UNICEF hỗ trợ Việt Nam nguồn vắc xin Covid-19 chất lượng với giá tốt nhất
Đẩy mạnh giám sát, phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai tiêm chủng
GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế trực tiếp giám sát buổi tiêm cho biết, với những mũi tiêm chủng cho các thầy thuốc của Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương hôm nay, hy vọng tập thể thầy thuốc của bệnh viện sẽ thêm vững tâm để cống hiến trí lực và tâm huyết cho cuộc chiến chống Covid-19.
BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương là nơi đã điều trị khỏi 414 bệnh nhân Covid-19, trong đó có những bệnh nhân rất nặng có tiên lượng xấu, hiện đang điều trị cho 28 bệnh nhân và chưa để xảy ra ca tử vong nào.
Bệnh viện còn là nơi cách ly 2.500 ca (đa phần là các F1), đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch và không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo. Không chỉ có đóng góp tích cực trong việc hoàn thiện phác đồ điều trị Covid-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn liên tục chi viện mọi mặt cho những điểm nóng chống dịch như miền Trung (tháng 7-8/2020) và Hải Dương (từ ngày 27/1/2021 đến nay).
Trong đợt này Việt Nam thực hiện tiêm 117.600 liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca cho các đối tượng ưu tiên là lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu thường xuyên phải tiếp xúc với nguồn bệnh, bao gồm nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân Covid-19; Nhân viên làm công tác truy vết, xét nghiệm; Người làm việc tại khu cách ly, tổ Covid-19 cộng đồng; Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các cấp; Lực lượng công an, quốc phòng tại 13 tỉnh, thành phố đang là điểm nóng về phòng chống dịch (Hải Dương, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Gia Lai, Quảng Ninh, Điện Biên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hòa Bình, Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Giang, Bình Dương) và 21 bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn chủ trì cuộc họp với WHO, UNICEF và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sau khi tiêm những mũi vắc xin đầu tiên |
Để nhanh chóng triển khai được công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, các đơn vị trong và ngoài ngành Y tế với sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và các đơn vị trong nước như hệ thống tiêm chủng VNVC đã thực hiện những nỗ lực to lớn trong việc đàm phán, mua, tiếp nhận, bảo quản, cung ứng vắc xin; Hướng dẫn sử dụng vắc xin và thực hiện các quy trình tiêm chủng an toàn.
Song song với việc đàm phán mua các loại vắc xin Covid-19, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin của Việt Nam tích cực nghiên cứu, thử nghiệm để sớm có vắc xin sản xuất trong nước nhằm chủ động nguồn vắc xin phục vụ tiêm chủng.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế kịp thời ra mắt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử để giúp ngành Y tế và người dân quản lý tốt và hiệu quả công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
"Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, tôi xin biểu dương những nỗ lực đó của các tổ chức, tập thể, cá nhân liên quan trong việc chung tay phòng chống Covid-19.
Đợt tiêm vắc xin phòng Covid-19 lần này là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu mũi tiêm được thực hiện trên toàn quốc. Đây là sự đầu tư rất lớn của Chính phủ để phòng, chống dịch hiệu quả, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân trên cả nước.
Bộ Y tế kêu gọi người dân trên cả nước đến lượt mình hãy đi tiêm phòng Covid-19 để bảo vệ cho cá nhân, người thân, vì một cộng đồng khỏe mạnh, để đất nước chúng ta sớm quay trở lại với cuộc sống bình thường", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng đề nghị Chương trình Tiêm chủng mở rộng và các đơn vị thực hiện tiêm chủng nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của Chính phủ và Bộ Y tế về sử dụng vắc xin phòng Covid-19, giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vắc xin để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; Đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; Xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có).
Bên cạnh đó, các đơn vị cần đẩy mạnh giám sát để phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai tiêm chủng, kịp thời rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình chuẩn tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19.
Bộ Y tế mong muốn các cơ quan báo chí truyền thông tích cực phối hợp với ngành Y tế tăng cường truyền thông về tính an toàn và lợi ích tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 tới mỗi người dân và cộng đồng để vận động toàn thể người dân Việt Nam thực hiện biện pháp phòng bệnh tích cực này.
"Không có vắc xin nào an toàn 100% và không có vắc xin nào có tác dụng phòng bệnh 100%. Do vậy muốn bảo vệ xã hội khỏi nguy cơ mắc Covid-19, đồng thời với tiêm chủng chúng ta cần thực hiện tốt khuyến cáo 5K của Bộ Y tế (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế). Tôi tin tưởng rằng, thực hiện tốt những điều này chúng ta nhất định sẽ chặn đứng Covid-19", GS.TS Trần Văn Thuấn chia sẻ.
Việt Nam sẽ có thêm khoảng 4 triệu liều vắc xin Covid-19 trong tháng 3 - 4/2021
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, qua kiểm tra, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã triển khai rất tốt công tác tiêm chủng. Các khâu từ công tác chuẩn bị cho đến triển khai tiêm, kho bảo quản vắc xin, khu vực sàng lọc, khu vực tiêm, chuẩn bị cấp cứu nếu có tình huống gặp phản ứng xảy ra… tất cả đều hoàn chỉnh. Những nhân viên y tế được tiêm đầu tiên trong hôm nay đều tuân thủ đầy đủ các quy trình tiêm chủng theo quy định. Người tiêm được theo dõi tại chỗ 30 phút sau tiêm, sau đó được đưa vào phòng theo dõi, đánh giá sau 24 giờ.
“Chúng tôi tiêm từng nhóm 5-10 người, sau đó rút kinh nghiệm xem xét có vấn đề gì xảy ra để có phương án phù hợp. Việc tiêm chủng ngày hôm nay là khởi đầu cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay với hơn 100 triệu liều trong năm nay”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nói.
Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết, UNICEF hỗ trợ Việt Nam có được nguồn vắc xin chất lượng và thương thuyết để Việt Nam có nguồn vắc xin với giá tốt nhất. Đặc biệt, UNICEF hỗ trợ Việt Nam có vắc xin Covid-19 qua chương trình Covax bảo đảm trong năm nay, Việt Nam có khoảng 20% dân số được tiêm vắc xin Covid-19. Dự kiến, trong tháng 3 và 4/2021 sẽ có khoảng 4 triệu liều vắc xin Covid-19 qua chương trình Covax về đến Việt Nam.
Về vấn đề chất lượng vắc xin được triển khai tiêm trong ngày hôm nay, theo ông Kindong Park, Trưởng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, vắc xin Covid-19 sử dụng trong chiến dịch này được khẳng định, an toàn và hiệu quả. Vắc xin này đã được thử nghiệm lâm sàng và bảo đảm các quy định cơ bản.
“Hiện lượng vắc xin Covid-19 trên thế giới còn hạn chế, không đủ đáp ứng yêu cầu. Chúng tôi hoanh nghênh định hướng của Việt Nam, đó là triển khai tiêm cho lực lượng y tế tuyến đầu. Với khởi đầu chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 trong hôm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai vắc xin an toàn với người dân trong thời gian tới khi vắc xin nhập về nhiều hơn. WHO sẽ đồng hành cùng Việt Nam đưa ra chiến dịch tiêm vắc xin an toàn với người dân để từ đó, chúng ta cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh”, ông Kidong Park nhấn mạnh.
Trước đó, tại hội nghị tập huấn trực tuyến công tác tiêm chủng vắc xin Covid-19 toàn quốc diễn ra ngày 6/3 do Bộ Y tế tổ chức, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã nhấn mạnh: "Trong chiến dịch tiêm chủng lần này, chắc chắn sẽ có những tai biến không mong muốn xảy ra nhưng không vì lý do đó làm lung lay chiến dịch tiêm vắc xin. Trên toàn cầu cũng có người tham gia phong trào anti vắc xin nhưng lợi ích vắc xin ngừa Covid-19 rất rõ ràng, bảo vệ chính cho bản thân và cộng đồng".
Theo Bộ trưởng, dù độ bảo vệ của vắc xin AstraZeneca không đạt 100% nhưng 100% người tiêm nếu có mắc bệnh sẽ diễn biến nhẹ hơn. Đó là điều quan trọng nhất với mỗi cá nhân tiêm chủng. Do hiệu lực bảo vệ không đạt 100% nên song song tiêm vắc xin vẫn cần thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt tuân thủ tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế.