Bà Rịa - Vũng Tàu trào dâng sức sống đón chào xuân mới
Hé lộ dự án nghỉ dưỡng mới của Sunshine Group tại Bà Rịa - Vũng Tàu SCG sẻ chia ánh sáng hy vọng hỗ trợ phẫu thuật đục thủy tinh thể cho bệnh nhân tại Bà Rịa - Vũng Tàu |
Nhìn lại một năm phục hồi và khởi sắc
Có lẽ, khó ai có thể quên được 2 năm vừa qua nền kinh tế cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19. Với sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, sự thích ứng năng động và linh hoạt của các doanh nghiệp, hoạt động sản xuất đã dần phục hồi.
Địa phương đã triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời các giải pháp thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả COVID-19. Nhờ đó, hoạt động kinh tế, xã hội tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều điểm sáng.
Cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong những cảng container tiên phong trong việc đón các tàu trọng tải lớn, được xếp vào nhóm cảng hàng đầu thế giới |
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 390.293 tỷ đồng, tăng 7,15% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn là 109.800 tỷ đồng, tăng 25,2% so cùng kỳ. Các ngành kinh tế tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng. Trong đó, một số hoạt động kinh tế đạt kết quả nổi bật như: Giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu khí tăng 10,47% so cùng kỳ.
Tăng trưởng mạnh mẽ nhất có lẽ phải kể đến các dịch vụ phục vụ du lịch. Các hoạt động thương mại đã cơ bản trở lại bình thường. Sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhu cầu đi lại, mua sắm, du lịch, lữ hành và các dịch vụ ăn uống tăng cao, góp phần thúc đẩy tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng trưởng mạnh; Tổng mức bán lẻ hàng hóa năm 2022 ước tăng 12,42%.
Hoạt động du lịch nhanh chóng khôi phục và có sự tăng trưởng rất mạnh so với năm 2021; Doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 127,94%; Doanh thu lữ hành tăng 137,37%. Dịch vụ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải là nhóm ngành có mức tăng trưởng thấp hơn trong nhóm ngành dịch vụ, với mức tăng 6,32% so với năm 2021, riêng dịch vụ cảng chỉ tăng 3,79%.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký quy đổi khoảng 2,07 tỷ USD. Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc với 1.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và 596 doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng của tỉnh đang được thực hiện theo đúng tiến độ yêu cầu như: Đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường 991B, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh, đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận, dự án nâng cấp cảng hàng không Côn Đảo… được tập trung triển khai thực hiện theo đúng tiến độ yêu cầu. Các hoạt động an sinh xã hội, tình hình quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định.
Bên cạnh đó, Bà Rịa - Vũng Tàu đã xóa hộ nghèo theo chuẩn quốc gia “về đích” sớm so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VII đề ra. Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng tiếp tục được chú trọng, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường niềm tin của Nhân dân.
Bà Rịa - Vũng Tàu nổi bật với tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch |
Song song với đó, các chính sách an sinh xã hội được chú trọng thực hiện, với các hoạt động chủ yếu: Thực hiện cho vay từ nguồn vốn giải quyết làm; tạo việc làm, giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp, đào tạo nghề… Năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80,6%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%.
Xây dựng trung tâm kinh tế biển quốc gia
Phát huy những thành quả đã đạt được trong năm 2022, xây dựng mục tiêu cho năm 2023, đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết tỉnh phối hợp chặt cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24 và xúc tiến đầu tư vào vùng Đông Nam Bộ.
Theo đó, Nghị quyết 24 nhấn mạnh phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao…
Để thực hiện được mục tiêu này, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục thu hút đầu tư các dự án phát triển công nghiệp hóa dầu, sản phẩm hạ nguồn của ngành công nghiệp hoá dầu; Triển khai các thủ tục để xúc tiến thành lập các tổ hợp công nghiệp, dịch vụ quy mô lớn… theo chủ trương tại Nghị quyết 24-NQ/TW…
Ngành công nghiệp Bà Rịa - Vũng Tàu bứt phá và phát triển bền vững (Ảnh minh họa) |
Bên cạnh đó, địa phương sẽ xây dựng Đề án nghiên cứu khả thi thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ và triển khai các nhiệm vụ để sớm hình thành khu thương mại tự do; Xây dựng Đề án tiếp tục phát triển, hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước và có tầm cỡ khu vực Châu Á và thế giới.
Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tập trung triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng để nâng cao năng lực hệ thống cảng Thị Vải - Cái Mép; Thực hiện Chiến lược phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; Trong đó tập trung vào các nội dung phát triển nguồn nhân lực du lịch; Định hướng thị trường du lịch; Quảng bá thương hiệu du lịch của tỉnh; Hoàn thiện thủ tục đầu tư các tuyến đường ven biển; Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện hiệp định thương mại tự do; Thực hiện các giải pháp bảo đảm dự trữ và cung cấp hàng hóa nhằm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, nhất là các hàng hóa thiết yếu.
Đồng thời trọng tâm của tỉnh sẽ tập trung hình thành “Khu thương mại tự do gắn với cảng biển nước sâu tại khu vực Cái Mép Hạ và phát triển Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế”.
“Với việc triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; Trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; Trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; Đồng thời là trung tâm công nghiệp của vùng, tiếp tục giữ vai trò là một địa phương có đóng góp lớn vào sự phát triển của đất nước”, đồng chí Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu kỳ vọng.