Vụ xe ô tô lao thẳng vào tổ công tác khiến chiến sĩ CSCĐ tỉnh Bắc Giang hy sinh: Có thể khởi tố tội giết người
Bắt tài xế và chủ xe ô tô cố tình tông chiến sĩ CSCĐ cơ động tử vong trên cao tốc Bắc Giang Tin tức pháp luật ngày 15/9: Xe bán tải cố tình đâm tổ công tác, một cảnh sát cơ động tử vong |
Ngày 16/9, Công an tỉnh Bắc Giang đang tạm giữ hình sự tài xế Trần Văn Dũng (SN 1989, trú tại xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) và phụ xe Dương Đức Tuyển (SN 1994, trú ở thị trấn Nhã Nam, Tân Yên, Bắc Giang) đề điều tra vụ việc điều khiển xe ô tô tông chết chiến sĩ CSCĐ trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang khi bị lực lượng công an yêu cầu dừng xe kiểm tra.
Đơn vị này cũng đã phối hợp với các lực lượng liên quan kiểm đếm số hàng hóa không rõ nguồn gốc trên ô tô 16 chỗ BKS 29B - 501.64 - xe gây tai nạn. Kết quả kiểm đếm cho thấy, số hàng hóa vi phạm trên xe gồm 80 thùng linh kiện điện tử và loa điện thoại di động với tổng trọng lượng khoảng 1,6 tấn.
Hình ảnh CSCĐ cố bám vào ô tô trước khi bị cán tử vong trên cao tốc Hà Nội - Bắc Giang (Ảnh cắt từ clip) |
Trước đó, khoảng 14h20 ngày 14/9, tại cao tốc Hà Nội - Bắc Giang, đoạn qua xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng, tổ công tác của Công an tỉnh Bắc Giang gồm Phòng Cảnh sát kinh tế, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát cơ động phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang thực hiện kế hoạch tuần tra, kiểm soát.
Khi tổ công tác triển khai phương án ra hiệu dừng xe, ô tô khách 16 chỗ ngồi BKS 29B - 501.64 đã giảm tốc độ, tấp vào lề đường. Tuy nhiên do có ý chống đối, tài xế điều khiển xe khách đã bất ngờ tăng tốc lao thẳng về phía tổ công tác và đâm hất Trung sĩ CSCĐ Nguyễn Văn Mạnh (SN 1997, trú tại huyện Lục Ngạn) lên nắp capo.
Bị đâm bất ngờ, trung sĩ Mạnh bám vào cần gạt nước của xe và yêu cầu đối tượng dừng xe chấp hành việc kiểm tra. Các đối tượng vẫn tiếp tục điều khiển xe chạy trên đường cao tốc được khoảng 1 km thì Trung sĩ Mạnh bị ngã xuống đường, bị bánh xe ô tô chèn qua người và dũng cảm hy sinh.
Chiều 15/9, lãnh đạo Công an tỉnh Bắc Giang đã ký quyết định thăng hàm từ Trung sĩ lên Thượng sĩ đối với chiến sĩ cơ động Nguyễn Văn Mạnh.
Công an tỉnh Bắc Giang đang điều tra vụ việc xe ô tô 16 chỗ đâm tử vong một chiến sĩ trong tổ công tác đang làm nhiệm vụ |
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về vụ việc trên, luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Hành vi của các đối tượng trong vụ việc này rất táo tợn, liều lĩnh, coi thường pháp luật, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng để bỏ chạy. Các đối tượng hoàn toàn nhận thức được chiếc xe ô tô 16 chỗ lao thẳng về phía tổ công tác thực thi nhiệm vụ thì có thể tước đoạt mạng sống của nhiều người nhưng vẫn cố tình thực hiện hành vi nguy hiểm, bỏ mặc hậu quả có thể xảy ra. Khi thấy chiến sĩ CSCĐ bám được trên cần gạt nước, yêu cầu đối tượng dừng xe nhưng đối tượng vẫn tiếp tục bỏ chạy khoảng 1km làm nạn nhân rơi xuống và cán qua người từ vong.
Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi khách quan và làm rõ ý thức chủ quan của người lái xe và người ngồi cùng xe để có hình thức xử lý phù hợp với quy định pháp luật. Nếu kết quả điều tra cho thấy đối tượng đã cố ý thực hiện hành vi nguy hiểm, bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra thì hành vi này là hành vi giết người. Đối tượng sẽ phải đối mặt với tội giết người theo quy định tại Điều 123, Bộ luật Hình sự với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, căn cứ phát sinh nghĩa vụ bồi thường thiệt hại là hành vi có lỗi, gây thiệt hại cho người khác, hậu quả thiệt hại đã xảy ra trên thực tế thì người có lỗi phải bồi thường thiệt hại. Những thiệt hại bao gồm thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự nhân phẩm. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại là bồi thường kịp thời, nhanh chóng; Bồi thường trên cơ sở có lỗi và mức độ lỗi; Mức bồi thường thiệt hại dựa trên những thiệt hại thực tế xảy ra và các chi phí khắc phục thiệt hại.
Đây là vụ việc có dấu hiệu hình sự, trường hợp lái xe bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì người này sẽ có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân. Trong vụ án hình sự xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác thì bị can, bị cáo là người trực tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của nạn nhân nên có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại trừ trường hợp đối tượng vi phạm là người chưa thành niên và không có tài sản riêng.
Về thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền mai táng theo phong tục địa phương, tiền cấp dưỡng cho cha mẹ và con của nạn nhân, bồi thường tổn thất tinh thần cho những người thân của nạn nhân theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp không thỏa thuận được thì khoản bồi thường thiệt hại này sẽ do tòa án giải quyết.
Đối với một vụ án gây thiệt mạng người thi hành công vụ là rất lớn, không những thiệt hại cho gia đình mà còn thiệt hại cho Nhà nước, cho xã hội. Trước tiên là bố mẹ, vợ con của chiến sĩ CSCĐ phải chịu mất mát quá lớn mà không gì có thể bù đắp được. Các khoản tiền bồi thường theo quy định pháp luật chỉ bù đắp được phần nào thiệt hại trên thực tế đã xảy ra đối với gia đình nạn nhân.
Bởi vậy, cơ quan điều tra sẽ nhanh chóng khởi tố vụ án, khởi tố bị can làm rõ hành vi, nhận thức, hậu quả để có căn cứ xử lý phù hợp với quy định của pháp luật thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.
Ngoài ra cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ số hàng hóa mà đối tượng vận chuyển? nếu có căn cứ cho thấy có hành vi vận chuyển trái phép hàng cấm hoặc mua bán hàng cấm thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh có liên quan.
Với đối tượng còn lại trên xe có hành vi như thế nào cũng là vấn đề cần làm rõ. Đối tượng đó có giúp sức, chủ mưu hoặc có xúi giục đối tượng lái xe thực hiện hành vi phạm tội hay không; Có liên quan đến số hàng hóa nêu trên hay không? Cơ quan chức năng sẽ làm rõ để xử lý theo quy định pháp luật.
“Trước tình trạng hành vi chống người thi hành công vụ có xu hướng gia tăng, nhiều đối tượng côn đồ, manh động chống trả quyết liệt, nhiều vụ việc gây thương tích và gây thiệt mạng cho người thi hành công vụ... những vụ việc như thế hoàn toàn có thể xét xử rút gọn, nhanh chóng khởi tố, điều tra và có thể xét xử lưu động để làm công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, nhận thức, trách nhiệm pháp luật của người dân, tránh những vụ việc tương tự có thể xảy ra”, luật sư Đặng Văn Cường kiến nghị.