Ứng dụng giải bài tập có làm thui chột tư duy của học sinh?
Trung Quốc thông qua luật giảm bài tập về nhà và học thêm của học sinh Nghỉ Tết có nên giao bài tập về nhà cho học sinh? Để trẻ thông minh hơn với "356 ngày mỗi ngày một bài tập vui" |
Có kết quả trong tích tắc
Thời gian qua, học sinh rỉ tai nhau về các ứng dụng giải bài tập được cài đặt trên điện thoại giúp học sinh có đáp án chỉ trong vài giây.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau 0,78 giây tìm kiếm từ khóa “ứng dụng giải bài tập” Google trả về hơn 281 triệu kết quả. Các app này dễ dàng cài đặt trên hai hệ điều hành iOS vs Android. Đặc biệt, những app này giải được tất cả bài tập từ lớp 1 đến lớp 12 dù hình thức tự luận hay trắc nghiệm.
Chỉ cần chụp ảnh bài tập về nhà đưa vào aap giải bài tập sẽ có đáp án trong tích tắc |
Không chỉ xuất hiện trong các bài quảng cáo trên internet, các ứng dụng giải bài tập còn được nhiều bạn trẻ chia sẻ chi tiết về cách sử dụng trong clip đăng tải trên nền tảng mạng xã hội TikTok. Clip có tiêu đề “Những app mà giáo viên không muốn bạn biết”, một TikToker đã liệt kê ra 3 ứng dụng là Qanda, Solvee và Dicamon. Theo TikToker này, chỉ cần dùng điện thoại chụp lại phần câu hỏi tiếng Anh, trong tích tắc ứng dụng đã nhanh chóng đưa ra đáp án.
Cũng theo TikToker chia sẻ trong clip, ứng dụng không chỉ giải được đề môn tiếng Anh mà còn có thể giải được tất cả các môn học khác như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học…
Các aap đều giải bài tập từ lớp 1 đến lớp 12 |
Lê Thanh Huyền, học sinh lớp 9 Trường THCS Tây Sơn (Hà Nội), chia sẻ: “Ở lớp em, tất cả các bạn có điện thoại đều cài đặt ứng dụng này trong máy”.
Em Thanh Huyền nhận xét, ưu điểm của các ứng dụng này là cho ra đáp án rất nhanh, kèm theo lời giải chi tiết. Nữ sinh này coi đây là công cụ đắc lực hỗ trợ giải quyết các bài tập về nhà.
Cũng đang sử dụng một ứng dụng giải bài tập, Lê Hoàng Khang, học sinh lớp 12 trường THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng, thay vì tự ngồi làm thì sử dụng ứng dụng giải bài tập sẽ tiết kiệm thời gian và kết quả chính xác tuyệt đối.
“Lịch học kín mít, để có thêm thời gian nghỉ ngơi và ôn luyện đề các môn thi thuộc tổ hợp Khoa học xã hội thì app giải bài tập là một cứu cánh tuyệt vời. Nó giúp em hoàn thành nhanh chóng các bài về nhà môn Lý, Hóa, Sinh mà không sợ vi phạm lỗi không làm bài tập về nhà”, Khang nói.
Tuy nhiên, vẫn có những học sinh cho rằng, chỉ nên sử dụng những ứng dụng này để tham khảo phương pháp làm bài chứ không nên hoàn toàn phụ thuộc.
Lợi trước mắt, hại lâu dài
Khi biết con em mình sử dụng các app giải bài tập trên điện thoại, nhiều phụ huynh tỏ ra lo ngại. Chị Nguyễn Diệu Linh (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) có con đang học lớp 10 chia sẻ, chị không hề biết đến các ứng dụng này. Theo thói quen mỗi ngày, chị đều kiểm tra và hỏi han xem con đã hoàn thành các bài tập giáo viên giao về nhà hay chưa, thấy con đã làm xong hết thì chị rất yên tâm. Chỉ đến khi con xin tiền nộp phí sử dụng sau khi hết thời gian một tháng dùng thử thì chị Linh mới biết con thường xuyên dùng các ứng dụng này để giải bài tập.
Ngay cả đề cương ôn tập thi học kỳ cũng có bài giải |
“Khi biết con sử dụng các ứng dụng trên điện thoại để hoàn thành bài về nhà, tôi rất lo lắng. Những bài tập của con làm ra nộp cho giáo viên không phải thực lực của con, nó chỉ nhằm mục đích đối phó. Tai hại hơn là giáo viên rất khó đánh giá đúng lực học để có phương pháp kèm cặp giúp con tiến bộ. Lâu dài, con sẽ bị hổng kiến thức nếu quá dựa dẫm vào các ứng dụng này”, chị Diệu Linh lo lắng.
Trước vấn đề này, cô Lê Thị Lan Anh, giáo viên trường THPT Thăng Long (Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Giáo viên không khuyến khích các con sử dụng những ứng dụng giải bài tập bởi hệ lụy của việc lạm dụng là học sinh hình thành thói quen ỷ lại, dần dần sẽ bị phụ thuộc. Khi lạm dung các app này, học sinh có thể dễ dàng hoàn thành tốt yêu cầu làm bài tập về nhà nhưng chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong các bài kiểm tra. Thậm chí không biết vận dụng những kiến thức đã học để giải bài tập”.
Sử dụng aap giải bài tập sẽ khiến học sinh bị thui chột tư duy |
TS Trần Quang Duy, Khoa Xã hội học, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng: “Việc sử dụng các app giải bài tập có trên điện thoại sẽ làm thui chột tư duy của học sinh”.
Cũng theo TS Duy, việc sử dụng các app giải bài tập để hoàn thành bài một cách đối phó đồng nghĩa với việc các em tự đánh mất đi quyền được sáng tạo, chủ động trong học tập. Bởi lẽ, mỗi môn học đều có một mục tiêu đào tạo riêng. Bên cạnh việc cung cấp kiến thức nền tảng cho các em thì việc thực hành, giải quyết các bài tập do giáo viên giao còn nhằm mục đích khơi gợi sự sáng tạo, tư duy, cách giải quyết vấn đề của mỗi cá nhân.
“Mới đây, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã khóa một loạt ứng dụng giải bài tập trước lo ngại chúng làm thui chột khả năng tư duy của học sinh.
Tại Việt Nam, các bậc phụ huynh và cơ quan chức năng cũng cần phải có những biện pháp kịp thời ngăn chặn việc học sinh sử dụng app. Thay vào đó, các thầy cô khuyến khích các phương pháp học tập mang tính sáng tạo, thúc đẩy và phát triển năng lực học tập vốn có của học sinh. Chỉ có như vậy thì chất lượng giáo dục mới không bị giảm sút”, TS Duy nhận định.