“Vi-rút sợ trách nhiệm”: Kỳ vọng vào “liều thuốc đặc trị”
Sắp diễn ra Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội năm 2023 Đoàn công tác Thành ủy Hà Nội thăm, làm việc tại tỉnh Lâm Đồng |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến tiếp xúc cử tri tại trụ sở quận Đống Đa |
Bài 1: Tác hại khôn lường
Trải qua các thời kỳ cách mạng, đội ngũ cán bộ của Đảng ta cơ bản luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, dám xả thân vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, thời kỳ nào cũng có một bộ phận cán bộ thiếu gương mẫu, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm…
Biểu hiện của sự suy thoái
Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: “Né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả” và “thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của Nhân dân”. Sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Thời gian gần đây, câu chuyện “cán bộ sợ trách nhiệm” được bàn thảo nhiều trên các diễn đàn; Được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước phê bình, nhắc nhở, chấn chỉnh nhiều lần trong các cuộc họp, các văn bản chỉ đạo. Phát biểu bế mạc Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII), đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, né tránh trách nhiệm: Cái gì có lợi thì kéo về cho cơ quan, đơn vị và cá nhân mình; Cái gì khó khăn thì đùn đẩy ra xã hội, cho cơ quan khác, người khác.
Đồng chí chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí sợ trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại, diễn biến phức tạp, không thể chủ quan, lơ là”. Đây là thực trạng tác động tiêu cực đến sự vận hành của hệ thống cơ quan, tổ chức và trong thực thi công vụ. Nó làm cho công việc bị chậm chễ, ách tắc; Nhiều cơ hội đầu tư bị bỏ lỡ; Nhiều công trình bị triển khai chậm tiến độ; Nhiều nguồn vốn đầu tư công không được giải ngân đúng kế hoạch; Nhiều vấn đề bức xúc trong xã hội không được giải quyết kịp thời…
Đặc biệt, người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị sợ trách nhiệm sẽ làm cho cán bộ, nhân viên thuộc quyền thiếu niềm tin, thiếu năng nổ, thiếu nhiệt huyết, làm việc cầm chừng, không muốn cống hiến; Bởi họ có tham mưu, đề xuất, hiến kế những ý tưởng, cách làm mới, sáng tạo, đột phá cũng không được người lãnh đạo, quản lý của mình ghi nhận, ra quyết định triển khai trên thực tế.
Rộng hơn, cán bộ sợ trách nhiệm sẽ làm giảm sút năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng và sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng; Làm cản trở sự phát triển của đất nước; Làm sa sút niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước... Đây là nguyên cớ để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng.
Cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Vì vậy, sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu trách nhiệm của cán bộ ở những cấp độ khác nhau đều hết sức nguy hại, tác động tiêu cực đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu |
Nguyên nhân chủ quan và khách quan
Có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan làm cho một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm. Nguyên nhân khách quan chủ yếu đến từ những tác động của mặt trái cơ chế thị trường, khi mà ở đó, của cải, vật chất, tiền bạc được đề cao, là lợi ích tối thượng của các chủ thể kinh tế; Lối sống thực dụng, vị kỉ, thờ ơ, vô cảm có điều kiện tồn tại và lây lan.
Cán bộ sống và làm việc trong môi trường đó khó có thể tránh khỏi những tác động tiêu cực về mặt tâm lý, tư tưởng, lối sống, và kéo theo là sự tính toán lợi ích cá nhân trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, biểu hiện trên hai góc độ: Cá nhân và tổ chức.
Đối với cá nhân, sợ trách nhiệm chủ yếu là do cán bộ thiếu bản lĩnh, thiếu tu dưỡng phẩm chất đạo đức, thiếu năng lực; hoặc sa vào chủ nghĩa cá nhân. Cán bộ thiếu bản lĩnh thì không dám làm, vì sợ làm sai sẽ ảnh hưởng đến chức vụ công tác của mình, thế nên chọn cách làm máy móc những gì cấp trên chỉ đạo, không cần đột phá, đổi mới, sáng tạo. Cũng vì lý do này, cán bộ không dám chịu trách nhiệm, không dám đương đầu với khó khăn, thử thách.
Vì thiếu tu dưỡng phẩm chất đạo đức mà cán bộ dễ nảy sinh thái độ thờ ơ, vô cảm trước những vấn đề khó khăn, bức xúc của tập thể, của xã hội, của nhân dân; Từ đó, dẫn đến tình trạng phó thác, ỷ lại cho tổ chức, cho cấp trên, thiếu đôn đốc, kiểm tra, không sâu sát cơ sở, xa rời quần chúng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đại biểu và cử tri tại quận Đống Đa |
Khi cán bộ hội tụ đầy đủ bản lĩnh, phẩm chất đạo đức nhưng lại thiếu năng lực, hay nói cách khác năng lực không đáp ứng với yêu cầu chức trách, nhiệm vụ được giao, thì cũng dễ dẫn đến sợ trách nhiệm. Nguyên nhân là do, thiếu năng lực nên trước mỗi công việc, nhất là việc khó, việc mới, cán bộ không biết quyết định thế nào cho đúng, cho hiệu quả, làm gì cũng sợ sai, sợ bị phê bình, chất vấn. Vì vậy, cán bộ đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, nơi khác để… “an toàn”.
Một nguyên nhân chủ yếu nữa làm cho cán bộ sợ trách nhiệm chính là chủ nghĩa cá nhân. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chỉ rõ: Một bộ phận cán bộ, đảng viên “sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”. “Làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai” tưởng chừng chỉ là cách nói trào phúng nhưng lại trở thành phương châm sống và làm việc của không ít cán bộ, nhất là những cán bộ chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân.
Đối với tổ chức, để cán bộ sợ trách nhiệm là do tổ chức làm chưa tốt công tác cán bộ và chưa có cơ chế, chính sách hữu hiệu để phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, cũng như trong bảo vệ, kiểm tra, giám sát, phê bình và xử lý cán bộ sai phạm.
Công tác cán bộ có nhiều khâu, như: Đánh giá cán bộ, quy hoạch cán bộ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, bố trí, sử dụng cán bộ, điều động, luân chuyển cán bộ, phân cấp và quản lý cán bộ, kiểm tra, giám sát, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ. Làm tốt các khâu, các bước trong công tác cán bộ sẽ làm cho đội ngũ cán bộ của Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Tuy nhiên, trên thực tế, công tác cán bộ ở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu của Đảng và mong muốn của nhân dân.
Những hạn chế, tiêu cực trong công tác cán bộ làm cho việc bố trí cán bộ không tương xứng với cương vị công tác về cả phẩm chất và năng lực, trách nhiệm và uy tín, “tâm” và “tầm”. Công việc đảm nhiệm vượt quá khả năng thực tế của cán bộ sẽ làm cho cán bộ sợ chính công việc được giao đảm nhiệm.
Cùng với đó, tình trạng tổ chức không có cơ chế, chính sách hoặc cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tinh thần “bảy dám: Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lới ích chung” và kiểm tra, giám sát, phê bình, xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm cũng là một trong những nguyên nhân làm cho cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm.
Làm việc trong một tổ chức, cán bộ luôn mong muốn kết quả, thành tích làm việc của mình được tổ chức ghi nhận, đánh giá đúng. Khi cán bộ luôn nỗ lực công tác, năng động, sáng tạo, hành động vì lợi ích chung nhưng không được cấp trên, tổ chức ghi nhận, bảo vệ những cống hiến của họ, thì tất yếu sẽ làm cho sự nỗ lực ấy bị bào mòn
Mặt khác, tổ chức chưa có các cơ chế, chính sách đủ mạnh trong kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực; Chưa phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm trong giải quyết công việc; Chưa có chế tài xử lý nghiêm những hành vi vi phạm; Việc đấu tranh tự phê bình và phê bình chưa được thực hiện thường xuyên… cũng là những căn nguyên góp phần không nhỏ làm cho những cán bộ sợ trách nhiệm, thiếu trách nhiệm.
(Còn nữa)