Trường chuyên, lớp chọn chưa hẳn là đáp án đúng...
Cuộc đua vào trường chuyên vô cùng khốc liệt (Ảnh minh họa)
Bài liên quan
TP HCM: Tuyển bổ sung gần 100 chỉ tiêu vào trường chuyên
Tập huấn chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho cán bộ giáo viên
Bắt đầu cuộc đua vào các trường THCS “top” trên
Cuộc đua khốc liệt…
Đợt tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội năm học 2020 - 2021 sẽ diễn ra vào ngày 17 và 18/7. Sau khi Sở GD&ĐT công bố số lượng tuyển sinh và chỉ tiêu của mỗi trường thì sức nóng do tỷ lệ đăng ký vào các trường chuyên bắt đầu lan tỏa.
Theo đó, trong 4 trường gồm THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam; THPT Chuyên Nguyễn Huệ; THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây, học sinh được chọn hai trường đăng ký dự tuyển.
Tỷ lệ "chọi" tại các trường chuyên luôn cao |
Để đăng ký dự tuyển, học sinh phải đạt điều kiện xếp loại hạnh kiểm, học lực cả năm học các lớp cấp THCS đạt khá trở lên, xếp loại tốt nghiệp THCS đạt khá trở lên.
Nhìn bảng danh sách tỷ lệ "chọi" của các trường có thể thấy, THPT Chu Văn An đang có tỷ lệ thí sinh đăng ký cao gấp 6,9 lần số lượng chỉ tiêu và có mức độ cạnh tranh cao nhất trong số bốn trường.
Xếp thứ 2 là THPT Chuyên Nguyễn Huệ với mức đăng ký cao gấp gần 5 lần chỉ tiêu. THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam thấp hơn một chút, là 3,9 lần. Trường THPT Sơn Tây là 2,54 lần
Tỷ lệ chung của cả bốn trường chuyên là trong 4,55 (hơn 8 nghìn thí sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ có gần 1.800 chỉ tiêu).
Tăng tốc học đêm ngày
Trong những ngày Hà Nội nắng nóng đỉnh điểm, nhiều học sinh lớp 9 đang ôn thi vào trường chuyên vẫn mệt nhoài bởi lịch học “căng như dây đàn”, ngoài học tại trường không ít em còn bận rộn với lịch luyện đề riêng cùng các thầy cô được bố mẹ lựa chọn và tăng ca buổi tối với gia sư…
Đặng Quỳnh Anh (THCS Trưng Vương, Hà Nội) chia sẻ: “Mình đăng ký dự thi vào chuyên Toán của trường THPT Chu Văn An. Tỷ lệ "chọi" trường này năm nay cao hơn nhiều so với các năm trước. Những bạn đăng ký vào trường toàn người xuất sắc nên dù mình có giỏi thì cũng chưa thực sự tự tin. Vì thế mình đã đi học thêm một số thầy cô riêng”.
Học sinh trao đổi về nôi dung đề sau khi kết thúc môn thi |
Còn Cao Minh Hoàng (THCS Ngô Gia Tự, Hà Nội) cũng đang miệt mài học ôn để quyết giành một suất vào lớp 10 THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Với lịch học dày đặc từ sáng tới tối muộn, Minh Hoàng tỏ ra đuối sức. “Để có được một vé vào trường chuyên, em học hầu như không có ngày nghỉ. Càng đến sát ngày thi, lịch học của em càng kín cả tuần. Dù đã chuẩn bị tâm thế sẵn sàng nhưng em vẫn đang rất lo lắng vì năm nay tỷ lệ "chọi" vào trường cao hơn năm ngoái”.
Với trường chuyên thuộc các trường đại học, tỷ lệ chọi và mức độ cạnh tranh còn khốc liệt gấp 3, 4 lần các trường trực thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội. Bởi lẽ, các trường này được tuyển sinh trên phạm vi toàn quốc nên số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển rất lớn.
Bạn Nguyễn Hoàng Giang (THCS Giảng Võ, Hà Nội) chia sẻ trong tâm trạng lo âu: “Sau khi trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm công bố số lượng hồ sơ đăng ký dự thi em cảm thấy hoang mang cho chính mình. Em đăng ký dự thi chuyên Anh, đây là môn có tỷ lệ "chọi" cao nhất 1/29,25. Từ 2 tuần nay, em đã tăng tốc ôn luyện, mỗi ca học cách nhau 1 tiếng, đã thế, đi học về em lại ngồi luyện đề đến 1 - 2 giờ sáng. Không có thời gian ngủ nhiều khiến em cảm thấy đuối sức”.
Trường tốt là trường phù hợp với khả năng
Không thể phủ nhận những thành tựu, chất lượng đào tạo mà các trường chuyên đóng góp cho nền giáo dục. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, mục đích cuối cùng không chỉ là đào tạo về kiến thức mà là phát triển toàn diện nhân cách của học sinh.
Nhớ lại kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội năm 2019, trong khi bạn bè cùng trang lứa đầu tư nhiều thời gian và công sức để thi đỗ vào các trường chuyên tại Hà Nội thì Nguyễn Thị Lam (hiện đang là học sinh lớp 10 trường THPT Yên Hòa) chỉ đăng ký một nguyện vọng duy nhất vào trường THPT Yên Hòa.
Vượt qua gần 86.000 thí sinh để trở thành thủ khoa trong kỳ thi vào lớp 10, nhiều người cảm thấy tiếc khi Lam không đăng ký vào một trường chuyên của thành phố. Tuy nhiên Lam cho rằng, bản thân chưa từng hối hận vì lựa chọn của mình.
“Chương trình học của trường chuyên khá nặng khiến em không có thời gian dành cho gia đình và những sở thích của riêng bản thân. Em cũng nghĩ rằng không nhất thiết phải học trường chuyên mới có thể thành công. Dù học ở đâu, quan trọng nhất mình phải có trách nhiệm và chủ động trong việc học”, Lam chia sẻ.
Hiện nay có thực trạng không ít trường chuyên chăm chú vào các chỉ tiêu giải thưởng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế, số lượng thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh đại học, đặt áp lực lớn cho cả thầy lẫn trò. Nhiều phụ huynh xem việc đỗ vào trường chuyên là mục tiêu cao nhất của việc học hành của con nên sẵn sàng đầu tư thời gian, tiền bạc để luyện thi bất kể con mình có thích hay không, có khả năng hay không...
Cô Đinh Thị Lệ Hằng, giáo viên trường THPT Chuyên Ngoại ngữ (ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc Gia Hà Nội) chia sẻ: “Trường chuyên, lớp chọn không phải là đáp án luôn đúng với mọi đứa trẻ. Có những em sức học bình thường nhưng vì kỳ vọng của cha mẹ mà phải gồng mình để chống chọi trong trường chuyên, lớp chọn.
Môi trường ở trường chuyên có tính cạnh tranh cao, cường độ học lớn, đòi hỏi các em phải có tố chất và chỉ số thông minh nhất định. Nếu vì lý do nào đó mà một học sinh bình thường “lọt” được vào trường chuyên thì đó lại là một ác mộng khủng khiếp đối với các em”.
Nhiều ý kiến cho rằng, trong kỳ thi vào lớp 10, không ít học sinh đang phải “gánh ước mơ” của cha mẹ. Bên cạnh những áp lực từ bài vở, áp lực từ sức nóng của thi cử thì các con đang chịu một áp lực vô hình từ chính những người thân trong gia đình.
Anh Hà Manh Thắng, phụ huynh học sinh năm nay thi vào lớp 10 chia sẻ quan điểm: “Các con cần cố gắng học tập theo khả năng của mình. Đất dưới chân sẽ không bao giờ sụp xuống nếu con thi rớt trường chuyên và cuộc đời con cũng không đen tối hay thê thảm nếu con vào học ở một ngôi trường không danh tiếng.
Môi trường học tốt là nơi phù hợp với khả năng của các con, nơi các con được tự tin, thích học và muốn tự giác học".