Vẻ vang ngôi trường “mô phạm của cả nước”
![]() |
Kỷ niệm 65 năm thành lập trường Đại học sự phạm Hà Nội, trong lịch sử 65 năm dựng xây và phát triển đầy vẻ vang của mình, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội (ĐHSP Hà Nội) đã luôn xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ trong lần về thăm Trường năm 1964: “Làm thế nào để Nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”.
Tự hào nơi khởi nguồn của phong trào Ba sẵn sàng
Trong trí nhớ của ông Trịnh Ngọc Trình - nguyên Bí thư Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội thời kì “Ba sẵn sàng” – kí ức về những ngày hoa đỏ hừng hực khí thế của sinh viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội thời phong trào “Tam bất kì” vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí. Những gì còn đọng lại trong người Bí thư Đoàn Trường Đại học Sư phạm năm ấy không chỉ là niềm tự hào lớn lao về nơi khởi nguồn của phong phong trào tình nguyện lớn nhất của Thanh niên Việt Nam là phong trào “Ba sẵn sàng”, mà còn là những rung động sâu sắc về những trái tim cháy đỏ lí tưởng cống hiến của những sinh viên sư phạm một thời oanh liệt của đất nước.
Ông Trình nhớ lại, sau thất bại trong chiến tranh “Dùng người Việt trị người Việt”, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa hàng triệu quân vào miền Nam Việt Nam trực tiếp tiền hành “Chiến tranh cục bộ”, tàn phá, bắn giết đồng bào miền Nam và đe dọa dùng hải quân, không quân đánh phá miền Bắc nước ta. Trong bối cảnh đó, một phong trào thi đua yêu nước đã được dấy lên trong các chi đoàn, liên chi đoàn Thanh niên Trường ĐHSP Hà Nội. Đầu năm 1964, Ban Chấp hành Đoàn trường đã lần lượt phát động phong trào “Tam bất kì” rồi “Ba bất kì” với ý nghĩa rằng tất cả “Vì miền Nam ruột thịt”, “Vì miền Bắc xã hội chủ nghĩa”, thanh niên sẽ “Đi bất kì nơi đâu”, “Làm bất kì việc gì”, “Bất kì đãi ngộ nào”...
![]() |
Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội.Ảnh: Thái Nguyên
Trước khí thế sục sôi của phong trao “Ba bất kì” trong sinh viên ĐHSP Hà Nội, đầu tháng 3/1964, Thành đoàn Hà Nội mà trực tiếp là Bí thư Thành đoàn Hà Nội Vũ Hữu Loan và đồng chí Hồ Trúc, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, đã đưa hai đoàn khảo sát về tìm hiểu phong trào thi đua “Tam bất kì” của Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội. Được sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đoàn, Thành đoàn và sự ủng hộ, chỉ đạo của Đảng ủy và Ban Giám hiệu nhà trường, Đoàn Thanh niên trường ĐHSP Hà Nội đã quyết định đổi tên từ phong trào “Tam bất kì” thành phong trào “Ba sẵn sàng”. Tối 30/4/1964, Đoàn thanh niên Trường ĐHSP Hà Nội làm Lễ phát động “Phong trào Ba sẵn sàng” tại nghĩa trang Mai Dịch, huyện Từ Liêm, với sự có mặt của đồng chí Hồ Trúc và đồng chí Vũ Hữu Loan. Tại đây, thanh niên trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã cùng hô vang lời thề: “Sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng nhập ngũ đánh thắng Đế quốc Mỹ xâm lược; sẵn sàng hì sinh bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc và sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Đảng và nhân dân yêu cầu mà không đòi hỏi đãi ngộ”.
Sau lời thề thiêng liêng trước Đảng, trước Đoàn, trước dân tộc, có cả anh linh các vị anh hùng, liệt sĩ nghĩa trang chứng giám, bảy nghìn đoàn viên thanh niên, bảy nghìn bó đuốc đã diễu hành từ Mai Dịch đến Dịch Vọng, Cầu Giấy, làm sáng rực cả một góc trời phía Tây Hà Nội.
Thấy được ý nghĩa lớn lao và sức lan tỏa mạnh mẽ của phong trào này trong thanh niên lúc bấy giờ, Thành đoàn Hà Nội đã lập tức nắm bắt cơ hội, phát động phong trào “Ba sẵn sàng” ra toàn thành phố Hà Nội và Trung ương Đoàn đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng” ra toàn quốc với một khí thế sục sôi như triều dâng, thác đổ. Cả một thế hệ thanh niên vàng của Đảng và dân tộc đã “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” để làm lên chiến thắng vĩ đại của dân tộc, thống nhất đất nước. Đến nay, phong trào “Ba sẵn sàng” vẫn là phong trào tình nguyện lớn nhất của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Đoàn thanh niên Trường ĐHSP Hà Nội với vai trò là nơi khởi nguồn của phong trào tình nguyện lớn nhất trong lịch sử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh này đã làm lên một trang sử rất đáng vẻ vang và tự hào của ngôi trường giàu truyền thống.
Cái nôi của những trí thức lớn
Có thể nói, Trường ĐHSP Hà Nội là nơi tập trung đội ngũ đông đảo các nhà giáo dục, nhà khoa học hàng đầu của đất nước. GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng nhà trường tự hào cho biết, với lịch sử 65 năm xây dựng và phát triển, đây là nơi cống hiến và trưởng thành của nhiều khoa học, nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động chính trị nổi tiếng như các giáo sư Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trần Văn Giàu, Cao Xuân Huy, Phạm Huy Thông, Lê Văn Thiêm, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Văn Hiệu, Nguyễn Lân, nhà văn Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Phạm Tiến Duật …
Toàn trường hiện có 17 GS, có 149 PGS; tỉ lệ GS, PGS đạt 21,45% trên tổng số giảng viên của trường. Cho đến nay, Trường đã có 37 Nhà giáo Nhân dân, 137 Nhà giáo Ưu tú. Đội ngũ cán bộ, công chức của trường có trình độ chuyên môn vững vàng, giàu kinh nghiệm và tâm huyết với nghề nghiệp. Nhiều người trong số đó là những nhà khoa học, nhà nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực chuyên ngành mà tên tuổi đã được khẳng định. Cán bộ của trường đã đóng vai trò quan trọng trong việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa phổ thông, nhiều người là tổng chủ biên, chủ biên, tác giả sách giáo khoa và giáo trình các cấp.
Trường ĐHSP Hà Nội cũng là một trong những trung tâm đào tạo đại học và sau đại học lớn, đạt chất lượng cao. Từ khi thành lập đến nay, trường đã đào tạo được hơn 89.000 cử nhân khoa học, hơn 15.000 thạc sĩ và hơn 1.200 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học cho đất nước và một số nước bạn. Hiện tại, trường đang đào tạo với quy mô hơn 8.000 cử nhân hệ chính quy, 3.000 học viên cao học và 600 nghiên cứu sinh.
Ngoài ra, Trường ĐHSP Hà Nội là trung tâm nghiên cứu khoa học cơ bản, khoa học ứng dụng và khoa học giáo dục đứng đầu trong khối các trường sư phạm cả nước. Công tác nghiên cứu khoa học của cán bộ Trường được tập trung trên các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội nhân văn, các ứng dụng vào sản xuất đời sống và giáo dục. Nhiều giảng viên của trường đã vinh dự được nhận những giải thưởng khoa học cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng khoa học Nhà nước, Giải thưởng quốc tế Cosmos, Giải thưởng Nhân tài đất Việt. Việc công bố các kết quả nghiên cứu trên các tạp chí khoa học quốc tế ngày càng nhiều. 10 năm qua Trường cũng đã có 103 công trình sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải cấp Bộ (11 giải nhất, 17 giải nhì, 20 giải 3, 55 giải Khuyến khích).
GS.TS Nguyễn Văn Minh chia sẻ, với mục tiêu từng bước xây dựng trường ĐHSP Hà Nội thực sự trở thành trường sư phạm trọng điểm quốc gia, nhà trường đã và đang tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ xây dựng đội ngũ; đổi mới mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo và kiểm tra đánh giá cho đến đổi mới tư duy, phương thức quản lý; tổ chức nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn của đất nước và tập trung mọi nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất khang trang, hiện đại.
Hai lần nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và Huân chương Hồ Chí Minh
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội được thành lập ngày 11/10/1951 theo Nghị định 276/NĐ của Bộ Quốc gia Giáo dục, nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với bề dày thành tích của 65 năm xây dựng và phát triển, trường đã được tặng: Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Nhất, hạng Nhì; Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2001 và lần thứ hai năm 2011, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2004. Đặc biệt, năm nay nhân dịp kỉ niệm 65 năm thành lập Trường, Nhà trường vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ 2.
Hoàng Hương
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng cho Nhà nước pháp quyền Việt Nam

Mỗi cán bộ, đảng viên phải trở thành chiến sĩ tiên phong trên mặt trận phát triển đất nước

Việt Nam sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới phát triển hùng cường, thịnh vượng

Cán bộ, đảng viên Thủ đô nghe triển khai 2 nghị quyết quan trọng

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị toàn quốc quán triệt các Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị

Phân cấp, phân quyền triệt để, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp

Cần có giải pháp tăng cường hợp tác công tư cho cả 2 lĩnh vực giáo dục, đào tạo và y tế

Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật từ quản lý sang phục vụ

Tư duy đổi mới tạo bước tiến trong quản trị quốc gia
