Ở mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024, công tác quản lý, tổ chức và quảng bá thông tin về lễ hội tại nhiều quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội đã có nhiều đổi mới tích cực. Nhiều mô hình về sự linh hoạt, sáng tạo để lễ hội trở thành “thỏi nam châm” hút du khách dịp đầu năm đã thể hiện tư duy đột phá về khai thác di sản để phát triển công nghiệp văn hóa của chính quyền địa phương.
Tháng Hai âm lịch, Xuân Giáp Thìn, hòa trong dòng người về tham dự lễ hội làng Bát Tràng, xã Bát Tràng (Gia Lâm – Hà Nội), tôi mới cảm nhận được câu người xưa nói: “Chuông làng nào làng ấy đánh, thánh làng nào làng ấy thờ”, ý chỉ về tục thờ cúng thành hoàng làng ở mỗi địa phương. Đó là một không khí tưng bừng, phấn khởi và tự hào của người dân Bát Tràng về nét đẹp văn hóa này của quê hương. Lễ hội làng Bát Tràng diễn ra hàng năm để tưởng nhớ công đức của vị thành hoàng làng và tôn vinh nghề gốm Bát Tràng. Anh Nguyễn Trung Thành, Phó chủ tịch HĐQT Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt cho hay: “Khi Ban Tổ chức hội làng được thành lập, việc đầu tiên chúng tôi nghĩ ngay đó là lập nhóm Zalo, trong đó bao gồm các thành viên từ thanh niên, phụ nữ, các cụ cao niên. Trong đó, vai trò của người trẻ được đề cao. Họ sẽ là người trợ giúp các cụ cao niên trong việc dùng điện thoại để thông tin thời gian họp, công tác tổ chức lễ hội cũng như vai trò, nhiệm vụ của các thành viên trong Ban Tổ chức. Bản thân anh Thành cũng là một người con của Bát Tràng đã đảm nhận vai trò là phụ trách truyền thông. “Chúng tôi chú trọng vào nhóm bạn trẻ, các diễn đàn, hội nhóm liên quan đến Bát Tràng trên kênh Facebook. Đặc biệt, chúng tôi tận dụng kênh doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm của Bát Tràng, đề nghị và hợp tác để họ đưa thông tin về lễ hội trên trang web và fanpage của doanh nghiệp, gắn với các tour du lịch Bát Tràng nên độ lan tỏa về lễ hội nhanh chưa từng thấy” – anh nhấn mạnh. |
Chia sẻ với phóng viên, ông Phạm Huy Khôi - Chủ tịch UBND xã Bát Tràng bày tỏ niềm tự hào: "Bát Tràng là một làng nghề cổ có tuổi đời gần 1.000 năm. Lễ hội làng Bát Tràng luôn có nét đặc sắc và độc đáo là lễ rước nước, lễ tam sinh. Dân làng đều hiểu rằng, đó chính là bản sắc riêng biệt, đặc trưng của riêng Bát Tràng. Chúng tôi cũng coi lễ hội là một sản phẩm du lịch độc đáo của làng. Vì thế, trước khi diễn ra, ngoài công tác chuẩn bị về nhân sự tham gia lễ rước, Ban Tổ chức còn tập trung vào công tác truyền thông, quảng bá lễ rước, di tích đình Bát Tràng, lễ hội cũng như sản phẩm của Bát Tràng trên các nền tảng mạng xã hội, huy động cả Nhân dân trong làng vào cuộc với tinh thần “mỗi người dân là một tuyên truyền viên”. Ngoài ra, trong dịp hội làng năm nay, Ban Tổ chức đã gắn nhiều hoạt động mới, đó là khai trương Tuần du lịch Bát Tràng và ra mắt Trung tâm Thiết kế sáng tạo, bảo tồn, phát triển gốm di sản quốc gia, thương mại và du lịch 1.000 năm Thăng Long tại xã Bát Tràng nhằm quảng bá nghề làm gốm truyền thống, thu hút đông đảo du khách đến với làng nghề. Đánh giá về lượng khách đến Bát Tràng năm nay, ông Khôi cho rằng, trong 3 ngày diễn ra lễ hội, Bát Tràng đã thu hút chừng 30.000 lượt khách tham quan, du lịch. “Con số này vượt xa mọi năm khiến Ban Tổ chức vô cùng phấn khởi. Thông qua lễ hội, Bát Tràng kì vọng tiếp tục quảng bá và thu hút du khách trong và ngoài nước; tạo sức lan tỏa từ “Điểm du lịch Bát Tràng” tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần vào phát triển công nghiệp văn hóa từ những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của địa phương” – Chủ tịch UBND xã Bát Tràng bày tỏ. |
Khách Tây thích thú trải nghiệm lễ hội
Ông bà Joe và Gayle Smithe từ Hoa Kỳ đã sang Việt Nam qua lời mời của một đối tác làm ăn. Cơ duyên này đã đưa ông bà đến làng Bát Tràng đúng vào dịp lễ hội diễn ra. Bà Gayle Smithe trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô: “Khi đến với làng gốm, chúng tôi đã được hòa mình vào không khí lễ hội truyền thống hàng năm của người dân Bát Tràng. Tôi không hề biết lễ hội và nghi thức truyền thống của người Việt lại tưng bừng và nhộn nhịp đến thế, khác rất nhiều so với các nước tôi từng đi. Tôi đã ngỏ ý mong muốn được cùng lên thuyền ra sông để thực hiện nghi thức lấy nước từ sông Hồng của dân làng, nhưng do tôi và anh Joe sơ ý mặc trang phục ngắn nên các vị trưởng lão đã hẹn tôi dịp khác. Được chứng kiến và trở thành một phần của lễ hội truyền thống làng gốm Bát Tràng quả thực là một vinh dự và trải nghiệm hiếm có đối với chúng tôi. Tôi tự hỏi, không biết các bạn đã làm thế nào để gìn giữ những truyền thống này qua cả nghìn năm mà vẫn giữ được trọn vẹn nét đặc sắc của nó. Tôi cho rằng, lựa chọn của Joe quả là sáng suốt khi đã dành thêm thời gian ở lại Việt Nam”. Ông Joe và bà Gayle Smithe thích thú khi hòa mình vào lễ hội Bát Tràng 2024 Còn bà Jodey Starr (Australia) cùng gia đình đã có một tháng dạo chơi ở Hà Nội và chọn Bát Tràng là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến đi. Ông Gavin Desmond, bạn của bà Jodey cho biết: “Đến với lễ hội đình làng Bát Tràng một cách rất tình cờ, bà Jodey và bạn bè đã bị... hoa mắt khi chứng kiến những chiếc kiệu, xa giá nhà Thánh “biết bay”. Chúng tôi cứ bàn luận sôi nổi về cách làm thế nào mà chiếc kiệu nặng lại chạy vun vút đến thế". Bà Jodey Starr thích thú bày tỏ: “Lễ hội này là “món quà của Chúa” đối với tôi. Tôi đã đi qua 33 nước trên thế giới và rất yêu thích tìm hiểu văn hóa từng vùng. Nhưng tôi khẳng định chưa ở nơi đâu có lễ hội vừa vui tươi, rực rỡ mà lại rất trang trọng, thành kính như ở Việt Nam. Tôi được đi hội chùa Hương và giờ là hội làng Bát Tràng, cả hai đều gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác với tôi”. Bà Jodey Starr, ông Gavin Desmond cùng hai người anh họ thích thú với tạo hình ông Thần Tài trong lễ hội và muốn mua trang phục này “Tôi cũng đã nghe giải thích về cách các bạn sử dụng màu sắc và trang trí cho lễ hội. Có vẻ như màu đỏ và vàng mang ý nghĩa linh thiêng, được sử dụng đan xen nhau tạo ra màu sắc rực rỡ cho lễ hội. Những loại cờ, phướn, ô, lọng hay những chiếc xe (kiệu) đều được trang trí vô cùng tỉ mỉ và kỳ công. Tôi rất thích hoa văn hoàng kim trên những chiếc xe đó”, bà Jodey nói. Không chỉ hòa mình vào lễ hội, những du khách Tây này còn có cơ hội tham quan bảo tàng gốm sứ, trải nghiệm không gian nghệ thuật độc đáo và tỏ ra vô cùng thích thú khi đến thăm Trung tâm Thiết kế sáng tạo, bảo tồn, phát triển gốm di sản quốc gia, thương mại và du lịch 1.000 năm Thăng Long tại xã Bát Tràng. |
TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục Quốc hội
Để công nghệ kể chuyện lịch sử Có thể thấy, nhờ thay đổi nhận thức và tư duy, sáng tạo, linh hoạt trong việc khai thác nguồn lực của các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, không chỉ Bát Tràng mà nhiều lễ hội truyền thống năm nay đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng du khách. Huyện Mê Linh (Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Đầu tháng 2/2024, thông tin về Lễ hội đền Hai Bà Trưng năm 2024 nhân kỷ niệm 1984 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt - đền Hai Bà Trưng phủ khắp mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok… Lễ hội ngoài các nghi thức truyền thống như rước kiệu, cúng tế, còn thu hút và được giới trẻ chào đón nhờ quảng bá thành công chương trình nghệ thuật trình diễn âm thanh, ánh sáng đặc sắc theo công nghệ hiện đại với tên gọi “Âm vang Mê Linh”. Ông Đào Mạnh Hùng, Trưởng ban Tuyên giáo huyện Mê Linh chia sẻ, Lễ hội năm nay có nhiều đổi mới mang tính chất đột phá. Điều này xuất phát từ chủ trương của huyện là xây dựng chương trình nghệ thuật gắn với lễ hội truyền thống, với kỳ vọng tạo ra sản phẩm văn hóa mới, sản phẩm du lịch đặc sắc, từ đó phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa của di tích, góp phần thúc đẩy văn hóa du lịch tâm linh trên địa bàn huyện. Đêm khai hội “Âm vang Mê Linh” có sự kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai, gợi nhiều sự liên tưởng, dễ dàng truyền tải nhiều thông điệp nội dung, đưa khán giả đến gần với dữ liệu lịch sử thời Hai Bà Trưng một cách tinh tế, hấp dẫn, hiệu quả. Khán giả đã có những trải nghiệm độc đáo trong một không gian của vùng đất Âu Lạc ở buổi đầu lập nước, giữ nước. Công nghệ 3D Mapping đã vẽ lại bức tranh oanh liệt thời đại Hai Bà Trưng bằng ánh sáng, mang đến cho người xem những trải nghiệm hình ảnh sống động, ấn tượng và đưa câu chuyện lịch sử “chạm đến mọi giác quan một cách chân thực nhất”. |
Màn khai hội Đền Hai Bà Trưng năm 2024 đặc sắc với chủ đề "Âm vang Mê Linh"
Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện Mê Linh Trần Mạnh Thắng vui mừng chia sẻ, từ thành công của chương trình “Âm vang Mê Linh”, lượng khách tới di tích đền Hai Bà Trưng đã tăng gấp 3 năm ngoái. Đây là một tín hiệu khởi sắc, cho thấy sức hấp dẫn của lễ hội này nhờ việc đổi mới công tác tổ chức. “Nếu như trước đây, công tác tổ chức lễ hội truyền thống tập trung nhiều vào nghi lễ thì giờ đây, chúng tôi hướng cả đến phần hội và ứng dụng công nghệ thông tin, hình thức truyền tải mới cho người dân và du khách. Việc tuyên truyền không chỉ tập trung trên Đài Phát thanh huyện mà qua nhiều hình thức số như nhóm Zalo của các tổ, thôn, xóm, Fanpage của huyện. Chúng tôi cũng phối hợp với các KOLs (người có ảnh hưởng) và làm việc cùng các Admin của một số Fanpage có lượng theo dõi đông đảo để cùng lan tỏa trên các nền tảng số như Facebook, Tiktok. Trước, trong và sau lễ hội, chúng tôi đều lên kế hoạch bài bản, nhắm trúng đối tượng trẻ thích ứng nhanh với công nghệ, nhờ đó, thông tin được lan truyền rộng rãi hơn nhiều so với phương thức cũ”, ông Thắng nhấn mạnh. |
Ấn tượng để lại đối với Nguyễn Tiến Cường, sinh viên năm cuối Trường Đại học Quốc gia Hà Nội khi anh có cơ hội tham dự lễ hội là “choáng”, “quy mô” và “đặc sắc”. Cường bày tỏ: “Tôi biết đến lễ hội Hai Bà Trưng qua Tiktok của một số bạn trẻ giới thiệu về công nghệ 3D Mapping ở chương trình khai mạc “Âm vang Mê Linh”. Cũng vì thế, tôi và bạn bè rủ nhau đi xem. Tới đây, tôi lại có cơ hội hiểu thêm về truyền thống lịch sử của dân tộc khi tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng. Tôi cho rằng, với người trẻ, không phải ai cũng hiểu về ý nghĩa của những lễ hội, vì thế, khi khai thác yếu tố công nghệ, làm mới lễ hội truyền thống chính là cách hút giới trẻ một cách nhanh nhất, ấn tượng nhất”. |
|
Không chỉ huyện Mê Linh, mà huyện Đông Anh năm nay cũng đã đổi mới công tác tổ chức lễ hội. Dịp kỷ niệm 1.085 năm Ngô Quyền xưng vương định đô vào 19/4, người dân Thủ đô và du khách đã thực sự mãn nhãn với hình ảnh Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa lung linh dưới công nghệ 3D Mapping kết hợp nghệ thuật thực cảnh. Chương trình nghệ thuật "Nam giang dậy sóng, Quốc thống xưng Vương" đã kể câu chuyện chiến thắng vang dội trên sông Bạch Đằng năm 938, mùa xuân Kỷ Hợi 939, Ngô Quyền xưng Vương, mở ra thời kỳ độc lập, tự chủ của dân tộc sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc. Ngô Vương đã chọn đóng đô tại Cổ Loa, đưa dân tộc ta bước vào thời kỳ xây dựng trên quy mô lớn và hoàn toàn tự chủ. Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng cho biết, đây là chương trình nghệ thuật bán thực cảnh, kết hợp công nghệ 3D Mapping lần đầu tiên được huyện tổ chức. "Hy vọng, chương trình thử nghiệm sẽ trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút khách thập phương đến với Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa; đồng thời, lễ kỷ niệm cũng sẽ diễn ra hàng năm vào ngày 12/3 (âm lịch) sau lễ Giỗ tổ Hùng Vương 10/3, nhằm ôn lại giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, tri ân người anh hùng có công đưa đất nước ra khỏi ách đô hộ, góp phần giáo dục, nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ" - ông nói. Chương trình nghệ thuật "Nam giang dậy sóng, Quốc thống xưng Vương" với công nghệ 3D Mapping kết hợp thực cảnh gây ấn tượng cho khán giả Thủ đô và du khách. Chứng kiến bước tiến mới trong công tác quản lý văn hóa nói chung, lễ hội nói riêng của TP Hà Nội, TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội nhận xét: “Những lễ hội truyền thống đã không đơn thuần là mang ý nghĩa tâm linh còn tạo ra giá trị kinh tế - xã hội từ việc thu hút du khách quốc tế. Công tác tổ chức ngày càng chuyên nghiệp, càng hiệu quả thì càng phát huy được giá trị của các lễ hội. Sự đổi mới và sáng tạo trong công tác quản lý văn hóa của các quận, huyện trên địa bàn TP Hà Nội rõ ràng không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà đã thực sự thổi luồng sinh khí mới cho đời sống tinh thần của người dân Thủ đô”. |
(Còn nữa) |
Thực hiện: Thái Sơn - Tùng Linh |
|