Viện Tim mạch làm chủ kỹ thuật thay van động mạch chủ qua ống thông bằng gây tê tại chỗ
Điều dưỡng chăm sóc cho người bệnh sau can thiệp kỹ thuật thay van động mạch chủ qua ống thông bằng gây tê tại chỗ
Bài liên quan
Khai mạc Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học
Em bé đầu tiên ở Hưng Yên chào đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm
Áp dụng thành công kỹ thuật mới điều trị bệnh bạch biến da
Quảng Nam: Lắp đặt 150 khối rạn san hô nhân tạo dưới biển Cù Lao Chàm
Tai họa kép, bệnh chồng bệnh
Tiền sử vốn khỏe mạnh, không có bệnh tật nhưng 2 tháng gần đây, ông Trần Anh Đức (66 tuổi, ở Nam Định) thấy xuất hiện tình trạng nói và nuốt khó. Các triệu chứng ngày một tăng nặng kèm theo mệt mỏi khi gắng sức. Ông Đức đến Viện Tai mũi họng Trung ương thì được chẩn đoán ung thư amidal và có chỉ định phẫu thuật cắt Amidal kết hợp nạo vét hạch vùng. Trong khi làm các xét nghiệm đánh giá trước mổ thì các bác sĩ lại phát hiện ông Đức bị hẹp khít van động mạch chủ (ĐMC), có chỉ định chuyển tuyến sang Viện Tim mạch Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai để can thiệp.
Tại Viện Tim mạch Quốc gia, kết quả siêu âm tim cho thấy bệnh nhân Đức có hẹp khít và hở nhẹ van động mạch chủ. Van động mạch chủ hai lá van, dày lá van vừa, vôi hóa rải rác 2 bờ van; Chênh áp qua van tối đa 71mg, chênh áp trung bình 45 mmHg; Thành thất trái dày, buồng thất trái không giãn (Dd 51mm, Ds 29mm) EF 74%. GS.TS Nguyễn Lân Việt - nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch chủ trì buổi hội chẩn và thống nhất hướng xử trí: Thay van ĐMC nhằm cải thiện các bệnh lý tim mạch đảm bảo cho bệnh nhân đủ sức khỏe để tiếp tục cuộc đại phẫu thứ 2 cắt Amidal trái và nạo vét hạch cổ trái nhóm I, II, III.
Đối với bệnh lý hẹp khít động mạch chủ, GS Lân Việt đưa ra 2 phương án tối ưu để gia đình người bệnh lựa chọn. Phương án thứ nhất: Thay van động mạch chủ (ĐMC) qua đường ống thông (TAVI). Phương án thứ hai: Phẫu thuật thay van động mạch chủ.
Sau khi bàn bạc và thống nhất, gia đình bệnh nhân Đức chọn phương án thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI). Bệnh nhân được chụp MSCT gốc động mạch chủ để đánh giá tổ chức van và kích thước vòng van động mạch chủ: Vôi hóa lan tỏa van ĐMC gây hẹp khít diện tích lỗ van là 0,92 cm2. Kích thước van động mạch chủ khuyến nghị 26mm. Bệnh nhân được tiến hành thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI) cỡ van 29mm.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, trưởng kíp can thiệp chia sẻ: Điều đặc biệt trong ca can thiệp này là bệnh nhân bị ung thư almidan. Vì vậy để đảm bảo an toàn và đảm bảo sức khỏe cho bệnh nhân, kíp can thiệp chúng tôi quyết định gây tê tại chỗ kết hợp an thần thay vì gây mê như mọi khi.
Đây là ca TAVI đầu tiên được áp dụng dưới sự hỗ trợ của gây tê tại chỗ. Lợi thế của việc gây tê tại chỗ thay vì gây mê toàn thân qua nội khí quản giúp giảm thời gian tiến hành thủ thuật, giảm nguy cơ phải dùng thuốc vận mạch trong quá trình tiến hành thay van, đồng thời cũng giúp người bệnh hồi tỉnh ngay, tránh những biến chứng của việc thở máy xâm nhập, giảm thời gian nằm viện.
Chia sẻ về kết quả của ca can thiệp, bệnh nhân Trần Anh Đức hào hứng tâm sự: "Tôi rất hài lòng với kết quả của ca can thiệp".
Trước khi thực hiện thủ thuật, GS.TS Nguyễn Lân Việt, đã giải thích với tôi rất cặn kẽ về kỹ thuật và can thiệp cho tôi là kíp bác sĩ giỏi nhất, tinh nhuệ nhất của Viện Tim mạch. Bác sĩ gây tê cũng gặp và trao đổi rõ ràng để tôi chuẩn bị và hiểu về những gì bác sĩ sẽ làm với tôi. Ca can thiệp diễn ra thuận lợi, trong quá trình thực hiện, tôi không thấy đau chút nào và sau đó tôi tỉnh ngay. Tôi thấy khỏe hẳn, thay đổi hẳn, không còn cảm giác mệt mỏi như trước khi can thiệp và bây giờ tôi mong sớm được mổ cắt amidan và nạo vét các tế bào ung thư.
TAVI phù hợp với bệnh cảnh nào?
ThS.BS Đinh Huỳnh Linh, thành viên kíp can thiệp, chia sẻ: Trước đây phẫu thay van động mạch chủ là cách duy nhất để giúp cải thiện các triệu chứng và tỷ lệ tử vong cho bệnh nhân mắc hẹp khít van động mạch chủ. Tuy nhiên, có một số lượng không nhỏ bệnh nhân bị hẹp van động mạch chủ không thể phẫu thuật do tuổi cao, sức yếu hoặc có các bệnh lý mạn tính kèm theo như bệnh phổi mạn tính, suy thận... Khoảng một phần ba bệnh nhân trên 75 tuổi có hẹp chủ khít không thể tiến hành phẫu thuật do nguy cơ cuộc mổ quá cao.
Kỹ thuật thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVI) ra đời, đã trở thành giải pháp tối ưu cho người bị hẹp van động mạch chủ. TAVI là kỹ thuật được thực hiện lần đầu tiên năm 2002 bởi bác sĩ tim mạch can thiệp Dr.Alain Cribier.
Kỹ thuật này đã được áp dụng chính thức và thường quy trong khoảng 15 năm nay. Viện Tim mạch Quốc gia đã triển khai khoảng 10 ca TAVI nhưng được thực hiện dưới sự hỗ trợ của gây mê. TAVI thay thế cho phẫu thuật giúp người bệnh không phải đối diện với cuộc mổ mở xương ức và sử dụng máy tuần hoàn ngoài cơ thể. Đại phẫu này khiến bệnh nhân phục hồi sau phẫu thuật lâu, thời gian nằm viện dài.
Với bệnh nhân Anh Đức, đây là lần đầu tiên, Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam triển khai TAVI qua gây tê tại chỗ. Điều này đem lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh. Ngay sau thủ thuật bệnh nhân đã tỉnh táo, tiếp xúc được. Chỉ 1 tuần sau thay van qua đường ống thông, bệnh nhân có thể tiến hành phẫu thuật amydal theo chỉ định của chuyên khoa Tai mũi họng.
Ngoài ra, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cho biết, ca TAVI này được tiến hành hoàn toàn với ekip của các bác sĩ Viện Tim mạch, không có sự tham gia của chuyên gia nước ngoài. Trước đây, thủ thuật phức tạp này cần sự tham gia hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài.
Việc tiến hành TAVI thành công ở bệnh nhân hẹp van ĐMC phức tạp (van ĐMC hai lá van, vôi hoá nhiều) cho thấy ekip can thiệp của Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam đã thực sự làm chủ kỹ thuật này, đem lại giải pháp điều trị an toàn và hiệu quả cho các bệnh nhân hẹp van ĐMC ở Việt Nam. Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam, Bệnh viện Bạch Mai, là 1 trong 3 trung tâm tim mạch trong cả nước đã được cấp chứng nhận có thể tiến hành kỹ thuật này một cách độc lập.
Hẹp van động mạch chủ do thoái hoá van là bệnh lý phổ biến ở người cao tuổi. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu là mệt, giảm khả năng gắng sức, đau ngực, khó thở. Hẹp van động mạch chủ khi đã biểu hiện triệu chứng thì thường có tiên lượng nặng nề, với tỉ lệ tử vong trong 2 năm lên tới 50%.
Thay van ĐMC qua đường ống thông đã thực sự mở ra hướng đi mới cho các bệnh nhân hẹp khít van ĐMC, đặc biệt là những bệnh nhân có nhiều bệnh lý nội khoa nặng nề, những bệnh nhân không thể tiến hành phẫu thuật tim hở, hoặc nguy cơ phẫu thuật quá cao.