Tuyên dương 190 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu
Đẩy mạnh tuyên truyền kiến thức sức khoẻ sinh sản cho học sinh 1200 học sinh được trải nghiệm thực hành chữa cháy, cứu nạn Gặp mặt thí sinh trước kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia |
Phát biểu khai mạc chương trình, ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội cho biết: Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong đó có chính sách đối với lĩnh vực giáo dục dân tộc trên địa bàn Thủ đô luôn được Thành ủy, HĐND, UBND TP quan tâm đặc biệt.
Những năm qua cùng với việc chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc của Trung ương, Thành uỷ, HĐND, UBND TP đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách đặc thù và đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có lĩnh vực giáo dục dân tộc.
Tiết mục văn nghệ của học sinh Trường Hữu nghị T78 tại chương trình |
Đặc biệt để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, TP đã ban hành Kế hoạch số 253 ngày 11/11/2021 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021 - 2030. Tổng nguồn vốn dự kiến ban đầu theo kế hoạch là hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội của 13 xã và 1 thôn vùng dân tộc, miền núi Thủ đô.
Đến nay, thành phố quan tâm điều chỉnh bố trí đối với nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản là hơn 2.600 tỷ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực giáo dục, TP dành gần 560 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc và chất lượng nguồn nhân lực là người DTTS.
Ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội phát biểu tại chương trình |
Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học ở các trường được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, đồng bộ, hiện đại, là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng dạy và học. Tại các xã vùng dân tộc, miền núi của TP có 60 trường học, trong đó có 48 trường có cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia.
Ngoài ra, trên địa bàn TP còn có Trường Dân tộc nội trú Hà Nội là trường chuyên biệt và Trường Hữu Nghị 80, Trường Hữu nghị T78 có chức năng quản lý, nuôi dạy con em đồng bào dân tộc thiểu số của thành phố Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và nước bạn Lào cũng được Trung ương và TP quan tâm đặc biệt.
Ông Nguyễn Nguyên Quân - Trưởng Ban Dân tộc TP Hà Nội và ông Phạm Quốc Toản - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội khen thưởng các em học sinh xuất sắc tiêu biểu |
Công tác giáo dục dân tộc nói chung, đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên vùng dân tộc miền núi nói riêng luôn được coi trọng. Hiện nay trên địa bàn 13 xã vùng dân tộc miền núi có 200 giáo viên đang công tác là người DTTS; các chế độ, chính sách đối với học sinh DTTS và giáo viên được thực hiện đầy đủ, kịp thời.
Hàng năm, 100% trẻ em được học mẫu giáo và lớp 1; tỷ lệ xã phổ cập giáo dục Tiểu học, THCS đạt 100%; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học Trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề) đạt trên 90%; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương đạt gần 82%.
Công tác tuyển sinh học sinh DTTS vào lớp 6 và lớp 10 tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Hà Nội được xét tuyển công khai, minh bạch, đúng đối tượng theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chế độ cử tuyển đối với học sinh DTTS được đảm bảo. Hằng năm, hàng trăm học sinh DTTS được vào học tại các trường đại học, cao đẳng và đào tạo nghề.
Dịp này, 190 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc tiêu biểu được tuyên dương |
“Sự quan tâm, đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc, miền núi của thành phố đã tác động trực tiếp đến nhận thức, tình cảm và trách nhiệm của các cấp, các ngành, của các dòng họ, trong mỗi gia đình, đã thúc đẩy việc dạy và học trong các nhà trường, khơi dậy ý thức vươn lên trong học tập và rèn luyện của các em học sinh.
Ở mọi lúc, mọi nơi, các thầy, cô giáo và các em học sinh, sinh viên DTTS trên địa bàn Hà Nội dù sống ở các quận nội thành hay ở các huyện ngoại thành, vùng nông thôn hay miền núi đều đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu giảng dạy, học tập, rèn luyện để đạt được thành tích cao, góp phần để Hà Nội luôn giữ vững là địa phương dẫn đầu cả nước về thành tích học tập của học sinh, sinh viên”, ông Quân cho biết.
Chúc mừng các em học sinh, sinh viên DTTS Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương, khen thưởng, ông Nguyễn Nguyễn Quân nhấn mạnh: Lễ tuyên dương được tổ chức là nhằm tôn vinh những thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập và rèn luyện của các em học sinh, sinh viên DTTS trên địa bàn Thủ đô. Đồng thời cũng là dịp để ghi nhận công lao nuôi dưỡng, giáo dục, dạy dỗ của các bậc phụ huynh, của các nhà trường.
Đây là sự ghi nhận, động viên khích lệ đối với các em học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu |
Đó còn là kết quả của sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo TP, của các cấp, các ngành đối với việc đào tạo các nhân tài, thế hệ tương lai của Thủ đô, của đất nước. Đây cũng là dịp để các em học sinh, sinh viên các dân tộc trên địa bàn thành phố Hà Nội giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo nhằm mục tiêu tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để xây dựng Thủ đô và đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Năm 2024 là năm thứ 8 Ban Dân tộc thành phố Hà Nội tổ chức Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu. Trong 7 năm qua có 1.130 em được tuyên dương, khen thưởng. Tại Lễ tuyên dương hôm nay có 190 em học sinh, sinh viên DTTS Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu năm học 2023 - 2024 được khen thưởng.
Trong số 40 em học sinh, sinh viên được Chủ tịch UBND TP tặng Bằng khen, 150 em học sinh được Trưởng Ban Dân tộc TP tặng Giấy khen có 6 em đạt giải cấp quốc gia, 22 em đạt giải cấp thành phố, 37 em đạt giải cấp quận, huyện, thị xã trong kỳ thi học sinh giỏi, 105 em đỗ đại học đạt điểm cao, 20 em sinh viên đạt thành tích cao trong học tập.
Tại Lễ tuyên dương, Ban Tổ chức đã trao Bằng khen, Giấy khen cùng phần thưởng của thành phố, Ban Dân tộc TP cho các em học sinh, sinh viên DTTS Thủ đô xuất sắc, tiêu biểu năm học 2023- 2024.