eMag azine
02/06/2024 07:00
Bài 5: Cần một chiến lược khai thác nguồn lực lễ hội

02/06/2024 07:00

TTTĐ - Với hơn 1.661 lễ hội, Thủ đô Hà Nội cần phải nghiên cứu và xây dựng chiến lược khai thác nguồn tài nguyên này một cách xứng tầm và hiệu quả.

Cần một chiến lược khai thác nguồn lực lễ hội

Có thể thấy, lễ hội truyền thống đã trở thành một loại hình du lịch văn hóa phát triển mạnh ở mỗi địa phương và ngày càng có sức thu hút đối với khách du lịch. Để biến di sản phi vật thể này thành “tài sản”, với hơn 1.661 lễ hội, Thủ đô Hà Nội cần phải nghiên cứu và xây dựng chiến lược khai thác nguồn tài nguyên này một cách xứng tầm và hiệu quả.

Đó cũng là quan điểm của GS.TS Từ Thị Loan – Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khi trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô về vấn đề trên.

PV: Thưa bà, bà nhận xét như thế nào về mùa lễ hội Xuân Giáp Thìn 2024 diễn ra trong cả nước?

GS.TS Từ Thị Loan: Tôi thấy mùa lễ hội năm nay, tình hình có vẻ ổn hơn so với mọi năm. Các lễ hội được chấn chỉnh, không có sự việc tiêu cực nổi lên. Trước COVID -19, dù trước mùa lễ hội, Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn, tổ chức lễ hội cho các địa phương sao cho an toàn, văn minh những vẫn diễn ra nhiều sự việc đáng tiếc.

Hai năm nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có những chấn chỉnh kịp thời nên Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn, Lễ hội Chém lợn ở Ném Thượng; Lễ hội đập đầu trâu ở Phú Thọ đã không còn cảnh phản cảm, thiếu văn minh. Ở Hội Gióng (Sóc Sơn), việc cướp lộc phản cảm giảm đi rất nhiều. Ở Phủ Giày (Nam Định) không còn hiện tượng vung tiền khi thanh đồng nhảy đồng mà thay vào đó là những phong bao, lì xì, khiến việc đi lễ không trở nên xô bồ; hiện tượng khấn thuê giảm dần. Hoặc, trước đây đốt vàng mã ở phủ, đền, chùa nhiều nhưng giờ nhờ tuyên truyền tốt nên việc thắp hương nghi ngút không còn.

Hơn nữa, do năm nay, bức tranh kinh tế không tươi sáng lắm nên các địa điểm không quá tải do lượng người đi ít hơn và không diễn ra tình hình đáng tiếc như mọi năm.

Bài 5: Cần một chiến lược khai thác nguồn lực lễ hội

PV: Bà có cảm nhận được những nét nổi trội, tích cực của những lễ hội truyền thống ở Hà Nội được tổ chức trong năm nay?

GS.TS Từ Thị Loan: Phải thấy rằng, các lễ hội ở Hà Nội gần đây có nhiều điểm tích cực, đổi mới trong công tác quản lý, tổ chức. Trước hết, có được bước tiến đó là nhờ chủ trương khai thác các di sản văn hóa, tận dụng thế mạnh du lịch văn hóa để phát triển công nghiệp văn hóa theo tinh thần của Nghị quyết 09 – NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” do Thành ủy Hà Nội ban hành.

Lễ hội truyền thống đã trở thành một loại hình du lịch văn hóa phát triển mạnh ở mỗi địa phương và ngày càng có sức thu hút đối với khách du lịch. Các lễ hội ở các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội được đầu tư nguồn lực, tổ chức bài bản, nghiêm túc hơn. Chính quyền địa phương đang cố gắng xây dựng thương hiệu cho lễ hội của làng, xã, tạo nên sắc thái riêng biệt, không na ná giống nhau mà khai thác bản sắc truyền thống.

Ví dụ: Lễ hội Gióng ở Đền Phù Đổng, Đền Sóc đều được UNESCO ghi danh vào Danh sách phi vật thể của nhân loại nên thu hút đông đảo du khách đến trải nghiệm bản sắc; Lễ hội chùa Hương kéo dài 3 tháng nhưng được tổ chức tốt, không còn các hoạt động phản cảm như tranh khách, chèn ép giá, treo thú rừng; vấn đề an ninh trật tự, hàng quán, vệ sinh môi trường sạch sẽ. Đặc biệt, là việc ứng dụng công nghệ soát vé điện tử, tổ chức lái đò trở nên quy củ, mang đến cảm giác hài lòng cho du khách.

Năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP về tổ chức quản lý lễ hội. Đặc biệt, năm 2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, trong đó có 9 tiêu chí cụ thể, bao gồm nội dung liên quan đến tổ chức các hoạt động dịch vụ, ứng xử văn hóa khi tham gia hoạt động lễ hội, công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, lễ hội; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội…

Cần một chiến lược khai thác nguồn lực lễ hội

Người dân làng Phù Đổng (Gia Lâm - Hà Nội) tham gia các nghi thức ở Hội Gióng 2024

Bên cạnh sự siết chặt, đôn đốc, thanh kiểm tra, giám sát các lễ hội của cơ quan chức năng, tôi thấy sự thay đổi nhận thức rõ ràng của chính quyền các địa phương. Nhận thức rõ sự “yếu thế” của các phương tiện truyền thông cũ trước không gian mạng, nhiều nơi đã có cách truyền thông, quảng bá rất hiện đại trên mạng xã hội. Những sản phẩm du lịch nào, lễ hội nào trở thành điểm sáng, có nhiều tích cực nhờ đó được nhân rộng nhanh. Ngược lại, nơi nào có yếu tố tiêu cực trong quản lý, tổ chức thì cũng dễ dàng bị lên án, cộng đồng phản hồi nhanh. Vì vậy, các ban quản lý lễ hội cũng phải nhanh chóng tiếp thu và thay đổi. Họ hiểu rằng, chỉ cần có tiêu cực xảy ra thì báo chí, mạng xã hội lan truyền cực nhanh.

Đặc biệt, một nét mới rất đáng ghi nhận là việc Nhân dân ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm, sử dụng dịch vụ ở không gian lễ hội, bằng cách quét mã QR, chuyển khoản ngày càng trở nên phổ biến. Điều này tạo nên cộng đồng văn minh, tiến bộ, giúp vấn đề quản lý văn hóa của Thủ đô theo kịp các nước phát triển.

Khi có mô hình nào đó tiện ích, văn minh thì các ban quản lý sẽ học hỏi nhau, đua nhau tạo nên cuộc cạnh tranh lành mạnh giữa các địa phương trong vấn đề tổ chức lễ hội để giữ thương hiệu, giữ chân khách thập phương.

Cần một chiến lược khai thác nguồn lực lễ hội

"Các lễ hội ở các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội được đầu tư nguồn lực, tổ chức bài bản, nghiêm túc, văn minh hơn. Chính quyền địa phương đang cố gắng xây dựng thương hiệu cho lễ hội của làng, xã, tạo nên sắc thái riêng biệt, không na ná giống nhau mà đi sâu khai thác bản sắc truyền thống".

-GS.TS Từ Thị Loan-

PV: Gần đây, nhiều địa phương đưa công nghệ 3D Mapping vào tổ chức các lễ hội. Bà có thể chia sẻ góc nhìn cá nhân về giải pháp “làm mới” những lễ hội này?

GS.TS Từ Thị Loan: Thực ra, hoạt động này ở phương Tây ứng dụng và phát triển lâu rồi. Giờ đây, nhiều quốc gia có quan điểm tổ chức lễ hội khác nhiều, không nhất thiết phải lặp lại nguyên xi cách tổ chức cũ mà họ lồng ghép các hoạt động cho phần hội thêm cuốn hút và phù hợp thời đại như laze, 3D mapping… Gần đây, ở Việt Nam, tại Lễ hội Tịch Điền ở Hà Nam, ban tổ chức đã đưa nghệ thuật Body painting trên thân trâu, khiến lễ hội trở nên hấp dẫn giới trẻ, đối tượng đông đảo và dễ tiếp nhận những điều mới mẻ, khiến lễ hội truyền thống trở nên sinh động, mang “hơi thở” mới. Tất nhiên, chúng ta không khuyến khích sáng tạo một cách thái quá nhưng nên có hoạt động mới để hấp dẫn tất cả các đối tượng khác nhau.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam:

"Cần có chiến lược cụ thể ..."

Việc phát triển công nghiệp văn hóa dựa trên khai thác tiềm năng du lịch văn hóa, di sản văn hóa là hướng đi đúng của TP Hà Nội. Lễ hội chính là một trong những loại hình di sản. Việc ứng dụng công nghệ vào quản lý, tổ chức một số lễ hội ở Hà Nội là một bước tiến mới. Song, về lâu dài, để hiệu quả, TP cần có chiến lược cụ thể về vấn đề này, từ việc số hóa, phát huy giá trị di tích nói chung đến lễ hội nói riêng với các sản phẩm du lịch văn hóa mang đặc trưng của vùng đất, tạo sức hút bền vững tới công chúng, du khách.

Đặc biệt, cần tuyên truyền mạnh mẽ tới nhiều đối tượng, bao gồm chính quyền địa phương; cộng đồng, chủ thể lễ hội; những đơn vị, doanh nghiệp tham gia vào lễ hội để tạo ra những sản phẩm văn hóa sinh lời, để lễ hội trở thành một phần của hệ sinh thái du lịch văn hóa.

Cần một chiến lược khai thác nguồn lực lễ hội

Lễ hội truyền thống làng Công Đình (xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm, Hà Nội) thu hút đông đảo mọi đối tượng người dân tham gia.

Tại Hà Nội, từ năm 2023, các địa phương quán triệt rất tốt việc khai thác di sản văn hóa như lễ hội, nghề thủ công truyền thống, ẩm thực… để thu hút khách du lịch, phát triển công nghiệp văn hóa. Nghị quyết 09-NQ/TU như một “cú hích” để chính quyền các quận, huyện thấy rằng, văn hóa không phải là ngành chỉ tiêu tiền mà còn kiếm ra tiền rất văn minh mà không phải to tát, đao to búa lớn.

Thực tế, các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, thiết kế... thì cần đến nhân lực là đội ngũ sáng tạo được đào tạo bài bản, nhưng đối với lễ hội truyền thống thì lại dễ dàng thu hút cả cộng đồng tham gia. Người dân, chủ thể của lễ hội vừa hưởng lợi từ hoạt động dịch vụ (bán hàng hóa, kinh doanh trò chơi, giải trí, dịch vụ lưu trú, bán đặc sản) nhưng đồng thời lại cũng là người tham gia vào lễ hội, tạo nên một hệ sinh thái hấp dẫn, kích thích lẫn nhau phát triển.

PV: Vậy GS thấy còn những hạn chế nào trong cách tổ chức, quản lý lễ hội ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung mà chúng ta phải khắc phục trong thời gian tới?

GS.TS Từ Thị Loan: Tôi thấy, nhiều nơi cũng học hỏi lẫn nhau, cố gắng “hoành tráng hóa”, “sân khấu hóa” quá. Ở một số lễ hội, các ban quản lý thuê diễn viên để đóng làm thánh, hay đọc tế, đọc cáo... hoặc thuê diễn viên đoàn tuồng, chèo… để làm lễ rước.

Đành rằng, chúng ta cố gắng tổ chức lễ hội một cách chuyên nghiệp nhưng cần “gạn đục, khơi trong”, chứ “chuyên nghiệp hóa” kiểu đó thì không ổn.

Bài 5: Cần một chiến lược khai thác nguồn lực lễ hội
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tham dự khai mạc Lễ hội Bình Đà Xuân Giáp Thìn 2024 tại huyện Thanh Oai.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

“Việc số hóa lễ hội đã được định hướng cụ thể trong Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam đoạn 2021-2030 do Thủ tướng ban hành theo Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 2/12/2021; Chương trình Chuyển đổi số của Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành ngày 31/12/2021.

Để triển khai thì cần người thực hiện, duy trì hoạt động, cập nhật, quảng bá lễ hội. Con người là chìa khóa để thành công cho việc số hóa lễ hội, di tích nhưng hiện nay, vấn đề nhân lực số hóa rất hạn chế, đặc biệt ở cấp xã, phường. Tiếp theo, một vấn đề mà các địa phương vấp phải, đó là khó khăn về kinh phí, bởi đầu tư cho công nghệ là phải ngốn tiền. Tuy nhiên, rõ ràng chúng ta thấy, mùa lễ hội vừa qua, một số nơi làm rất tốt như Mê Linh, Tây Hồ… thu hút khách du lịch vừa xúc tiến du lịch, tạo ra nguồn thu cho ngân sách địa phương lại vừa quảng bá được văn hóa. Vì thế, vấn đề đặt ra ở đây chính là giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ chuyển đổi số.

(TS. Bùi Quang Hưng - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Vũ trụ Hàng Không (Đại học Quốc gia Hà Nội)

Theo tôi, những lễ hội của cộng đồng thì phải để cộng đồng thực hành, ngoại trừ lễ hội mang tầm quốc gia như Lễ hội Đền Hùng thì để quan chức nhà nước đứng ra cầm trịch, chứ còn lễ hội ở làng, xã thì nên để các cụ cao niên trong ban khánh tiết đọc tế, đọc cáo... Người dân khi được tham gia vào những nghi thức như rước, tế… còn thể hiện một nhu cầu gắn với đời sống tâm linh từ bao đời của cộng đồng làng xã.

Việc tổ chức lễ hội truyền thống hiệu quả, để lại ấn tượng sâu sắc không chỉ bảo tồn văn hoá, bản sắc vùng miền, phát triển du lịch bền vững mà còn kích thích sự phát triển kinh tế, xã hội, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách và Nhân dân địa phương; làm phong phú và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, tăng tính hấp dẫn đối với du khách.

Vì vậy, TP Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu, chọn lọc một số lễ hội văn hóa đặc trưng để nâng tầm thành lễ hội cấp thành phố gắn với phát triển du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá trước khi tổ chức cho Nhân dân biết, tạo thuận lợi cho các công ty lữ hành xây dựng kế hoạch chào bán tour cho du khách…

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Giải quyết bài toán công nghệ và nhân lực

Trước đây, khi quản lý thủ công, chúng tôi phải bố trí nhiều hơn, với 10 cửa kiểm soát vé, thì cần tới 60 người. Nhưng hiện tại, khi ứng dụng kiểm soát vé điện tử, chúng tôi giảm được 20% số lượng người so với trước.

Có điều, đầu tư cho công nghệ thì bắt buộc phải tốn kém kinh phí. Chúng tôi đã đầu tư lần đầu khoảng 3 tỷ cho hệ thống kiểm soát vé ứng dụng quét mã QR, nếu in vé thủ công sẽ rẻ hơn bây giờ.

Nhưng cái khó là, huyện Mỹ Đức là vùng trũng, nên mùa nước, nước dâng cao, các thiết bị này sẽ phải tháo ra để tránh ngập, phải bảo quản máy móc ở chế độ khô ráo. Hơn nữa, đặc thù mùa lễ hội chùa Hương chỉ diễn tra trong 3 tháng, suốt 9 tháng còn lại, máy móc gần như để không, thiết bị điện tử không sử dụng sẽ rất dễ hỏng hóc. Vì thế, chúng tôi cần thêm người giỏi về công nghệ, đặc biệt là hạ tầng viễn thông phải tốt, phải được nâng cấp, bảo dưỡng vì sợ nhất là mạng không có thì ứng dụng công nghệ trong kiểm soát vé sẽ kém hiệu quả.

Thêm nữa, để khai thác hiệu quả lễ hội chùa Hương, theo tôi, cần phải có quy hoạch, chiến lược mang tầm nhìn. Chúng ta có thể phân khu riêng biệt; khu nào để phục vụ bà con Nhân dân bán hàng, khu nào để du khách vào riêng, sẽ có những khu vực nhà chờ, hoặc kiểm soát vé như sân bay, chắc chắn du khách sẽ thấy đảm bảo hơn, văn minh hơn. Trong quần thể Hương Sơn có 21 di tích, làm thế nào để liên kết các điểm di tích này một cách hiệu quả, để du khách cũng là vấn đề cần tính đến trong quy hoạch.

(Ông Nguyễn Bá Hiển - Trưởng BQL Di tích và thắng cảnh Hương Sơn)

Cần một chiến lược khai thác nguồn lực lễ hội

Bà Trần Thị Vân Anh – Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội:

"Cần đa dạng cách thức tuyên truyền, tổ chức, quản lý lễ hội"

Ngay từ đầu năm 2024, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tăng cường công tác quản lý, bảo đảm trật tự an toàn xã hội mùa lễ hội dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Trong năm 2024, khoảng hơn 400 lễ hội đã được tổ chức tại các quận, huyện, thị xã. Các lễ hội diễn ra đảm bảo vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm và an toàn.

Năm nay, các lễ hội có nhiều điểm mới, chẳng hạn như Lễ hội kỷ niệm 235 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa kéo dài 3 ngày; Lễ hội Gióng đền Sóc tổ chức khai mạc muộn hơn một tiếng; Lễ hội đền Hai Bà Trưng chuyển khai mạc sang buổi tối cùng chương trình bán thực cảnh có sử dụng công nghệ 3D mapping “Âm vang Mê Linh”.

Các quận, huyện, thị xã đã tuyên truyền trên hệ thống phát thanh truyền thanh cơ sở các văn bản của Nhà nước liên quan đến quản lý và tổ chức lễ hội; Số hoá, lắp đặt bảng có mã QR Code tuyên truyền giới thiệu về di tích, lễ hội, các nhân vật được thờ phụng, được thực hiện bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Hà Nội có gần 6.000 di tích lịch sử, hơn 1.600 lễ hội diễn ra quanh năm. Thành phố luôn xác định, đây là một trong những nguồn lực to lớn để thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô. Trong 13 lĩnh vực phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa được coi là mũi nhọn để giúp Hà Nội tăng trưởng nhanh trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều năm nay, với sự định hướng của thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội luôn đề nghị các địa phương phải nỗ lực phát huy, khai thác những tiềm năng văn hóa từ di sản, lễ hội để thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế địa phương.

Để tiếp tục khai thác tiềm năng lễ hội, phát triển công nghiệp văn hóa, các quận, huyện cần tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc, tính hấp dẫn, riêng có của lễ hội; chú trọng đa dạng cách thức tuyên truyền, tổ chức, quản lý, biến lễ hội thành những sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, mang đậm bản sắc để thu hút du khách, đồng thời, tạo ra không gian lễ hội an toàn, thân thiện, hiện đại và văn minh.


Bài viết liên quan loạt bài "Chuyển đổi số trong quản lý lễ hội ở Hà Nội: Hiệu quả từ tư duy đột phá và hành động quyết liệt":

Bài 1: Lễ hội truyền thống - Nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa Bài 2: Bước tiến trong đổi mới tư duy từ chính quyền cơ sở Bài 3: Người người, nhà nhà cùng... chuyển đổi số Bài 4: Thấy gì qua việc đổi mới quản lý lễ hội ở chùa Hương?

« Xem bài 4

Thái Sơn