An toàn giao thông cho học sinh bắt nguồn từ "xây" ý thức
Cũng từ đó dấy lên thực trạng về việc vi phạm Luật Giao thông đường bộ của học sinh, phụ huynh. Trong bối cảnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông được các đơn vị chức năng trên địa bàn TP Hà Nội đặc biệt chú trọng.
Học sinh chưa nghiêm túc chấp hành Luật Giao thông
Khác với quang cảnh vắng vẻ nơi đường phố của một năm về trước, khi Hà Nội thực hiện các chỉ thị giãn cách xã hội, học sinh học trực tuyến để phòng dịch COVID-19, những ngày tháng 9 của năm 2022, đường phố tấp nập người xe. Khung cảnh tắc đường vốn dĩ đã là “đặc sản” của Thủ đô lại quen thuộc trở lại mỗi giờ tan tầm.
Học sinh không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông |
Trong dòng người tham gia giao thông hối hả ấy, có không ít thuộc đối tượng học sinh sinh viên. Điều đáng nói, rất nhiều em chưa tuân thủ Luật Giao thông đường bộ với các lỗi vi phạm phổ biến như không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng, lái xe khi chưa đủ tuổi…
Sinh sống tại phố Kim Giang (quận Thanh Xuân, Hà Nội), bà Vương Thị Hà cho biết: Mỗi sáng vào giờ cao điểm, đoạn đường trước cửa nhà bà thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Đáng nói, rất nhiều học sinh tham gia giao thông bằng xe máy khi chưa đủ tuổi, đầu không đội mũ bảo hiểm nhưng cố tình lạng lách, đánh võng trên đường vô cùng nguy hiểm.
“Giờ cao điểm, ô tô, xe máy nối đuôi nhau thành hàng dài. Nhiều dòng xe buýt qua lại trong khi đường chật hẹp khiến cảnh chen chúc, lấn làn thường xuyên xảy ra. Chứng kiến nhiều học sinh không tuân thủ Luật Giao thông, nhiều phụ huynh chở con mà không cho con đội mũ bảo hiểm tôi thấy vô cùng lo ngại”, bà Hà chia sẻ.
Không chỉ trên con phố Kim Giang, ở nhiều con đường khác của Thủ đô, đặc biệt trước các cổng trường học, tình trạng ùn tắc, vi phạm Luật Giao thông đường bộ xảy ra ở các học sinh và cả phụ huynh khá phổ biến. Thực trạng này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, tai nạn giao thông.
Lộn xộn nhất là khi tiếng trống tan trường vang lên, học sinh ùa ra khu vực cổng trường; túm năm, tụm ba, người ngang, người dọc... gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông và chính các em. Cổng trường lại sát ngay mặt đường, giờ cao điểm rất nhiều phương tiện qua lại, các em vẫn vô tư thản nhiên dàn hàng ba, hàng bốn.
Cách đó không xa là ngã tư, nút giao thông có tín hiệu đèn xanh đỏ, hầu hết các em đều vi phạm, không chỉ những em sử dụng xe máy mà cả xe đạp điện, thậm chí cả xe đạp và đi bộ, học sinh không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, ngang nhiên vượt đèn đỏ, không sử dụng mũ bảo hiểm, xe máy chở 3, 4, lạng lách, đánh võng...
Xây dựng “văn hóa giao thông” từ ý thức
Trước thực trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ nơi cổng trường học, có thể nhận thấy, đối với học sinh, đặc biệt là học sinh THPT, việc tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ càng ý nghĩa và quan trọng.
Nhiều học sinh không đội mũ bảo hiểm đồng thời điều khiển xe khi chưa đủ tuổi tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông |
Theo quy định, công dân từ đủ 18 tuổi trở lên có đủ sức khỏe mới được sát hạch cấp giấy phép lái xe hạng A1 trở lên, qua đó mới được điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 50cc đến 175cc. Tuy nhiên, đa số học sinh bậc THPT chưa đủ 18 tuổi. Các em chỉ được điều khiển xe đạp điện, xe máy điện và xe máy dưới 50cc. Thực tế, nhiều em vẫn điều khiển mô tô đi học.
Giải thích về điều này, nhiều phụ huynh cũng như các em đều cho rằng do nhà xa, đường dốc khó đi, phải đi mô tô chứ xe đạp điện yếu không leo dốc được. Cha mẹ bận làm ăn nên buộc phải cho con tự điều khiển mô tô đi học để chủ động.
Một số em đi được, sẽ kéo theo hiệu hứng lan truyền dẫn đến nhiều em khác cũng đòi gia đình mua mô tô để bằng chúng bạn. Điều này không những các em vi phạm lỗi điều khiển xe khi chưa có giấy phép lái xe, mà còn có nguy cơ kèm theo những hệ lụy khác như tụ tập, lạng lách, đánh võng gây mất trật tự công cộng, thậm chí đua xe dẫn tới nguy cơ xảy ra tai nạn.
Việc đi xe bình thường không khó, nhưng xử lý những tình huống giao thông nguy hiểm, khẩn cấp, bất ngờ mới là điều đáng quan tâm. Các em điều khiển xe trên 50cc là vi phạm pháp luật. Hiện mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ theo Nghị định 100/2019 NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP là rất cao. Do vậy, cần phải tuyên truyền, giáo dục thường xuyên, liên tục cho các em theo phương châm mưa dầm thấm lâu, tiến đến xây dựng văn hóa giao thông.
Được biết, đầu tháng 9/2022, Đoàn Thanh niên Công an huyện Đông Anh cùng Đội Cảnh sát giao thông - Trật tự, Công an huyện Đông Anh phối hợp với Trường THPT Liên Hà tổ chức buổi tuyên truyền, giáo dục phổ biến Luật Giao thông đường bộ cho trên 1.400 học sinh, cán bộ giáo viên nhà trường trước khi vào năm học mới 2022-2023.
Tại buổi truyên truyền, báo cáo viên đã giới thiệu quy định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; đồng thời hướng dẫn học sinh nắm bắt các quy định để chấp hành hay các mức xử phạt khi vi phạm giao thông.
Qua buổi tuyên truyền, các em học sinh đã tiếp thu và cam kết với nhà trường chấp hành nghiêm túc quy định khi tham gia giao thông, tránh gây tai nạn, ùn tắc và không vi phạm giao thông.
Tại nhiều trường học trên địa bàn TP Hà Nội, trong tuần đầu sau lễ khai giảng năm học mới, các trường cũng tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, yêu cầu học sinh, phụ huynh ký cam kết chấp hành trật tự an toàn giao thông.
Ngoài việc phổ biến các quy định về an toàn giao thông đường bộ, các em học sinh cán bộ tuyên truyền giới thiệu một số biển báo giao thông, cung cấp các kiến thức về kỹ năng điều khiển phương tiện tham gia giao thông, qua đó các em được giao lưu, nắm vững thêm các kiến thức pháp luật để tham gia giao thông an toàn hơn.