Xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao trí tuệ, hiện đại, sáng tạo
Lắng nghe nhà ngoại giao Phạm Sanh Châu, PGS Nguyễn Lân Hiếu tâm tình với tuổi 16 |
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn |
Hội nghị Đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng dự kiến diễn ra vào ngày 14/12, tại Thủ đô Hà Nội. Nhân dịp hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về những đóng góp của ngành Ngoại giao vào thành tựu chung của đối ngoại Việt Nam thời gian qua cũng như đối với sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
- Nhìn lại chiều dài lịch sử cách mạng nước ta, xin Bộ trưởng cho biết ngành Ngoại giao đã đóng góp như thế nào vào thành tựu chung của đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới?
- Ngành Ngoại giao có truyền thống rất đáng tự hào, được Đảng và Bác Hồ trực tiếp rèn luyện ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng; Là một trong những mặt trận chiến lược luôn ở tuyến đầu tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, rộng rãi của Nhân dân thế giới đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới, ngành Ngoại giao cùng với các cơ quan, lực lượng đối ngoại đã đạt những thành tựu quan trọng, để lại nhiều dấu ấn nổi bật về đối ngoại, góp phần vào xây dựng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như hiện nay.
Một là, thông qua thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, ngành Ngoại giao đã khơi thông, mở rộng và đưa quan hệ với nhiều đối tác ngày càng đi vào chiều sâu. Trên cơ sở đó, từ phá thế bị bao vây, cấm vận, chúng ta đã tạo dựng và củng cố ngày càng vững chắc cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho công cuộc đổi mới đất nước. Đến nay, nước ta có quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia, quan hệ kinh tế - thương mại với hơn 230 nước và vùng lãnh thổ, có quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với 30 quốc gia.
Hai là, tranh thủ môi trường quốc tế thuận lợi để huy động được các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ngành Ngoại giao đã tham mưu cho Đảng và Nhà nước chủ trương tham gia nhiều liên kết kinh tế quốc tế; Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan thúc đẩy đàm phán và đến nay đã ký 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới. Cùng với các cấp, ngành đẩy mạnh xúc tiến, nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại, nhất là mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ODA, du lịch… Công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã huy động nguồn lực to lớn của kiều bào ta cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thông qua đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao y tế, ngoại giao vắc xin, đã tranh thủ sự hỗ trợ kịp thời của quốc tế về vắc xin, thiết bị y tế và thuốc điều trị, góp phần quan trọng vào phòng, chống và thích ứng an toàn với dịch COVID-19.
Ba là, trong thời bình, ngoại giao đã đi đầu tạo lập và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, đồng thời cùng lực lượng quốc phòng, an ninh và các cấp, ngành bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Ngành Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương liên quan nỗ lực đàm phán, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển với các nước láng giềng; bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bốn là, chủ động, tích cực đẩy mạnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, nhờ đó không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của nước ta. Chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn và hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Chủ tịch luân phiên ASEAN, chủ nhà Hội nghị cấp cao ASEM, Hội nghị thượng đỉnh APEC, Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên… Ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại đã quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Việt Nam giàu bản sắc đang đổi mới thành công, vận động UNESCO công nhận nhiều di sản của đất nước là di sản văn hóa thế giới, qua đó vừa góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
- Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra tầm nhìn, mục tiêu, phương hướng phát triển đất nước đến giữa thế XXI. Xin Bộ trưởng cho biết ngành Ngoại giao sẽ làm gì để tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới?
- Với thế và lực mới sau 35 năm đổi mới, nước ta đang ra sức phấn đấu với ý chí, quyết tâm cao thực hiện khát vọng, tầm nhìn, mục tiêu phát triển đất nước theo đường lối Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Cùng cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, ngành Ngoại giao với tư cách là lực lượng chủ lực và xung kích trên mặt trận đối ngoại tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, tổ chức quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong toàn ngành Ngoại giao. Ngay sau Hội nghị đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021, ngành Ngoại giao sẽ tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 và Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 20 để quán triệt tinh thần, nội dung Nghị quyết Đại hội XIII và các kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc tới toàn ngành Ngoại giao cũng như tới các cơ quan đối ngoại, ngoại vụ ở các địa phương.
Trên cơ sở đó, với tinh thần trách nhiệm cao và phát huy trí tuệ tập thể, ngành Ngoại giao sẽ đề ra kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ, biện pháp cụ thể, thiết thực về triển khai công tác đối ngoại nhằm góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thứ hai, triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, ổn định đi đôi kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế đất nước; Tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối ngoại; Trong đó, trọng tâm là với các nước láng giềng, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương quan trọng như ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Kông…
Thứ ba, kết hợp chặt chẽ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân; Tranh thủ tối đa các yếu tố quốc tế thuận lợi, các cam kết, thỏa thuận quốc tế, FTA đã ký, nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài, kết hợp hiệu quả với các nguồn lực trong nước để phục vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước. Trước mắt, ngành Ngoại giao cùng các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế trong phòng, chống dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ tư, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa ngoại giao với đối ngoại đảng, đối ngoại Nhân dân, đối ngoại quốc phòng, an ninh và kinh tế - xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại.
Thứ năm, để thực hiện thắng lợi các định hướng, nhiệm vụ đối ngoại mà Đảng, Nhà nước giao trong giai đoạn tới, cần quyết tâm xây dựng ngành Ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh. Trong đó, điều cốt yếu là xây dựng lực lượng cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức và trí tuệ, hiện đại, chuyên nghiệp về phong cách, phương pháp làm việc, có tinh thần đổi mới, sáng tạo, có trình độ đạt tới tầm khu vực và quốc tế.
- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!