Bài 1: Nỗi sợ của cô bé nhút nhát
Bài liên quan
Vén màn “hậu trường” ngành quản trị nhân lực
Đoàn học sinh Hà Nội đạt thành tích ấn tượng tại Kỳ thi Olympic Quốc tế Mát-xcơ-va
Giáo dục đạo đức là nền tảng cốt lõi trong công tác giáo dục
Ứng dụng CNTT kết nối, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường
Biến kỹ năng giảng dạy thành… nửa tỷ đồng
Hòa Bình: 15 đảng viên có con được nâng điểm bị đề nghị kỷ luật
Mấy ngày nay, gia đình chị Nguyễn Thị Nguyệt Hà (Đông Anh, Hà Nội) như ngồi trên đống lửa khi cô con gái học lớp 6 bỗng nhiên sợ đến trường. Chị Hà cho biết, nguyên nhân con sợ đi học là vì bị bạn bè chê béo...
Ở tuổi 11, so với các bạn đồng trang lứa, con gái chị Hà có ngoại hình phát triển vượt trội hơn hẳn. “Nếu trước đây, ở bậc tiểu học, mọi người khen con mũm mĩm, đáng yêu thì lên đến bậc trung học cơ sở, khi nhiều học sinh bắt đầu dậy thì, chú ý đến ngoại hình của mình hơn, con bỗng trở nên “lạc loài”. Tôi nhận ra điều này ở con ngay từ khi đưa con đi nhập học nhưng không nghĩ rằng nó lại có ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý của con như vậy”, chị Hà tâm sự.
Theo chia sẻ của người mẹ, chỉ sau vài ngày đến trường làm quen với bạn mới, con gái chị bỗng nhiên trở nên lầm lỳ, ít nói hơn hẳn. Con cũng thường xuyên bỏ bữa ăn, không giữ thói quen ăn uống như trước đây. Nghĩ rằng con mới làm quen với trường mới, bạn mới nên ban đầu có thể có những thay đổi trong suy nghĩ, tâm lý nên chị không chú ý nhiều. Tuy nhiên, sự việc bắt đầu trở nên nghiêm trọng khi mấy ngày liền, con chị kiên quyết không chịu đến trường.
“Sau rất nhiều lần bị mẹ gặng hỏi, đe nẹt, con mới chia sẻ đến lớp con bị bạn bè gọi là “béo”, là “lợn”. Không chỉ vậy, các bạn còn tỏ ra kỳ thị với ngoại hình xấu xí của con, không ai chơi với con nên con không muốn đi đâu, không muốn gặp ai”, chị Hà chia sẻ.
Đáng lưu ý, đây không chỉ là câu chuyện cá biệt của riêng mẹ con chị Hà mà học sinh đã rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Anh Nguyễn Văn Vĩnh (26 tuổi, Tây Sơn, Hà Nội) kể, khi còn học THPT, lớp anh có người bạn thân bị bỏng xăng từ nhỏ. Từ đó, chân cũng bị teo và gương mặt bị biến dạng. “Người bạn này sau đó trở thành tâm điểm của những lời trêu chọc, xúc phạm. Thay vì gọi tên, mọi người gọi cậu ấy là “thằng mặt sẹo”. Mặc cảm vì ngoại hình của mình, cậu bạn ấy luôn sống khép kín, né tránh giao tiếp với mọi người. Mọi hoạt động ngoại khóa của lớp, cậu ấy đều không tham gia, mất tự tin trong học tập... Sau này, ra đời, mình mới hiểu những hành động ấy là quá nhẫn tâm”, anh Vĩnh cho biết.
Đã từng là “nạn nhân” của những lời nói khiếm nhã từ bạn cùng lớp, Lê Diệu Hân (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Mình đã từng rất hoảng loạn khi nghe bạn bè nhận xét là “xấu đến cạn lời”, “xấu hết phần thiên hạ”, “tên với người khác nhau một trời một vực”. Ngoại hình là do cha mẹ cho, mình đâu có quyền được lựa chọn nên chỉ biết âm thầm chịu đựng. Số bạn bè của mình khi ấy chỉ vỏn vẹn có 2 người”.
Một nhóm giáo viên trường THPT Trần Khai Nguyên (Quận 5, TP Hồ Chí Minh) mới đây đã tiến hành khảo sát 500 học sinh THPT ở TP HCM về ảnh hưởng và tác động của body-shaming (sự xấu hổ, chán ghét cơ thể, miệt thị bản thân khi bị chê bai ngoại hình) trong cuộc sống của các em. Kết quả, có đến 56% học sinh gặp phải hành vi này. Trong đó, 22,4% học sinh bị rất thường xuyên, bị chê dáng, mặt, da, eo, mông, đùi, chân, tay, răng… nên chịu nhiều áp lực. Họ chỉ biết im lặng chịu đựng. Một số ít thì đánh lại người chế nhạo mình.
Tưởng rằng đơn giản chỉ là sự trêu đùa của lứa tuổi học trò nhưng sự ám ảnh, tự ti về ngoại hình cùng kỳ thị của bạn bè có tác động không nhỏ đến sự hình thành nhân cách, phát triển tâm lý của lứa tuổi học sinh.
Theo Thạc sỹ Tâm lý học Lê Thị Ánh Dương (Học viện Quản lý giáo dục), việc chê bai, xúc phạm người khác là thói quen không tốt, đặc biệt là khi nội dung liên quan đến ngoại hình, vốn là vấn đề khá nhạy cảm.
“Những lời nói nhẹ như tênh ấy nhưng như vết cắt rất sâu, làm thương tổn người bị nhận xét. Có người vì mặc cảm, vì bị bạn bè chê bai về ngoại hình như thế đã trở nên trầm cảm. Chưa kể còn gây ra nhiều hệ lụy khác như bị mất tự tin trong cuộc sống, cảm thấy chán chường, sợ gặp người khác, chỉ dám ở một mình... Tôi từng tiếp xúc với những nạn nhân của hiện tượng này. Một học sinh lớp 11 đã phải bỏ học nửa tháng trời và giam mình trong phòng vì bị bạn bè chê “hàm răng này hợp nạo dừa”. Hay có nữ sinh bị chê “xấu như vượn" khóc liên tục trong nhiều ngày. Mất một thời gian các em mới trở lại trạng thái tâm lý bình thường", bà Dương nói.
Cũng bày tỏ nỗi lo lắng về tình trạng bạo lực tâm lý có ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của con, chị Nguyễn Thị Nguyệt Hà – phụ huynh bày tỏ: “Những câu chuyện này chủ yếu xảy ra trong trường, trong lớp học nên từ góc độ gia đình, chúng tôi mong muốn thầy cô sát sao hơn để lắng nghe chia sẻ của học sinh, nắm bắt được tình hình trong lớp học để kịp thời có biện pháp hữu hiệu giúp các con không còn bị bạn bè trêu ghẹo, giễu cợt”…
(còn nữa)