Trò chơi “Thách thức cá voi xanh”: Bệnh hoạn và nguy hiểm
![]() |
“Thách thức cá voi xanh” đến Việt Nam?
Vừa qua, tại huyện Cái Bè (Tiền Giang) có thông tin về việc học sinh ở đây tham gia vào trò chơi “Thách thức cá voi xanh” - một trò chơi nguy hiểm đến tính mạng người chơi. Phòng GD-ĐT huyện Cái Bè đã có công văn gửi các trường trong huyện nhanh chóng nắm bắt tình hình, phối hợp với cha mẹ học sinh có biện pháp ngăn chặn trò chơi này; yêu cầu các trường báo cáo tình hình về Phòng GD-ĐT và UBND huyện.
Dù một số trường tại huyện Cái Bè khẳng định chưa có học sinh nào của trường tham gia vào trò chơi nhưng hầu hết các trường đều nhận định đây là một trò chơi nguy hiểm, cần cảnh báo và ngăn chặn ngay từ đầu. Nhiều trường đã đưa vấn đề này vào giáo dục học sinh ở những chuyên đề sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp và giáo viên trực tiếp nói chuyện để giải đáp những thắc mắc của học sinh về trò chơi “Thách thức cá voi xanh”.
![]() |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, “Thách thức cá voi xanh” - Blue Whale Challenge - là trò chơi truyền thông xã hội xuất hiện cách đây vài năm trên thế giới, bắt đầu từ nước Nga. Trò chơi này yêu cầu người chơi phải thực hiện hàng loạt thử thách vào lúc 4h sáng mỗi ngày, trong vòng 50 ngày. “Thách thức cá voi xanh” dẫn dắt người chơi thực hiện nhiều việc làm khác nhau, từ bình thường đến nguy hiểm, từ nhẹ nhàng đến “đẳng cấp cao”, như trao đổi trên mạng về cá voi xanh; xem phim cá voi xanh; xem phim kinh dị; vẽ hình cá voi xanh (bằng bút bi) lên cơ thể; sử dụng dao, lưỡi lam hoặc kim khâu để tạo hình dáng cá voi lên cánh tay hoặc chân... Vào ngày cuối cùng (ngày thứ 50), người chơi sẽ được cộng đồng mạng thừa nhận là “người chiến thắng” khi “dũng cảm” tự kết liễu đời mình (tự sát), giống như những con cá voi xanh tự lao lên bãi biển để tự kết liễu cuộc đời.
Làm cách nào để tham gia trò chơi vẫn là một ẩn số. Nhiều người cho rằng, muốn tham gia trò chơi này, bạn phải mất công tìm những “chú cá voi”, nghĩa là người đang chơi, họ sẽ giới thiệu bạn với chủ nhân của trò chơi này.
Sau khi cài phần mềm bí mật mà người đó đưa cho, mỗi ngày những người chơi sẽ được gửi một thử thách, phải hoàn thành xong trong ngày. Nhiệm vụ sẽ từ dễ đến khó và hầu hết đều mang tính kích thích cảm giác như đi dạo ở nghĩa địa lúc nửa đêm, xem phim kinh dị và cao nhất là tự sát.
Tại Nga, hàng trăm thanh thiếu niên khi chơi trò chơi này đã tự tử để trở thành người chiến thắng. Trước độ nguy hiểm của trò chơi, nhiều nước trên thế giới đã đưa ra cảnh báo cho các bậc phụ huynh về sự nguy hiểm của trò chơi này.
Trong xã hội hiện nay, việc bố mẹ bận rộn, ít thời gian gần gũi con cái nên không nắm bắt được tâm tư, tình cảm của các em đang là vấn đề chung hiện nay. Vì vậy, khi nghe thông tin trò chơi nguy hiểm này du nhập vào Việt Nam, nhiều phụ huynh đã tỏ ra vô cùng lo lắng.
Vì sao người trẻ sẵn sàng “xin chết”?
Bắt đầu từ nước Nga, “Thách thức cá voi xanh” nhanh chóng lan rộng ra thế giới và trở thành trào lưu nguy hiểm trong giới trẻ ở nhiều nước, dẫn đến hàng trăm vụ tự tử thương tâm. Tại sao chỉ là một trò chơi mà lại có nhiều người sẵn sàng chết vì nó?
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất, không chỉ trò chơi này mà nhiều trò chơi nguy hiểm khác cũng đang tràn vào Việt Nam. Người tham gia thường là những thanh, thiếu niên còn trong độ tuổi chưa phát triển đầy đủ về nhận thức và tâm sinh lý. Ở tuổi này, các em thường có nhiều bất ổn về mặt tâm lý. Những lời chê bai, phê phán của những người xung quanh, đặc biệt là phụ huynh, khiến các em ảnh hưởng về tâm lý, cảm giác bị cô lập và khao khát được giải tỏa.
Hội cá voi xanh đã đánh đúng vào điểm này, người cầm đầu trò chơi đã tạo ra một cộng đồng mà ở đây, các em có thể tâm sự, chia sẻ, có cảm giác được hòa nhập và là chính mình. Ở Việt Nam, khi các em bị bủa vây bởi quá nhiều áp lực từ điểm số, thi cử thì việc các em tìm đến những nơi được xem là “cứu cánh cho tâm hồn, giải thoát khỏi thực tại” sẽ là chuyện khó tránh khỏi.
Chuyên gia Nguyễn An Chất phân tích, giới trẻ Việt Nam thường tiếp thu cái mới theo kiểu tò mò. Cái gì càng bí hiểm, càng mang tính chinh phục sẽ càng hấp dẫn các em. Một khi đã tham gia và bị cuốn theo trò chơi với những quy tắc, luật lệ thì người chơi sẽ dần dần hoàn toàn tuân thủ, bởi lẽ khi tuân thủ, họ sẽ được công nhận và lúc đó cảm giác của người chơi từ chỗ tuân thủ mệnh lệnh sẽ trở thành làm chủ.
Trước thông tin trò chơi này tràn vào Việt Nam, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất đưa ra lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh: Nếu phát hiện con có dấu hiệu tham gia vào trò chơi này, tuyệt đối không dùng biện pháp cấm đoán. Bởi lẽ, trẻ luôn có tâm lý càng cấm càng làm. Phụ huynh hãy gần con, lắng nghe con, giúp con giải tỏa những áp lực và hướng dẫn các con tìm hiểu “những vùng sáng” trên môi trường Internet.
Chị Đinh Kim Phụng (phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội):
Là mẹ của hai con đang độ tuổi mới lớn, khi nghe thông tin về trò chơi “Thách thức cá voi xanh” tôi thực sự rất lo lắng. Công việc của hai vợ chồng tôi đều rất bận, rất ít thời gian để gần gũi con cái. Trước thông tin này tôi cũng phải xem lại và sắp xếp công việc để gần bọn trẻ hơn. Tôi cũng mong cả nhà trường cũng phải sớm có những cảnh báo để các con nhận ra sự nguy hiểm khi tham gia trò chơi đó. Đinh Lê Anh Tuấn (học sinh lớp 11D7 trường THPT Lý Thường Kiệt, Long Biên, Hà Nội):
Em chưa nghe thấy các bạn em nói hay tham gia về trò chơi này nhưng qua tìm hiểu trên mạng em biết đây là một trò chơi nguy hiểm đến tính mạng. Em thấy rất lạ là đã nguy hiểm thế tại sao nhiều bạn trẻ trên thế giới vẫn tham gia. Em nghĩ bố mẹ, thầy cô nên tìm hiểu về trò chơi này để đưa ra những giải đáp về mọi thắc của chúng em. Khi những sự tò mò của chúng em được trả lời, thì không còn gì để chúng em cần khám phá nữa. |
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

8 học sinh Việt Nam giành huy chương Olympic Vật lý Châu Á

Học sinh Việt Nam thi khoa học kỹ thuật quốc tế ở Mỹ

Thủ tướng chỉ đạo 3 vấn đề nóng trong giáo dục

Bước tiến chiến lược nâng cao chất lượng giáo dục

Quảng Ngãi chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Rộng mở tương lai nghề nghiệp

Nhiều đại học không đổi chứng chỉ ngoại ngữ thành điểm thi tốt nghiệp

Từ vườn ươm Việt Đức tới sân chơi khoa học kỹ thuật quốc tế

Học viện Nông nghiệp Việt Nam "chắp cánh" ước mơ ngành Du lịch
