Triển lãm lần thứ 5 của nhóm họa sĩ "Sơn ta Việt Nam"
Các tác phẩm tham gia triển lãm lần thứ 5 của nhóm họa sĩ "Sơn ta Việt Nam"
Bài liên quan
Triển lãm "Thép và vải" của hai nữ nghệ sĩ nổi tiếng đương đại
Triển lãm sách trực tuyến nhân kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Khai mạc triển lãm "Tháng năm nhớ Bác" của họa sĩ Thái Hòa
Triển lãm "Đối cảnh Cự Đà" của họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng
Nhóm "Sơn ta Việt Nam" được thành lập vào tháng 4 năm 2013 bởi họa sĩ Nguyễn Việt Đức, với mục đích sử dụng sơn ta truyền thống.
Triển lãm lần thứ 5 này vào ngày 1/6 đánh dấu sự hợp tác của các họa sĩ trong việc phát huy phương tiện nghệ thuật thị giác truyền thống của Việt Nam.
Nếu ở triển lãm trước, các họa sĩ dụng công thể hiện màu lam thì lần này, họ tìm cách khai phá sức biểu đạt của chất liệu sơn ta trong khi vẫn bảo toàn tiêu chí: Bóng, nhẵn, sâu của tranh sơn mài. Sơn mài vốn được cho là khó đem lại cảm giác mềm mại, phóng khoáng như các chất liệu khác, khó gây ra rung động tức thì và do đặc thù về chất liệu, bảng màu, kỹ thuật làm tranh nên phần nào hạn chế ý đồ nghệ thuật và phong cách của người họa sĩ.
Các họa sĩ "Sơn ta" đã cố gắng vượt ra khỏi những khuôn khổ để làm mới mình và đem đến những ấn tượng thị giác mới lạ, hiện đại hơn cho tranh sơn mài.
Đó là Đỗ Đức Khải với sự biến hóa linh hoạt trong bảng màu, chủ đề, lối thể hiện; Trong đường nét, hình mảng khi chắc khỏe, khi mềm mại, khi tỉ mỉ đến từng nét bóng đổ trên mặt nước, từng chi tiết sấp bóng của phiến lá sen… Nguyễn Đức Việt cũng thể hiện sức sáng tạo dồi dào qua phong cách đa dạng từ hiện thực đến siêu thực, trừu tượng. Khó có thể tin một loạt tác phẩm với bảng màu và hiệu ứng thị giác hoàn toàn khác biệt lại do cùng một tác giả tạo nên.
Đó là Chu Viết Cường với những bức tranh bản làng miền núi trong trẻo như sương sớm. Cách họa sĩ đặc tả những dải mây loang trên bầu trời hay hàng ngàn chấm màu nho nhỏ kết thành mặt nước, thành những chùm hoa xuân nở rộ gợi nhớ đến nghệ thuật ấn tượng. Sắc hồng dịu dàng, một trong những màu hiếm khi xuất hiện trong bảng màu của tranh sơn dầu, tương tự như màu lam, cũng hiện lên rất ngọt ngào, tạo điểm nhấn hút mắt cho bức tranh.
Cùng sử dụng những vệt màu để diễn tả mặt nước nhưng khác với bức rèm nước êm đềm trong tranh của Chu Viết Cường, những con sóng đêm của Trần Tuấn Long (họa sĩ vốn gắn bó với đề tài hầu đồng, giá thánh) lại cuồn cuộn như đang gầm gào khiến người xem có cảm giác ngộp gió. Nhịp điệu mạnh mẽ và cách họa sĩ tạo nên những lưỡi sóng ẩn chứa sự hăm dọa có chút gì đó gợi nhắc đến Hokusai, họa sĩ Nhật được xem là có tác động lớn đến những họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng của Châu Âu thế kỷ XIX.
Cùng say mê tả nước còn có Trần Ngọc Anh. Mặt nước sóng sánh và những khoảng nắng lấp lóa được bà khắc họa tinh tế, sinh động tựa như một bức ảnh chụp khe suối nhỏ đang róc rách chảy giữa rừng xanh. Sự đa dạng trong cách thể hiện cùng một chi tiết này chính là yếu tố hấp dẫn của triển lãm "Sơn ta".
Trong triển lãm lần này, có một điểm thú vị khác là các họa sĩ đã tận dụng hiệu ứng sâu thăm thẳm của tranh sơn mài để gửi gắm nội tâm cùng nhiều chủ đề tư tưởng, tạo nên một vệt tranh biểu tượng bên cạnh loạt tác phẩm đặc tả thiên nhiên, thiếu nữ…
Có thể nhắc đến Giếng và Bóng của Phùng Huy. Lối thể hiện tối giản, bảng màu trầm nặng nhưng cách họa sĩ khắc họa bóng ghế và giếng nước như những biểu tượng khiến bức tranh vừa toát lên nét hiện đại, vừa dẫn dụ người xem phải dụng tâm khám phá.
Không tối giản mà “đi nét” dày, tranh của Trần Phi Trường, Nguyễn Trường Linh… cũng ẩn chứa những mật mã hấp dẫn qua những biểu tượng đậm chất dân gian như chim muông, phụ nữ, thiên nhiên.
Riêng Nguyễn Trường Linh cực kỳ táo bạo trong lối thể hiện. Tranh của anh dày đặc ẩn ý và những nét ngẫu hứng, chẳng hạn, những vết cào, xước cố ý đem lại hiệu ứng tương tự như tranh sơn dầu.
Cũng tương tự như thử thách về màu lam, mọi sáng tạo trong phong cách thể hiện nhằm làm mới tranh sơn mài luôn cần thời gian để trau chuốt, hoàn thiện. Nhưng đây là hướng đi đúng đắn, có thể thu hút công chúng và cả thị trường trong thời điểm này. Nói gì thì nói, công sức bảo tồn tranh sơn mài của các họa sĩ Sơn ta sẽ là vô nghĩa nếu tranh sơn mài không được công chúng và thị trường đón nhận.
Triển lãm kéo dài tới hết ngày 8/6/2020.