Xây dựng nền báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại
Báo chí khơi dậy mạnh mẽ khát vọng cao đẹp vì một Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc |
Báo chí, xuất bản phát huy quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, không gian văn hóa |
Khẳng định vai trò của báo chí và tổ chức Hội
Thông báo nêu rõ, sau khi nghe báo cáo của Hội Nhà báo Việt Nam, phát biểu của đại biểu dự họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận, báo chí là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, Nhà nước; Là phương tiện thông tin thiết yếu, “món ăn” tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của người dân.
Hội Nhà báo Việt Nam có vai trò quan trọng trong đoàn kết, tập hợp, nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nghiệp vụ, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội.
Trong suốt 73 năm xây dựng và trưởng thành (21/4/1950 - 21/4/2023), Hội Nhà báo Việt Nam đã không ngừng phát triển về tổ chức và lực lượng, trưởng thành về mọi mặt, có nhiều đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc; Luôn bám sát đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của Hội để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam ngày 13/6/2023 |
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, báo chí đã thể hiện vai trò quan trọng, tạo đồng thuận, chia sẻ trong Nhân dân về các biện pháp chống dịch, tiêm chủng; Đồng cảm, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn do dịch bệnh.
Báo chí kịp thời phản ánh hiện thực sinh động của cuộc sống, những thành tựu, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc; Những điểm sáng về tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống; Tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, khơi dậy niềm tin trong Nhân dân.
Tuy nhiên, hoạt động báo chí vẫn còn tồn tại, hạn chế ở một số cơ quan báo chí và người làm báo; Vẫn còn tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp; Có biểu hiện “tư nhân hóa báo chí”; Nội dung bạo lực, chạy theo thị trường, thiếu tính định hướng, thiếu tính giáo dục và nhân văn; Vấn đề tin giả, tin sai sự thật chưa giảm.
Thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí
Thủ tướng Phạm Minh Chính kết luận, thời gian tới, để báo chí Việt Nam thực sự cách mạng, chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại, Hội Nhà báo Việt Nam cần tiếp tục phát huy vai trò quan trọng của mình, cùng với các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Đó là đẩy mạnh hoạt động tập hợp lực lượng, xây dựng đội ngũ những người làm báo, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao, rèn luyện phẩm chất chính trị, tư tưởng, năng lực, trình độ chuyên môn cho hội viên để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự Nshân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại” như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.
Các đại biểu tham dự chương trình làm việc của Thủ tướng Chính phủ với Hội Nhà báo Việt Nam |
Hội chung sức, đồng lòng tập trung xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, hiểu biết về khoa học và công nghệ; Chấn chỉnh những “lệch chuẩn” về đạo đức nghề nghiệp; Giữ vững “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí.
Tổ chức Hội bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của hội viên trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm, nhất là việc lợi dụng báo chí để đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và lợi ích của Nhân dân.
Hội Nhà báo tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả mục tiêu xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Báo chí phải đồng hành cùng dân tộc, làm tốt hơn nữa chức năng định hướng tư tưởng, là vũ khí sắc bén bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; Bám sát các nhiệm vụ chính trị của đất nước, cơ quan, địa phương, đơn vị để phản ánh, nhất là 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược.
Các cơ quan báo chí, các cấp Hội Nhà báo cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; Tăng cường thông tin xây dựng, phản biện xã hội để đưa đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, “đưa ý Đảng đến gần dân hơn”; Tập trung phát hiện những vấn đề nóng, nhạy cảm, mới xuất hiện, các nút thắt, điểm nghẽn; Đi vào định hướng, gợi mở giải pháp tháo gỡ những vấn đề khó, phức tạp trong nước và quốc tế.
Hội Nhà báo đẩy mạnh tuyên truyền về văn hóa tương xứng với tuyên truyền về kinh tế, chính trị, xã hội theo 6 nhiệm vụ và 4 nhóm giải pháp mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021; Tăng cường chất lượng các tác phẩm báo chí, bảo đảm tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, tác động mạnh cả về lý trí và cảm xúc của công chúng; Từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin vững chắc của Nhân dân với Đảng và Nhà nước.
Tiên phong chuyển đổi số gắn với kinh tế số
Báo chí phải đi đầu trong phát hiện, biểu dương những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, mô hình tiên tiến, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, tạo động lực, truyền cảm hứng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, xã hội.
Hình ảnh phóng viên báo chí tác nghiệp trong một sự kiện |
Báo chí phải làm tốt vai trò giám sát, phản biện; Cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, trung thực, minh bạch; Đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chân lý, lẽ phải, người lương thiện; Chống lại những suy nghĩ và hành động sai trái, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống; Tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Báo chí đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí truyền thông; Bám sát các xu hướng tất yếu trong báo chí, truyền thông thế giới để đổi mới và làm tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
Những người làm báo phải góp phần vào công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; Xây dựng cơ quan hành chính các cấp hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; Xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Đội ngũ phóng viên, nhà báo phải tăng cường bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp; Quán triệt, thực hiện nghiêm Luật Báo chí, 10 điều Quy định đạo đức người làm báo Việt Nam…
Hội Nhà báo Việt Nam cần chủ động thúc đẩy đổi mới sáng tạo về nội dung, cách làm truyền thông chính sách một cách chủ động, kịp thời, phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả định hướng thông tin, dư luận; Tổng kết giải báo chí quốc gia để đề xuất đổi mới, nâng tầm và nâng cao chất lượng giải thưởng.
Bố trí tài chính theo hướng đặt hàng, giao nhiệm vụ
Về tài chính cho các cơ quan báo chí hoạt động, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế để đảm bảo hoạt động của các cơ quan báo chí minh bạch, công khai, hiệu quả, nằm trong tổng thể chung của các cơ quan thuộc hệ thống chính trị. Trong đó, các cơ quan báo chí được bố trí tài chính theo hướng đặt hàng, giao nhiệm vụ, cân đối nguồn lực cho các hoạt động báo chí.
Tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan báo chí bằng cơ chế huy động hợp tác công - tư, huy động sức mạnh của xã hội trên cơ sở minh bạch, chống tham nhũng tiêu cực.
Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan liên quan hỗ trợ, xây dựng đảm bảo hạ tầng số cho các cơ quan báo chí, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Đây là nhiệm vụ quan trọng trong công tác chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số trong hoạt động báo chí nói riêng. Từ đó, báo chí là một trong những cơ quan tiên phong về chuyển đổi số của đất nước.
Với các đề xuất, kiến nghị của khác của Hội Nhà báo Việt Nam, Thủ tướng đã giao việc cụ thể cho các Bộ, ngành, cơ quan liên quan chủ trì, phối hợp giải quyết…