eMag azine
18/10/2024 09:00
Bài 1: Quan điểm xuyên suốt

18/10/2024 09:00

TTTĐ - Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử.
Bài 1: Quan điểm xuyên suốt
Bài 1: Quan điểm xuyên suốt

Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử. Đặc biệt, Đảng luôn đề cao vai trò của lãnh đạo trẻ, xem đây là một trong những nhân tố quan trọng cho sự phát triển của cách mạng. Đảng luôn có những bước chuẩn bị từ sớm; bảo đảm sự thống nhất, xuyên suốt ngay từ chủ trương trong mỗi giai đoạn.

Nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, những năm qua, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt trong đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển cán bộ. Thực tiễn cho thấy, nhiều cán bộ trẻ, đảng viên trẻ sau khi được thử thách, rèn luyện đã trưởng thành hơn, phát huy được khả năng, trí tuệ, góp sức xây dựng Thủ đô ngày càng phát triển.

Bài 1: Quan điểm xuyên suốt

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề cán bộ và công tác cán bộ. Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát hiện, lựa chọn cán bộ là khâu đầu tiên và rất quan trọng. Đó là “khâu chọn giống” như là người làm vườn chọn giống cây, “nếu giống tốt ắt cây sẽ tốt”. Người chỉ dạy, việc lựa chọn cán bộ phải dựa theo các tiêu chí: Những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh; những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng... Khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo. Khi thi hành các nghị quyết kiên quyết, gan góc không sợ khó khăn; những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật.

Bài 1: Quan điểm xuyên suốt

Thực tế cho thấy, ngay từ khi Đảng ta được thành lập, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo Đảng đã được trao cho những cán bộ trẻ, đó là yêu cầu khách quan từ thực tiễn cách mạng. Nhiều đồng chí được tin tưởng giao trọng trách đảm đương cương vị lãnh đạo cấp cao của Đảng khi tuổi đời còn rất trẻ. Điển hình như các đồng chí: Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ được bầu làm Tổng Bí thư khi mới 26 tuổi; đồng chí Võ Nguyên Giáp là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ở tuổi 35 và được phong hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ở tuổi 37...

Tại Hà Nội, bác sỹ Trần Duy Hưng được Bác Hồ đến tận tư gia giao nhiệm vụ làm Chủ tịch TP Hà Nội khi ông mới 33 tuổi. Trong 24 năm trên cương vị này, ông đã để lại cho Thủ đô rất nhiều công trình ấn tượng thuộc lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Hay khi đất nước ta vừa giải phóng, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành chủ yếu trưởng thành từ quân đội, không phải ai cũng có chuyên môn đặc thù.

Những minh chứng sinh động trên đã khẳng định rõ nét vai trò của cán bộ trẻ trong sự nghiệp cách mạng. Đây cũng chính là những “hạt giống đỏ” được Đảng, Bác Hồ giáo dục từ thực tiễn cách mạng và thông qua thực tiễn cách mạng.

Bài 1: Quan điểm xuyên suốt
Tại các kỳ đại hội, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương trọng dụng cán bộ trẻ đủ tài, đủ đức.

Trải qua hơn 90 năm từ khi được thành lập và sắp qua 13 kỳ đại hội, Đảng ta luôn nhất quán chủ trương trọng dụng cán bộ trẻ. Đặc biệt, trước mỗi kỳ đại hội, chủ trương ấy được Trung ương hết sức coi trọng, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy các cấp chuẩn bị sâu kỹ; lựa chọn cẩn trọng và sàng lọc kỹ lưỡng để giới thiệu, quy hoạch cán bộ trẻ có đủ phẩm chất, năng lực vào cấp ủy nhiệm kỳ mới, đảm bảo luôn có sự kế thừa, kế tiếp, đổi mới và phát triển trong công tác cán bộ.

Tiếp nối, phát huy truyền thống trọng dụng cán bộ trẻ, Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đặt ra một trong những yêu cầu là: “Chú trọng phát hiện, giới thiệu tham gia cấp ủy những nhân tố mới có đức, có tài, có uy tín, có triển vọng thông qua hoạt động thực tiễn, nhất là cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số...”.

Quán triệt nghiêm túc Chỉ thị 35, công tác chuẩn bị nhân sự cấp ủy khóa mới, nhất là nhân sự bầu bí thư, phó bí thư được cấp ủy các cấp đặc biệt coi trọng và chỉ đạo chặt chẽ. Ban thường vụ cấp ủy các cấp đã chủ động rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Mục tiêu hướng đến là “trẻ hóa cấp ủy”, nâng cao chất lượng và phù hợp với nhu cầu sắp xếp, tinh giản bộ máy biên chế. Sau khi kết thúc đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025, qua thống kê cho thấy, ở các đảng bộ trực thuộc Trung ương, bí thư cấp ủy và cấp ủy viên từng bước được trẻ hóa. Theo đó, cấp ủy viên có độ tuổi từ 40 đến 50 tuổi chiếm 48,9% (nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 34,4%).

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xem việc nâng cao nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ mới. Từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác cán bộ, nhiều chương trình, đề án, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về cán bộ, công chức, lãnh đạo quản lý trẻ đã được ban hành.

Bài 1: Quan điểm xuyên suốt

Phát biểu khai mạc tọa đàm “Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ trẻ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới” do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Ban Bí thư Trung ương Đoàn tổ chức, Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn Đoàn Bùi Quang Huy nhấn mạnh, tính ở thời điểm tổ chức Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 – 2025, tổng số cán bộ trẻ tham gia cấp ủy cấp huyện và tương đương là 4.959/34.444 cấp ủy viên cấp huyện, đạt tỷ lệ 14,40%; cán bộ trẻ tham gia cấp ủy cấp tỉnh và tương đương là 179/2.669 cấp ủy viên cấp tỉnh, đạt tỷ lệ 6,71%.

Bài 1: Quan điểm xuyên suốt

Trong kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, tổng số cán bộ Đoàn, cán bộ trẻ trúng cử đại biểu Quốc hội là 48/499 đồng chí, đạt tỷ lệ 9,62% so với tổng số đại biểu Quốc hội trúng cử; tổng số cán bộ Đoàn, cán bộ trẻ trúng cử đại biểu Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh là 510/3.721 đồng chí, đạt tỷ lệ 13,71% so với tổng số Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh trúng cử. Tương tự, tỷ lệ này ở cấp huyện là 5.010/22.459 chiếm 22,22%; cấp xã là 88.190/239.752, đạt tỷ lệ 36,78%.

Theo anh Huy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ được quan tâm thực hiện từ Trung ương tới địa phương, đặc biệt chú trọng việc đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, từng bước thực hiện việc chuẩn hóa cán bộ theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước, góp phần đào tạo, bồi dưỡng, cung cấp nguồn cán bộ trẻ cho Đảng và hệ thống chính trị.

Bài 1: Quan điểm xuyên suốt

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, anh Huy cho rằng, công tác cán bộ Đoàn nói riêng và cán bộ trẻ nói chung vẫn còn những mặt chưa đáp ứng được yêu cầu công tác cán bộ trong thời kỳ mới. Tỉ lệ cán bộ trẻ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý còn ít; năng lực cán bộ trẻ chưa đồng đều; trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và khả năng làm việc trong môi trường quốc tế còn nhiều hạn chế. Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện... Một số khâu trong công tác cán bộ đối với cán bộ trẻ chưa được quan tâm chú trọng dẫn đến kết quả chưa đạt yêu cầu đề ra.

Mới đây, Bộ Nội vụ lần đầu tiên tổ chức cuộc thi sát hạch để tuyển chọn những cán bộ, công chức, viên chức tiêu biểu, nổi trội tham gia đề án thí điểm đào tạo, bồi dưỡng tạo nguồn cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp của bộ. Đây là lộ trình nhằm tạo nguồn, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ gắn với đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp giai đoạn 2023 - 2026, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của đề án thí điểm trên là tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đồng thời, gắn tạo nguồn cán bộ trẻ với đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Đề án với 2 giai đoạn thực hiện từ nay tới năm 2030. Ở giai đoạn 2 (2026 - 2030), mục tiêu của đề án, cán bộ sau khi tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng sẽ được đề xuất các cấp có thẩm quyền xem xét, bổ nhiệm giữ chức vụ cao hơn 1 bậc so với chức vụ hiện đang đảm nhiệm. Còn mục tiêu chung của đề án là bổ nhiệm khoảng 10% cán bộ trẻ (dưới 45 tuổi) giữ chức danh lãnh đạo, quản lý cấp vụ và tương đương.

Bài 1: Quan điểm xuyên suốt

Chia sẻ với phóng viên về đề án, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết: Công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, “then chốt của then chốt”. Việc chủ động tạo nguồn cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo trẻ đáp ứng được yêu cầu về phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ sẽ bảo đảm sự phát triển lâu dài, bền vững, sự kế thừa giữa các thế hệ cán bộ. Để thực hiện được điều này, không thể để tự thân mỗi cán bộ, công chức, viên chức mà cần có sự chuẩn bị từ phía cơ quan tổ chức, như vậy chúng ta sẽ gặt hái được thành công, lựa chọn được những cán bộ lãnh đạo trẻ các cấp chất lượng hơn và đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.

Căn cứ vào kết quả triển khai thực hiện, nếu hiệu quả tốt, chúng tôi sẽ đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng một đề án triển khai ở các bộ, ngành Trung ương và địa phương. Từ đó, sẽ hoàn thiện hệ thống pháp luật và có chiến lược lâu dài để xây dựng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ các cấp có phẩm chất, năng lực, có cơ cấu phù hợp, góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.

Trong thực tế, công tác cán bộ là một trong những nhiệm vụ hệ trọng, then chốt của then chốt. Vì vậy, tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ là khâu đột phá của công tác cán bộ nhằm bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ...

(còn nữa)


Bài viết liên quan loạt bài "Phát huy sức trẻ, tạo đột phá trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc":

Bài 2: Chưa được như kỳ vọng Bài 3: Ươm mầm "hạt giống đỏ" Bài 4: Gỡ "điểm nghẽn" tạo nguồn cán bộ trẻ cho Đảng nhiệm kỳ mới

Lam Dương – Phạm Mạnh

Bài 1: Quan điểm xuyên suốt

Xem bài 2 »

Phạm Mạnh Lam Dương