eMag azine
29/05/2024 11:44
Bài 1: Lễ hội truyền thống – Nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa

29/05/2024 11:44

TTTĐ - Trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội, chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết, để biến “di sản” thành “tài sản” một cách hiệu quả.
Bài 1: Lễ hội truyền thống – Nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa

LTS: Thủ đô Hà Nội – nơi sở hữu hệ thống di tích lớn nhất cả nước với hơn 5.200 di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng và danh lam, thắng cảnh. Trong đó, Hà Nội có hơn 1.661 lễ hội – di sản văn hóa phi vật thể gắn với đời sống tâm linh, tinh thần của người dân. Đây chính là lợi thế, là nguồn lực để phát triển du lịch văn hóa của Thủ đô.

Với quan điểm khai thác mọi nguồn lực văn hóa để phát triển Thủ đô, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09 – NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Thực hiện Nghị quyết 09 - NQ/TU, nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã vào cuộc một cách quyết liệt và đồng bộ, tạo nên chuyển biến tích cực trong tư duy và nhận thức của người dân về việc bảo tồn, khai thác giá trị của các di sản văn hóa, trong đó có lễ hội truyền thống.

Loạt bài “Chuyển đổi số trong quản lý lễ hội ở Hà Nội: Hiệu quả từ tư duy đột phá và hành động quyết liệt” của Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ mang đến cho độc giả bức tranh toàn cảnh về công tác chuyển đổi số trong tổ chức, quản lý lễ hội thông qua những ghi nhận thực tế tại các quận, huyện của TP hiện nay, để từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm, tiếp tục nhân rộng mô hình hay, nhằm hiện thực hóa những mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết 09 - NQ/TU.

Bài 1: Lễ hội truyền thống – Nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa

Lễ hội là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể, không chỉ mang ý nghĩa thỏa mãn đời sống tinh thần, tâm linh của người dân mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Bởi vậy, trong giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số trong công tác tổ chức và quản lý lễ hội trở thành yêu cầu cấp thiết, để biến “di sản” thành “tài sản” một cách hiệu quả, từ đó đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô và đất nước.

Phát triển xã hội số, văn hóa số

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề ra 6 nhiệm vụ cần phải làm, trong đó có nội dung: Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Cụ thể hóa nhiệm vụ này, ngày 31/12/2021 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định 3611/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt ra mục tiêu phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số: "Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Bộ VHTTDL và hướng tới nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu đổi mới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội".

Bài 1: Lễ hội truyền thống – Nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa
Nét độc đáo của Lễ hội chùa Láng thu hút người dân và khách thập phương tham dự

Chương trình chuyển đổi số cũng hướng tới xây dựng xã hội số: "Xây dựng, phát triển văn hóa số, góp phần hình thành thế hệ công dân số cho tương lai". Đồng thời, chương trình đề ra mục tiêu thực hiện chuyển đổi số cho các lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa, hướng đến phát triển kinh tế số; Khẩn trương phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh.

Đặc biệt, trong lĩnh vực di sản, để bảo đảm hoàn thành các mục tiêu trong Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 2/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030, ngành văn hóa đã chỉ đạo sát sao việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa trên môi trường số.

Có thể thấy, 3 năm qua, nhiều hoạt động liên quan đến chuyển đổi số trong văn hóa được triển khai hiệu quả. Công nghệ mới được ứng dụng trong nhiều hoạt động, giúp người dân được tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm văn hóa.

Nâng tầm vị thế Thủ đô

Thủ tướng Chính phủ đã chọn Hà Nội để xây dựng thành phố thông minh, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho các dịch vụ, quản lý trên địa bàn, từng bước thực hiện việc giảm dần thanh toán bằng tiền mặt. Hiện nay, Hà Nội đang thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.

Ngày 30/12/2022, Thành uỷ Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết nêu rõ quan điểm thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy và hành động về thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh là trách nhiệm, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô “Văn hiến - văn minh - hiện đại”. Nghị quyết cũng xác định việc chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh là sử dụng hiệu quả nguồn lực, tài nguyên để thực hiện có hiệu quả đem lại cuộc sống tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng môi trường đô thị thông minh, hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Điều này cũng phù hợp với mục tiêu mà Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 15/5/2022 do Bộ Chính trị đã ban hành đã đưa ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề ra.

Bài 1: Lễ hội truyền thống – Nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa
Lãnh đạo Trung ương và TP Hà Nội tham dự Lễ hội Đền thờ Hai Bà Trưng tại Mê Linh (Hà Nội)

Mới đây nhất, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Một trong những mục tiêu được nhấn mạnh là công tác chỉ đạo cần gắn liền với Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17/3/2021 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025”; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/2/2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan trực thuộc Thành phố”, “Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”, thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo”, “Thành phố kết nối toàn cầu”, Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Hà Nội đã được xếp loại đô thị đặc biệt, chuyển đổi số cần được gắn chặt với xây dựng chính quyền đô thị theo hướng “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Việc Thành ủy Hà Nội ban hành hàng loạt chương trình, nghị quyết về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh… đã thể hiện mạnh mẽ quyết tâm vào cuộc của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong việc huy động nguồn lực của toàn xã hội để xây dựng thành phố thông minh, xứng tầm vị thế Thủ đô.

Bài 1: Lễ hội truyền thống – Nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa

Nghi thức bái yết trong Lễ hội Bát Tràng 2024

Khai thác tiềm năng lễ hội truyền thống

Là vùng đất ngàn năm văn hiến, Hà Nội sở hữu bề dày trầm tích văn hóa với những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, trong đó có những lễ hội dân gian truyền thống. Lễ hội không chỉ là thỏa mãn đời sống tinh thần, tâm linh của người dân mà còn là sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút lượng du khách lớn đến với Thủ đô.

Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Hà Nội có 1.661 lễ hội, là thành phố có số lượng lễ hội nhiều nhất cả nước. Các lễ hội ở Hà Nội vừa phong phú, đa dạng, vừa mang nét đặc trưng của lễ hội Việt Nam, vừa mang nét riêng, độc đáo. Một số lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội tứ trấn Thăng Long là đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Trấn Vũ, đền Kim Liên; Lễ hội Gióng Phù Đổng (Gia Lâm); Lễ hội đền Sóc Sơn (Sóc Sơn) thờ Thánh Gióng; Lễ hội Chử Đồng Tử (Gia Lâm); Lễ hội Gò Đống Đa, Lễ hội chùa Láng (quận Đống Đa),…

Bài 1: Lễ hội truyền thống – Nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa
Lễ hội truyền thống làng Công Đình (xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội)

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ với PV Tuổi trẻ Thủ đô: “Chúng ta vẫn hay nói là “Trống làng nào, làng ấy đánh/ Thánh làng nào, làng ấy thờ”, để thấy rằng, mỗi lễ hội đều có một nét đặc sắc riêng của địa phương đó. Trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển du lịch theo hướng “more local, more international”, tức là càng giữ được nét bản sắc, càng đặc trưng, càng dễ dàng lan tỏa ra thế giới. Vì thế, lễ hội – di sản văn hóa phi vật thể sẽ chính là sản phẩm độc đáo để tiếp thị với khách quốc tế, trở thành nguồn lực tốt để phát triển du lịch Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung”.

Bài 1: Lễ hội truyền thống – Nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa
PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội

Bên cạnh đó, là một sản phẩm của du lịch văn hóa nên nên lễ hội có vai trò quan trọng trong việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời, truyền tải mang thông điệp về hình ảnh của một Thủ đô văn minh, văn hiến và hiện đại đối với du khách quốc tế.

“Hà Nội đang tích cực xây dựng hình ảnh Thành phố sáng tạo, Thành phố toàn cầu thì công tác tổ chức, chuyển đổi số trong quản lý lễ hội càng cần được coi trọng. Tôi cho rằng, việc tổ chức các lễ hội truyền thống một cách chuyên nghiệp và thành công có thể tạo ra một hình ảnh tích cực Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, giúp tăng cường uy tín và thu hút sự quan tâm của khách ngoại quốc, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực văn hóa và du lịch, góp phần phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô” – PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Bài 1: Lễ hội truyền thống – Nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa

Khai mạc Lễ hội Bình Đà năm 2024 tại huyện Thanh Oai (Hà Nội)

Nội dung & Trình bày: Thái Sơn

(Còn nữa)


Bài viết liên quan loạt bài "Chuyển đổi số trong quản lý lễ hội ở Hà Nội: Hiệu quả từ tư duy đột phá và hành động quyết liệt":

Bài 2: Bước tiến trong đổi mới tư duy từ chính quyền cơ sở Bài 3: Người người, nhà nhà cùng... chuyển đổi số Bài 4: Thấy gì qua việc đổi mới quản lý lễ hội ở chùa Hương? Bài 5: Cần một chiến lược khai thác nguồn lực lễ hội

Xem bài 2 »

Thái Sơn