Y tế cơ sở, y tế dự phòng đóng góp quan trọng trong phòng, chống dịch COVID-19
Tại Nghị quyết này, Quốc hội đã nêu bật những thành tựu quan trọng của y tế cơ sở, y tế dự phòng trong giai đoạn 2018-2022.
Cụ thể, Nghị quyết nhấn mạnh, y tế cơ sở, y tế dự phòng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch, bệnh, nhất là dịch COVID-19.
Cán bộ y tế cơ sở thực hiện công tác khám chữa bệnh cho trẻ sơ sinh |
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng đã từng bước được hoàn thiện, phù hợp hơn với thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ. Y tế cơ sở, y tế dự phòng được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả.
Mạng lưới y tế cơ sở phát triển rộng khắp cả nước, 100% quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp huyện) có trung tâm y tế; 99,6% xã, phường, thị trấn có trạm y tế (sau đây gọi là trạm y tế xã); 97,3% trạm y tế xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020.
Nhân lực y tế cơ sở từng bước được củng cố, 92,4% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc; 78,9% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc cơ hữu; Số lượng nhân lực y tế có trình độ cao ngày càng tăng.
Mạng lưới y tế cơ sở với sự tham gia tích cực của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản, y tế trường học, trạm y tế quân dân y, các cơ sở y tế thuộc lực lượng vũ trang.
Cơ sở vật chất, thiết bị được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tiến với gần 80% trạm y tế xã được đầu tư kiên cố; Khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên, cơ bản thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao, mức độ hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế được cải thiện.
Hệ thống y tế dự phòng từng bước được củng cố, sắp xếp theo hướng tinh gọn.
Đến năm 2022, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trên cơ sở sáp nhập nhiều trung tâm thuộc lĩnh vực y tế dự phòng tuyến tỉnh.
Khoảng 90% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng; Nhiều dịch, bệnh nguy hiểm được khống chế, đẩy lùi (HIV/AIDS, sốt xuất huyết, SARS-CoV-2…), duy trì thành quả thanh toán, loại trừ một số bệnh (bại liệt, uốn ván sơ sinh, giun chỉ bạch huyết…), tiến tới loại trừ lao, phong, sốt rét.
Hiện Việt Nam đã tự chủ sản xuất được 9/11 loại vắc xin dùng trong Chương trình tiêm chủng mở rộng. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm ở mức dưới 20%, góp phần tiến tới thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về Phát triển bền vững đến năm 2030 (SDGs).
Nghị quyết cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả tích cực còn một số tồn tại, hạn chế như: Hệ thống pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng chưa đồng bộ, một số văn bản chậm được ban hành, sửa đổi; Hệ thống tổ chức còn thiếu ổn định, nhiều bất cập, hoạt động chưa thực sự hiệu quả; Mô hình quản lý trung tâm y tế cấp huyện chưa thống nhất, chưa phát huy tốt vai trò, lợi thế của y tế tư nhân và y dược cổ truyền...