Bài 1: Kịp thời và đúng lúc
Đã đến lúc các gia đình phải thấu hiểu và rèn giũa từng thành viên làm theo các quy tắc để cải thiện và nâng cao cách ứng xử trong gia đình và ngoài xã hội…
Gia đình đóng vai trò rất lớn trong việc hình thành nhân cách mỗi con người. Từng bài học lặp đi lặp lại trong ứng xử suốt những năm tháng ấu thơ là cái mà ta mang ra ngoài xã hội để thể hiện mình; để được bồi đắp dần dần, tự sửa mình sau những va vấp, tác động lớn đến cách hành xử của chúng ta trong xã hội. Nói cách khác, lối ứng xử của chúng ta ngoài xã hội là tấm gương phản ánh những gì ta rèn luyện trong gia đình. Đề cao truyền thống văn hóa ứng xử trong gia đình là một việc làm kịp thời và đúng lúc của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Những hoạt động trọng tâm và ý nghĩa
Ngày hội Gia đình Việt Nam năm nay tập trung vào nhiều vấn đề nóng, trọng tâm và thiết thực với gia đình hiện đại.
Có thể kể đến chuyên đề “Lễ cưới truyền thống của các dân tộc Việt Nam” giới thiệu những nghi lễ độc đáo trong lễ cưới truyền thống các dân tộc vẫn lưu giữ cho đến ngày nay như: Hát Páo Dung, lễ buộc dây tơ hồng dân tộc Dao đỏ; lễ trao vòng cầu hôn của cô gái Ê đê đi hỏi chồng; lễ Tằng cẩu trong đán cưới của người Thái đen; các khâu chuẩn bị lễ cưới, trang phục, trang sức, vật dụng trong nhà, thiệp mời, giấy hôn thú, âm nhạc, ẩm thực… Qua đó khẳng định lễ cưới là một sinh hoạt văn hóa truyền thống, chứa đựng nhiều giá trị. Những phong tục này góp phần làm phong phú thêm những dòng chảy văn hóa của các tộc người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đám cưới là khởi nguồn cho một gia đình hạnh phúc, nơi các thành viên trong gia đình cùng sẻ chia, là điểm tựa yêu thương của mỗi người trong suốt cuộc đời.
Trong khi đó ở khu tưng bày chuyên đề “Bờ vai ấm áp” lại mang đến 20 câu chuyện cá nhân dung dị, xúc động về vai trò của người đàn ông trong gia đình. Người xưa vẫn coi đàn ông, người cha là “cái nóc” trong gia đình, đứng ở vị trí “quyền huynh thế phụ” để làm chuẩn mực cho con cái “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu”. Dưới chế độ phong kiến dường như người đàn ông chỉ là biểu tượng, thiếu đi sự vun vén, chăm lo cho hạnh phúc gia đình.
Triển lãm này cho thấy trong xã hội hiện đại, vai trò của người chồng, người cha ngoài là trụ cột gia đình còn có trách nhiệm, sẻ chia công việc và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, nó không đơn thuần là bổn phận và nghĩa vụ mà thực sự là sự tự nguyện xuất phát từ tình yêu thương bạn đời và hết lòng vì con cái.
Mục tiêu của triển lãm là tạo ra sự kết nối giữa triển lãm với ký ức cá nhân của người xem, tạo sự tương tác giúp họ nhìn nhận lại vai trò quan trọng của người đàn ông, của tình cha con. Từ đó, họ điều chỉnh hành vi để củng cố, phát triển tình cảm cha con, tình cảm gia đình và truyền đi thông điệp nhân tố tích cực trong giữ lửa gia đình hạnh phúc và trong hình thành nhân cách của con; tình yêu thương, đức hạnh và uy tín của người cha là di sản quý giá nhất của người con.
Những hoạt động thiết thực, trọng tâm và ý nghĩa của “Ngày hội Gia đình Việt Nam” 2019 với chủ đề “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình” |
Các hoạt động khác như trưng bày, giới thiệu các ấn phẩm về văn hóa ứng xử trong gia đình và bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; về chủ đề bảo vệ trẻ em; trưng bày tranh cổ động chủ đề “Trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống bạo lực, xân hại trẻ em”; hội thảo, hội thi, vinh danh gia đình có ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền… cũng đều tập trung vào “Giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa ứng xử tốt đẹp trong gia đình”.
Qua đó, Ban tổ chức Ngày hội Gia đình Việt Nam đề nghị các ban, ngành, đoàn thể và xã hội cùng tuyên truyền về ý nghĩa ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc bền vững.
Tiếp nối dòng chảy quý
Hoạt động này thực chất là để tiếp nối dòng chảy quý báu và mạnh mẽ của thiết chế gia đình Việt từ ngàn đời nay. Nếu mỗi cá nhân là tế bào của xã hội thì có thể ví mỗi gia đình là tế bào của thiết chế xã hội.
Trong mỗi gia đình cũng đều phải có “luật”, tức là tôn ti trật tự, quy tắc, gia phong riêng và “lệ” tức là những kĩ năng mềm để mọi người ứng xử với nhau vừa đủ phép tắc vừa có tình cảm. Nếu “luật” là những điều được đóng khung mang tính chất bất biến mà gia đình nào cũng mang màu sắc như nhau thì lối ứng xử lại mang tính chất “thiên biến vạn hóa” tạo nên đặc trưng riêng của mỗi gia đình.
Nếu trong gia đình mỗi người biết tôn ti trật tự trên dưới, tuân thủ gia quy, chấp hành mọi hình thức kỉ luật cũng như khen thưởng thì khi ra ngoài xã hội cũng sẽ trở thành những công dân mẫu mực. Ở trong gia đình, vợ chồng yêu thương đùm bọc nhau, biết trên kính dưới nhường, lắng nghe ý kiến của người khác thì khi đi học, đi làm cũng sẽ yêu mến, biết sẻ chia, giúp đỡ bạn bè đồng nghiệp.
Nếu các bạn trẻ ở nhà luôn lắng nghe lời dạy dỗ khuyên ngăn của ông bà, cha mẹ, làm tròn bổn phận với bản thân, với công việc chung thì khi lớn lên sẽ không bao giờ đẩy trách nhiệm cho người khác mà nhận phần tốt về mình, không cư xử một cách vô trách nhiệm nơi công cộng, chốn công sở.
Gia đình Việt Nam xưa nay vẫn nằm trong luồng văn hóa Á Đông, có nề nếp tôn ti làm cột kèo cứng khỏe nhưng lại có tình cảm mềm mại dẻo dai làm dây neo buộc. Chính hai điều đó kết hợp lại với nhau mới tạo thành văn hóa gia đình, giữ cho sự bền vững của gia đình trước mọi mưa gió của thời cuộc.
Gia đình dưới chế độ phong kiến coi trọng sự tuân thủ tôn ti còn gia đình hiện đại thì cần phải đề cao cả việc đóng góp, sẻ chia trên tinh thần tôn trọng, yêu thương lẫn nhau. Hay nói cách khác, thời hiện đại có rất nhiều nguy cơ đe dọa tới hạnh phúc gia đình, tới sự tồn tại của mô hình gia đình mà ứng xử văn hóa là một trong những điểm cốt lõi để chống chọi lại những “cơn bão” ấy.
Đồng thời, ứng xử chuẩn mực cũng là cách để xây dựng môi trường sống có văn hóa cho con cháu học tập và lớn lên, cho mỗi cá nhân được tiếp thêm năng lực khi trở về từ xã hội và cho mỗi mô hình ấy được nhân rộng trong cộng đồng để tạo nên khu phố văn hóa, thành phố văn hóa.
(Còn nữa)