Việt Nam chứng minh chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa trên cơ sở chứng lý và luật pháp
|
Việt Nam khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đầu tiên
Quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đang là tâm điểm tranh chấp phức tạp giữa một số nước ven Biển Đông. Về việc giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với lãnh thổ, pháp luật quốc tế đã hình thành nguyên tắc xác lập chủ quyền và thực hiện quyền lực Nhà nước một cách thật sự, liên tục và hòa bình. Nguyên tắc này đã được các nước và các cơ quan tài phán quốc tế áp dụng để giải quyết nhiều vụ tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên thế giới.
Áp dụng nguyên tắc nói trên của pháp luật quốc tế vào trường hợp hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý đều cho thấy rằng các Nhà nước Việt Nam đã khẳng định chủ quyền với hai quần đảo này hàng trăm năm qua. Nói chính xác là các Nhà nước Việt Nam trong lịch sử và cho tới nay đã thực thi chủ quyền ở đây ít ra từ thế kỷ XVII khi hai quần đảo chưa hề thuộc chủ quyền của bất cứ nước nào. Từ đó, Việt Nam đã thực hiện việc xác lập và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách liên tục và hòa bình.
Thế kỷ XVIII, trong "Đại Nam nhất thống toàn đồ" đã ghi rõ Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa là những đảo của Việt Nam. Lê Quý Đôn (1726 - 1786) trong cuốn "Phủ biên tạp lục" đã mô tả khá kỹ về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Phan Huy Chú (1782 - 1840) trong sách "Lịch triều hiến chương loại chí" và "Hoàng Việt địa dư chí" đã mô tả việc quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
|
Các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trên đảo Trường Sa lớn Ảnh: VƯƠNG ĐỨC
Rất nhiều sử liệu quý khác như "Việt sử cương giám khảo lược" của Nguyễn Thông cũng đề cập khá cụ thể về những hoạt động của binh lính Triều đình trong việc tuần tra, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, lập bia, dựng miếu, trồng cây làm dấu, đánh bắt thủy hải sản, lập trạm hải đăng... ở hai quần đảo này. Hiện nay, viện bảo tàng của các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa cũng còn lưu giữ rất nhiều cổ vật có giá trị củng cố chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc biệt, Sắc chỉ (còn nguyên vẹn bản gốc) của Triều đình nhà Nguyễn liên quan tới việc canh phòng quần đảo Hoàng Sa được gia tộc họ Đặng gìn giữ suốt 147 năm qua.
Thời kỳ nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, từ ngày 6/6/1884, sau khi Triều Nguyễn ký với Chính phủ Pháp Hiệp ước Giáp Thân công nhận sự thống trị của thực dân Pháp đối với Việt Nam, Pháp bắt đầu thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Năm 1887, Chính phủ Pháp và Triều đình Mãn Thanh ký công ước hoạch định biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc; xác định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Ngày 15/6/1938, Toàn quyền Đông Dương I. Brévie ký Nghị định số 156-SC, quyết định tổ chức hành chính quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Ngày 21/12/1933, Thống đốc Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Ngày 14/10/1950, Chính phủ Pháp bàn giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Chính quyền Bảo Đại. Để quản lý về hành chính, nhà vua đã cho sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Thừa Thiên. Tháng 9/1951, tại Hội nghị San Franxico, Trần Văn Hữu - Thủ tướng Chính phủ của Bảo Đại, Trưởng phái đoàn của Việt Nam ra tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tại Hội nghị, đại diện của 51 quốc gia tham dự đều không có ý kiến phản đối. Rất nhiều tài liệu nước ngoài trong thời kỳ này đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý hành chính của Chính quyền Sài Gòn. Ngày 22/10/1956, họ ra Sắc lệnh số 143/VN quy định quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày 13/7/1962, Chính quyền Sài Gòn ký quyết định chuyển quyền quản lý hành chính quần đảo Hoàng Sa từ tỉnh Thừa Thiên cho tỉnh Quảng Nam.
Sau khi đất nước thống nhất, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tiếp tục quản lý, bảo vệ và thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã quyết định nâng đơn vị hành chính đối với hai quần đảo lên cấp huyện: huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28/12/1982, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VII đã ra Nghị quyết đưa huyện Trường Sa sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa).
Thực thi chủ quyền phù hợp pháp luật quốc tế
Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, chuyên gia về biên giới lãnh thổ và Luật biển quốc tế, quan điểm chính thức của Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trước sau như một. Có thể tóm tắt như sau: Nhà nước Việt Nam là Nhà nước đầu tiên trong lịch sử, ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII, đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc thực thi chủ quyền này là thực sự, rõ ràng, liên tục và hòa bình; phù hợp với nguyên tắc của Luật pháp và thực tiễn quốc tế hiện thời. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và các tư liệu lịch sử có giá trị pháp lý để chứng minh và bảo vệ chân lý đó.
Với nội dung này thì rõ ràng Việt Nam đã chứng minh và bảo vệ chủ quyền của mình dựa theo nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ phổ biến nhất hiện nay của Luật pháp quốc tế. Việt Nam không thừa nhận và bác bỏ cái gọi là “chủ quyền lịch sử”, “danh nghĩa lịch sử”, quyền “phát hiện đầu tiên, khai phá, sinh sống, làm ăn, đặt tên, vẽ bản đồ… từ lâu đời”, kể cả những quan điểm quyền thụ đắc lãnh thổ dựa vào khoảng cách địa lý xa gần.
GS.TS. Nguyễn Bá Diến - Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Nghiên cứu khoa học biển và hải đảo, cũng khẳng định, việc xác lập và thực thi chủ quyền của Việt Nam là phù hợp với tập quán và pháp luật quốc tế. Trên thực tế Việt Nam đã thực thi chủ quyền này của mình từ thế kỷ XVII đến nay một cách liên tục, hòa bình.
Theo chuyên gia, từ khi ký Hiệp ước ngày 6/6/1884 với triều đình nhà Nguyễn, Pháp đại diện quyền lợi của Việt Nam trong quan hệ đối ngoại, việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Trong khuôn khổ sự cam kết chung đó, Pháp đại diện cho Việt Nam, tiếp tục thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Trên thực tế, các sự kiện, văn kiện, chứng cứ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa qua bao thế kỷ đến nay còn rất nhiều. Tuy vậy, với một số dẫn chứng nêu trên, cũng có đủ cơ sở vững chắc để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với thực tiễn và pháp luật quốc tế.
* Đây là bài viết tuyên truyền về biển, đảo, bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2017
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

Chính phủ đề xuất nhiều cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội

Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Đề xuất thí điểm Viện KSND được khởi kiện án dân sự công ích

Nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động GPMB các dự án trọng điểm

Đề xuất tiếp tục cơ chế đặc thù 5 địa phương sau sáp nhập

Lấy ý kiến chuyên gia, nguyên lãnh đạo MTTQ sửa đổi Hiến pháp 2013

Tăng cường kiểm tra việc tiếp công dân, tránh khiếu kiện kéo dài

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Luôn ghi nhớ, quyết tâm thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu
