2 ca tử vong do tự ý điều trị sốt xuất huyết
Thanh niên 17 tuổi ở Hà Nội vào Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốc, ngưng tim. Trước đó, bệnh nhân được truyền dịch tại nhà mặc dù đã được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết.
Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân 17 tuổi trong tình trạng sốc, ngưng tim do sốc được đưa vào viện cấp cứu. Bệnh nhân bị sốt xuất huyết khi đến bệnh viện đã ngừng tim 30 phút do sốc khi truyền dịch tại nhà.
Các bác sĩ đã cấp cứu, ép tim và tim bệnh nhân đã đập trở lại, sau đó lại ngừng tim lần 2.
Với nỗ lực cao nhất, các bác sĩ đã hồi sức tim cho bệnh nhân thành công và đặt ECMO (kỹ thuật tim phổi nhân tạo). Tuy nhiên, do tình trạng quá nặng, bệnh nhân đã tử vong 2 ngày sau đó do suy đa tạng.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân 57 tuổi, ở phố Nguyễn Thiện Thuật, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm. Trước khi đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, bệnh nhân đã bị sốt 5 ngày và tự mua thuốc về điều trị.
Đến ngày thứ 5 bệnh nhân mới nhập viện thì phát hiện sốt xuất huyết và suy gan thận. Các bác sĩ đã tiến hành lọc máu, hồi sức tích cực. Tuy nhiên, tình trạng bệnh nhân quá nặng nên không qua khỏi.
Hiện tại, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đang tiếp nhận và điều trị cho 5 bệnh nhân sốt xuất huyết nặng. Các bác sĩ cho biết, đây là mùa cao điểm nên người dân cần lưu ý phòng tránh muỗi đốt, dọn dẹp vệ sinh nơi ở không để phát sinh các ổ loăng quăng, bọ gậy.
Trung tâm Bệnh Nhiệt đới đang điều trị cho 5 trường hợp mắc sốt xuất huyết diễn biến nặng |
CDC Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục phối hợp Bệnh viện Bạch Mai điều tra thông tin chi tiết, kết quả xét nghiệm của bệnh nhân trong quá trình điều trị tại Bệnh viện. Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm đã khoanh vùng, tổ chức vệ sinh môi trường, phun hóa chất tại khu vực phố Nguyễn Thiện Thuật sáng 2/9/2020, diện khoanh vùng xử lý 59 hộ đồng thời tăng cường truyền thông phòng chống sốt xuất huyết cho nhân dân trên địa bàn.
PGS. TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng số mắc sốt xuất huyết cũng đang gia tăng, nguy cơ "dịch chồng dịch".
Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn.
Nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu...
Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.