Ba tháng đầu năm, ca tử vong do bệnh dại tăng bất thường
3 tháng đầu năm đã có 27 ca tử vong do bệnh dại
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh dại trên vật nuôi trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh xảy ra 3 ổ dịch dại tại các xã Bản Thi, Đại Sảo (Chợ Đồn) và xã Đức Vân (Ngân Sơn), tổng số chó bị mắc bệnh và phải tiêu hủy là 20 con.
Mới đây, tại thôn Nà Ngà, xã Đại Sảo, huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn, xuất hiện chó dại cắn người và động vật. Con chó này đã bị người dân khống chế, bàn giao cho ngành chức năng để lấy mẫu, tiêu hủy theo quy định.
Kết quả xét nghiệm của ngành chuyên môn cho thấy, mẫu từ con chó nói trên dương tính với virút dại, UBND huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) đã công bố dịch bệnh dại trên động vật vào ngày 26/3.
Bé gái 5 tuổi (Hà Giang) bị chó cắn điều trị tại hoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương |
Theo thông tin từ Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, ngày 28/3 tiếp các bác sĩ đã nhận một bệnh nhi là bé gái H.A (5 tuổi, ở Hà Giang) bị chó cắn gây nhiều vết thương trên cơ thể.
Theo lời kể, khi bé đang chơi ở gần nhà thì bị con chó bất ngờ lao ra tấn công, cắn tới tấp vào vùng vai, cánh tay, mặt… Rất may là mọi người xung quanh nghe thấy trẻ kêu khóc đã chạy ra hỗ trợ kịp thời. Sau đó cháu bé được đưa ngay đến bệnh viện ở địa phương để sơ cấp cứu và tiêm huyết thanh, tiêm vaccine phòng dại rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương…
TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hơn 70 % các dịch bệnh nguy hiểm và mới nổi là các bệnh lây truyền từ động vật sang người hoặc có nguồn gốc gen từ bệnh của động vật. Việt Nam là một trong những điểm nóng về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người: A/H5N1, SARS, dại,than, dịch hạch, ký sinh trùng…
Trong đó có 14/45 bệnh truyền nhiễm phải báo cáo là bệnh lây truyền từ động vật, trong đó có 10 bệnh phải báo cáo trong vòng 24 giờ khi phát hiện ca bệnh.
Tại Việt Nam, xác định 5 bệnh lây truyền từ động vật sang người ưu tiên: Cúm gia cầm độc lực cao, dại, than, liên cầu lợn và xoắn khuẩn vàng da.
"Trong những năm qua, bệnh cúm gia cầm và bệnh dại thường xuyên xảy ra tại Việt Nam, trong đó bệnh dại một trong những bệnh truyền nhiễm lưu hành có số ca tử vong cao nhất"- TS Đức nói.
Cục trưởng Hoàng Minh Đức cho biết, trong năm 2023, cả nước ghi nhận 82 ca tử vong do bệnh dại. 30/63 tỉnh thành, phố ghi nhận ca bệnh dại, cao nhất vào các tháng 3, 4 và 8;
Phân bố theo khu vực thì miền Bắc có ca bệnh dại cao nhất (37,8%), tiếp đến là miền Nam và Tây Nguyên (24,4%), miền Trung (13,4%). Tuy nhiên tại khu vực miền Nam và Tây Nguyên gia tăng ca bệnh dại liên tiếp trong những năm gần đây. Tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi bị bệnh dại chiếm 34%.
Từ đầu năm 2024 đến nay, theo thống kê của Bộ Y tế, cả nước đã có16/63 tỉnh ghi nhận ca bệnh dại trên người, trong đó khu vực miền Trung ghi nhận số ca bệnh dại tử vong gia tăng đột biến, hiện đang cao nhất trên cả nước (10 ca); Khu vực Tây Nguyên và miền Nam vẫn tiếp tục gia tăng (trong đó, Đắk Lắk 4 ca, Long An 3 ca).
"100% số ca tử vong dại do không đi tiêm vaccine phòng dại, tiêm muộn hoặc không đúng chỉ định"- TS Hoàng Minh Đức thông tin và cho biết có đến 43,8% người dân chủ quan cho rằng chó nhà cắn tại thời điểm chó đang bình thường nên không đi tiêm vaccine phòng dại.
Chi tiêu 800 tỷ/năm cho vaccine và huyết thanh kháng dại cho người
Theo TS Hoàng Minh Đức, 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận hơn 143.000 người đi tiêm phòng dại. Trước đó, từ năm 2019-2023, trung bình ghi nhận từ hơn 387.000 - hơn 674.000 trường hợp điều trị dự phòng bệnh dại.
"Không chỉ là bệnh gây tử vong cao nhất mà bệnh dại cũng gây nên những thiệt hại về kinh tế khi tiêu tốn 800 tỷ/năm chỉ riêng cho vaccine và huyết thanh kháng dại cho người, chưa bao gồm gánh nặng chi phí vết thương và gián tiếp", TS Đức nói.
Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, TS Hoàng Minh Đức cũng nhắc đến việc người dân e ngại việc tiêm vaccine phòng dại có nhiều tác dụng phụ dẫn đến việc sử dụng các biện pháp điều trị không được Bộ Y tế công nhận.
"Dù cơ quan y tế đã nhiều lần khuyến cáo nhưng vẫn có đến hơn 16% người bị bệnh dại đã điều trị bằng thuốc nam. Một nguyên nhân nữa là 8,2% người bị chó cắn không có tiền để đi tiêm phòng dại, đặc biệt là hộ nghèo, người dân sinh sống vùng sâu, vùng xa (giá tiêm vaccine dại tương đối cao từ 1,2-1,5 triệu/ liệu trình)"- ông Đức nói
Thế nhưng cũng có một thực trạng nữa là tỷ lệ tiêm phòng trên đàn chó, mèo nuôi còn thấp dẫn đến gia tăng dịch bệnh trên động vật và tăng nguy cơ lây nhiễm sang người, có những địa phương ở khu vực Tây Nguyên chưa tiêm được 10% vaccine phòng dại cho chó mèo.
Trong khi công tác quản lý đàn chó, mèo còn hạn chế, nhiều địa phương vẫn để xảy ra tình trạng thả rông chó, mèo dẫn đến tăng nguy cơ tấn công con người. Những yếu tố này khiến cho nguy cơ lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người vẫn tiếp tục.
Để phòng bệnh dại, TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch đẩy mạnh công tác kiểm soát, ngăn ngừa và chuẩn bị tiêm phòng cho đàn chó mèo trên toàn thành phố với khoảng 426.000 con. Việc tiêm phòng dại cho chó, mèo tại Hà Nội sẽ được triển khai từ đầu tháng 4.
TP HCM hiện là TP duy nhất đạt chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại ở cấp tỉnh, với tỉ lệ tiêm phòng bệnh dại đạt khoảng trên 90% tổng đàn chó, mèo.