Việt Nam ghi nhận một bệnh nhân mắc Zika và 3 ca tử vong do sốt xuất huyết
Phun thuốc phòng chống sốt xuất huyết Dengue
Bài liên quan
Triển khai công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết năm 2020
Hà Nội chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết
TP HCM ghi nhận 6 ổ dịch sốt xuất huyết
Đó là bệnh nhân nam, 25 tuổi, ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Từ tháng 3/2016, bệnh nhân đầu tiên mắc vi rút Zika ở tỉnh Khánh Hòa và cho đến nay nước ta vẫn ghi nhận rải rác bệnh nhân mắc vi rút Zika tại một số tỉnh, thành phố phía Nam.
Cả nước đã có 265 trường hợp mắc, số mắc tập trung chủ yếu khu vực phía Nam, một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên.
Bệnh do vi rút Zika là bệnh có chung véc tơ truyền với sốt xuất huyết. Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước ghi nhận 26.857 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 58 tỉnh, thành phố, với 3 ca tử vong tại Bình Định, Bình Phước và Tây Ninh.
Trong những tuần gần đây, số mắc sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng tại các tỉnh, thành phố: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, thời tiết như hiện nay, bắt đầu vào mùa mưa sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển và truyền bệnh.
Bộ Y tế đã có Công văn số 2775/BYT-DP về tăng cường phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika, sốt xuất huyết.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhằm ngăn chặn sự gia tăng, bùng phát của dịch bệnh.
Các hộ gia đình, đặc biệt là các hộ tại vùng dịch và có nguy cơ phải thường xuyên kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải... là nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức loại bỏ và tiêu diệt bọ gậy.
Bộ Y tế yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, huy động các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng, chống dịch bệnh.
Tính riêng tại Hà Nội, đến nay đã ghi nhận 137 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không có trường hợp nào tử vong, số ca mắc được phân bổ tại 23/30 quận huyện và 96/579 xã phường. Mặc dù số ca mắc giảm 44,6% so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên trong thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết có thể gia tăng do điều kiện thời tiết thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh phát triển.
Hiện nay, Hà Nội đã ghi nhận một số ổ dịch có nguy cơ gia tăng nhanh như xã Khánh Hà- Thường Tín, xã Thanh Thùy- Thanh Oai.