế.
Sở Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn chuyên môn cho các đơn vị, huyện, xã về phòng, chống dịch bệnh, giao các đơn vị chức năng của Sở (CDC tỉnh, bệnh viện đa khoa tỉnh…) phối hợp các đơn vị triển khai nhiệm vụ phòng, chống dịch theo đúng chức năng; Chú trọng thực hiện tiêm chủng mở rộng theo hướng dẫn của chương trình TCMR quốc gia và phát triển tiêm chủng dịch vụ hướng đến các nhóm đối tượng có nhu cầu, nhằm nâng cao nhận thức của người dân và tăng độ bao phủ của vắc xin, hướng đến mục tiêu phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì Hội nghị giao ban công tác y tế dự phòng 6 tháng đầu năm 2020 và triển khai chiến dịch tiêm vắc xin bạch hầu khu vực Tây Nguyên |
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên giao các Vụ, Cục, đơn vị của Bộ Y tế nghiêm túc thực hiện công tác chỉ đạo, hường dẫn các tỉnh Tây Nguyên triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh, với các nhiệm vụ chủ yếu: Cập nhật, bổ sung các kiến thức mới về giám sát, phòng và điều trị các bệnh, dịch để chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện.
Các đơn vị rà soát, xây dựng nội dung, thông điệp truyền thông, gửi đến các địa phương để thực hiện truyền thông cho đồng bào; Các tỉnh Tây Nguyên rà soát theo hướng dẫn tại Quyết định 3054/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ Y tế để xác định số lượng đối tượng cần tiêm theo từng lứa tuổi, dự trù nhu cầu vắc xin từng loại, gửi về Cục Y tế dự phòng tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ để có kế hoạch mua và cung ứng vắc xin có thành phần bạch hầu cho chiến dịch;
Viện Kiểm định vắc xin và sinh phẩm Bộ Y tế kiểm định sớm vắc xin bạch hầu đưa vào sử dụng theo Quyết định số 3054/QĐ-BYT ngày 15/7/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông; Các Viện Vệ sinh dịch tế quốc gia và khu vực, Cục Y tế dự phòng sẵn sàng các đội cơ động để hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.