10 môn được điều chỉnh, tinh giản nội dung dạy học
Các trường ưu tiên dạy học trực tuyến đối với nội dung mang tính lý thuyết Không dạy học trực tuyến đối với trẻ mầm non Dạy học trực tuyến có thể sẽ kéo dài ở Hà Nội |
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT đã có Công văn 3280/BGDĐT-GDTrH về việc hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học cấp THCS, THPT trong điều kiện dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Theo đó, 10 môn học sẽ điều chỉnh nội dung dạy học gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh Học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã chỉ đạo các cấp học rà roát điều chỉnh nội dung dạy học, đảm bảo chương trình nhưng tinh giản nội dung. |
Theo đó, nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình hiện hành, tích hợp một số nội dung thành các chủ đề, điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Cùng đó, không kiểm tra, đánh giá đối với những nội dung được hướng dẫn là không dạy, không thực hiện, không yêu cầu,...
“Năm học này, chúng tôi tiếp tục điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng thiết thực, giảm tải và tiến tới bỏ hẳn những nội dung rườm rà, thiếu hiệu quả, đảm bảo phù hợp với bối cảnh dịch bệnh" - ông Thành thông tin.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết, để đảm bảo chất lượng dạy và học, Bộ GD&ĐT đã có văn bản hướng dẫn dạy học trực tuyến trên internet và truyền hình. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tập huấn giáo viên về kỹ năng dạy học trực tuyến trên tinh thần khắc phục những hạn chế hiện nay.
Theo Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, tinh thần dạy và học hiện nay là các nhà trường tổ chức dạy trực tuyến theo cách tăng cường, giao cho học sinh tự học nhiều hơn. Thầy cô chuẩn bị bài, giao bài học sinh qua Zalo, thư điện tử, nhắn tin… Theo đó, khi học sinh vào học trực tuyến đã có sự chuẩn bị bài từ trước, đã đọc sách giáo khoa từ trước.
Lúc bấy giờ, giờ học trực tuyến chỉ là trao đổi, báo cáo, trả lời, giải đáp những vấn đề học sinh còn vướng mắc, giúp giảm thời gian ngồi trước màn hình tương tác online.
"Bộ trưởng Bộ GDĐT đã giao chúng tôi biên soạn tài liệu này, trong tuần này hoặc tuần tới, chúng tôi sẽ gửi các thầy cô để lan toả, tổ chức các giờ học trực tuyến nhẹ nhàng nhưng hiệu quả. Như vậy, thay vì ngồi trước màn hình thì học sinh có thể tự chủ trong giờ học" - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học thông tin.
PGS. TS Nguyễn Xuân Thành cũng kêu gọi các bậc cha mẹ học sinh tạo điều kiện quan trâm hỗ trợ học sinh để các em đảm bảo yêu cầu học tập trong bối cảnh dịch bệnh hết sức khó khăn. Trong trường hợp không có Internet, nhà trường, thầy cô có thể phát các tài liệu trên truyền hình hoặc sao chép vào USB, VCD để nhờ cộng đồng hỗ trợ, giúp các em tiếp cận với học liệu.
Chiều 8/9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc làm việc với Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học Việt Nam, đại diện các đài truyền hình, kênh truyền hình trung ương… bàn giải pháp đẩy mạnh dạy học trực tuyến, trên truyền hình trong tình hình dịch bệnh.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD&ĐT cần tiếp tục chú trọng giảm tải khi thiết kế các chương trình học trực tuyến, học trên truyền hình, nhất là ở bậc tiểu học theo hướng “học mà chơi, chơi mà học”; có hướng dẫn chi tiết việc tổ chức giờ giảng trực tuyến tránh hình thức, hời hợt hoặc quá căng thẳng; lồng ghép, tăng cường phổ biến kiến thức, kỹ năng cho các phụ huynh, đặc biệt là các kiến thức cơ bản về phòng chống dịch trong môi trường giáo dục và trong xã hội.
“Việc áp dụng phương thức dạy học trực tuyến hoặc trên truyền hình phải gắn với đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, đặc biệt là trong thi cử, nhất là các kỳ thi phục vụ cho việc chọn trường ở các lớp đầu cấp, để bảo đảm quyền lợi cho học sinh”, Phó Thủ tướng lưu ý.