Việt Nam sẽ đạt mục tiêu cung cấp vắc xin Covid-19 cho 20% dân số đến cuối năm 2021
Cách thức tổ chức tiêm chủng vắc xin Covid-19 ở Việt Nam là hết sức cẩn trọng
Phát biểu tại lễ tiếp nhận, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam gửi cảm ơn sự giúp đỡ hết sức quý báu của các quốc gia, tổ chức quốc tế, rất nhiều tổ chức cá nhân đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam cùng đấu tránh chống lại đại dịch Covid-19 và giúp Việt Nam tiếp cận được nguồn vắc xin phòng Covid-19.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi Lễ |
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại dịch Covid-19 là một thách thức rát lớn đối với toàn nhân loại nhưng đây cũng là dịp để chúng ta cùng nắm tay nhau chứng minh rằng với sự đoàn kết của tất cả các tổ chức và mọi người dân ở một cộng đồng, quốc gia và trên toàn thế giới, cùng nắm tay nhau thì có thể cùng nhau vượt qua thách thức như thế này và chúng ta đang kiên trì, kiên cường vượt qua.
“Nhờ sự nỗ lực các nhà khoa học, chúng ta đã nghiên cứu làm ra vũ khí chống lại virus gây Covid-19. Các nước giàu không chỉ vì riêng mình, với sự điều phối chung của các tổ chức quốc tế cùng chia sẻ, đóng góp tri thức, tiền của để các nước chưa phát triển, chưa làm được vắc xin được tiếp cận nguồn vắc xin trong lúc còn rất khan hiếm, quý báu. Giá trị đấy tiếp tục duy trì kể cả sau này để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc”- Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cùng đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các Đại sứ Quán các nước tài trợ cho COVAX Facillity tham dự Lễ tiếp nhận |
Phó Thủ tướng cho biết: "Việt Nam là nước đang là phát triển, vẫn còn rất nghèo, chúng tôi ý thức được rằng không để dịch bùng phát diện rộng trước hết vì lợi ích người dân Việt Nam nhưng cũng là giúp cộng đồng quốc tế khống chế dịch bệnh.
Ngay từ đầu Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, Bộ Y tế, Bộ Khoa học công nghệ, các nhà khoa học Việt Nam tập trung nghiên cứu phân lập virus, nghiên cứu phát triển được những kit thử phát hiện virus và đang rất tích cực nỗ lực nghiên cứu, phát triển vắc xin cùng cộng đồng quốc tế, cùng chung tay chống lại đại dịch.
Thế giới chắc chắn còn nhiều biến động trong tương lai, chúng ta không ai mong muốn nhưng luôn luôn sẵn sàng có dịch bệnh mới. Cuộc chiến chống dịch lần này, mang lại rất nhiều khó khăn, tổn thất về người, về của nhưng cũng mang lại cho chúng ta giá trị tốt đẹp để cùng bước tới tương lai”.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh: "Thời gian qua, cách thức tổ chức tiêm chủng vắc xin Covid-19 ở Việt Nam là hết sức cẩn trọng dù khẩn trương. Đến giờ phút này, tất cả những điều nhiều nơi quan ngại về vắc xin, cơ bản ở Việt Nam đã thực hiện tốt. Tôi hoàn toàn tin, nếu 20% dân số được tài trợ vắc xin chắc chắn sẽ vượt qua được thách thức rất lớn của nhân loại"
Dự kiến sẽ cung cấp đủ vắc xin phòng Covid-19 cho các nhóm ưu tiên thuộc 20% dân số Việt Nam
Phát biểu tại buổi lễ, ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên Hiệp quốc tại Việt Nam cho biết: "Việt Nam được tiếp nhận 811.200 liều vắc-xin ngừa Covid-19. Đây là lô vắc-xin đầu tiên trong tổng số 4,1 triệu liều vắc-xin dự kiến sẽ có mặt tại Việt Nam đến cuối tháng 5. Cùng với những lô vắc-xin tiếp theo sẽ được tiếp nhận sau tháng 5, Việt Nam sẽ đạt mục tiêu cung cấp vắc-xin cho 20% dân số đến cuối năm 2021.
Ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên Hiệp quốc tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ |
Mặc dù những thách thức trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang gây khó khăn cho việc ấn định trước ngày và lượng vắc-xin tiếp nhận, song COVAX vẫn lạc quan trong việc có thể cung cấp lượng vắc-xin đủ cho tối đa 20% dân số tại các quốc gia đủ điều kiện trước thời điểm cuối năm nay.
WHO và UNICEF sẽ sát cánh cùng các quốc gia để đảm bảo đưa vắc-xin đến những đối tượng ưu tiên một cách hiệu quả nhất có thể, với ưu tiên hàng đầu là tính an toàn. Tôi xin gửi lời cảm ơn các chính phủ và đối tác phát triển đang hỗ trợ Liên Hợp Quốc và Bộ Y tế trong việc hiện thực hóa mục tiêu bao phủ vắc-xin ngừa Covid-19 cũng như tiếp tục nỗ lực củng cố hệ thống y tế công cộng.
"Thách thức cuối cùng là đảm bảo các vắc-xin cần thiết tới được với 75% người dân Việt Nam. Để làm được điều này, Chính phủ Việt Nam đã cam kết cung cấp 150 triệu liều vắc-xin cho người dân. UNICEF cũng sẽ mua khoảng 400 tủ đông bảo quản vắc-xin và hơn 2000 tủ đông loại nhỏ, hộp lạnh, xe tải đông lạnh và ống tiêm cho Việt Nam. Chuyến bay đầu tiên chở ống tiêm sẽ tới Việt Nam trong thời gian sớm nhất", ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên Liên Hiệp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh.
Mặc dù vắc-xin an toàn và hiệu quả là yếu tố có thể thay đổi cục diện tình hình, nhưng trước mắt, người dân Việt Nam vẫn phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa, đảm bảo sức khỏe cộng đồng như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn và tránh nơi đông người.
"Việc được tiêm vắc-xin không có nghĩa là chúng ta được phép chủ quan và đặt bản thân cũng như người khác vào tình thế rủi ro, nhất là khi chúng ta vẫn chưa rõ về mức độ bảo vệ của vắc-xin trước căn bệnh, cũng như khả năng lây nhiễm và lan truyền bệnh.
Sự xuất hiện của các biến thể đang là một mối lo ngại và càng chứng minh tầm quan trọng của hành động tập thể: Ngăn chặn vi-rút thông qua các biện pháp đảm bảo sức khỏe cộng đồng hiện có, cũng như mở rộng sản xuất và triển khai tiêm vắc xin nhanh nhất có thể sẽ đóng vai trò tối quan trọng.
Các hành động phối hợp để theo dõi chủng virút, hợp tác trong nghiên cứu, phát triển và sản xuất vắc-xin, cùng với việc tất cả các quốc gia đều được tiếp cận với vắc-xin là những yếu tố cần thiết để đón đầu ngăn chặn vi rút", ngài Kamal chia sẻ.