Nhà chính trị, quân sự, văn hóa, nhà thơ Nguyễn Trãi viết rằng: “Tuấn kiệt như sao buổi sớm. Nhân tài như lá mùa thu”. Buổi sớm, mặt trời lên thì sao lặn, chỉ lác đác vài ngôi sao lớn chưa kịp tắt. Mùa thu, đặc biệt là cuối thu thì lá cây rụng tơi bời, xao xác. Rất ít lá còn dùng dằng níu giữ không chịu lìa cành. Sao buổi sớm và lá mùa thu hiếm hoi như vậy và người hiền tài thời nào cũng thiếu vắng. Ở đời, phàm thứ gì hiếm thì bao giờ cũng quý gía.
Nhân tài là công dân tinh hoa, công dân tuấn kiệt. Không phải bỗng dưng mà có nhân tài! Thế hệ ngày nay, chắc nhiều người còn nhớ Thân Nhân Trung viết bài văn bia dựng ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám ghi lại khoa thi Đình đầu tiên dưới thời Lê có câu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và ngày càng lớn, nguyên khí suy thì nước yếu và ngày càng xuống cấp”. Nhân tài được sinh ra bởi hội tụ khí linh của trời hồn thiêng của đất, là kết tinh tinh hoa dân tộc. Bất cứ quốc gia phát triển và văn minh nào cũng trọng dụng tài năng.
Cách đây 27 năm, Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18/6/1997 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là lần đầu tiên Đảng ta nêu ra chủ trương phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài. Tiếp đó, các Văn kiện Đại hội IX, X, XI, XII, XIII của Đảng đều nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài đối với sự phát triển đất nước. Tiếp đến, ngày 5/12/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Ngày 31/7/2023, Chính phủ tiếp tục ban hành Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo các chuyên gia, chủ trương đưa ra như vậy, nhưng chậm đi vào cuộc sống, chậm được cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách. Vì thế, nhiều nhân tài ở cả trong và ngoài nước vẫn không có cơ hội được dấn thân, cống hiến cho đất nước.
Theo PGS, TS Vũ Minh Khương, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam từ năm 1945 đến nay đã trải qua hai thời kỳ khiến thế giới kinh ngạc, đó là thời kỳ “đứng dậy” (đứng lên đánh đuổi hai đế quốc xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc); thời kỳ “thức dậy” (thức tỉnh năm 1986, làm nên những kỳ tích trong công cuộc đổi mới).
Thời kỳ hiện nay là “trỗi dậy” để vươn lên trở thành nước phát triển vào năm 2045. Muốn đạt được mục tiêu “trỗi dậy” của đất nước, một trong 3 vấn đề then chốt là phải quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực cao, đặc biệt là thu hút, trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, PGS, TS Vũ Minh Khương cho rằng: “Chúng ta mới sử dụng được khoảng 50% tiềm năng của đất nước. Lãng phí nguồn lực và lãng phí thời cơ còn khá phổ biến trong mọi lĩnh vực và tổ chức”.
Một trong những biểu hiện của sự lãng phí nguồn lực là chúng ta chưa quy tụ, phát huy được nhân tài để tạo ra động lực phát triển bứt phá cho đất nước. Khoảng một thập niên gần đây, nhiều địa phương đã ban hành chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nhưng cách làm chưa căn cơ, có biểu hiện chạy theo phong trào, “đánh trống khua chiêng” là chính.
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, trong hai năm gần đây (2022 - 2023), cả nước mới thu hút được 584 sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào khu vực công (trong đó Trung ương là 170 người, địa phương là 414 người). Cả nước có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, như vậy trung bình trong một năm, mỗi tỉnh, thành phố chỉ thu hút được từ 3 đến 4 nhân tài vào khu vực công.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ trong nhiều năm, đã rất trăn trở khi cho rằng, nhiều địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội hàng đầu đất nước như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc... dù đã ban hành chính sách thu hút nhân tài, song đến nay, số lượng nhân tài vào bộ máy công quyền còn thấp so với kỳ vọng.
TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nêu quan điểm "muốn thu hút được nhân tài thì phải trọng dụng họ". "Nhiều nơi có chế độ đãi ngộ tốt cả về lương, chỗ ở, đi lại, sinh hoạt, nhưng vì sao người tài vẫn ra đi? Phải chăng gốc rễ là việc trọng dụng họ như thế nào? Thu hút được nhân tài nhưng họ có thực sự được trân trọng, tạo điều kiện, môi trường làm việc hay không?", ông Dĩnh nêu vấn đề.
Ông Dĩnh dẫn chứng, nhiều sinh viên mới tốt nghiệp ra trường, khi đến cơ quan nhà nước làm việc có thể phải đi quét dọn, pha trà nước chứ chưa chắc được giao việc quan trọng. Như vậy là "cách sử dụng người không đúng, chưa tin tưởng họ".
Theo ông Dĩnh, người có năng lực nổi trội cần được bố trí đúng lĩnh vực để họ phát huy tài năng và không thể coi người tài cũng như nhân viên mới, trải qua tuần tự từng bước theo quy trình như việc tuyển người ở cơ quan nhà nước hiện nay.
Là người trưởng thành từ chương trình quy hoạch cán bộ trẻ của thành phố, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu nêu thực tế, từ nhiệm kỳ vừa rồi, tỉ lệ cán bộ trẻ có nhiều khó khăn, vướng do nhiều quy định. Để đảm bảo chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo cán bộ, đặc biệt đảm bảo cơ cấu “3 độ tuổi” là một nhiệm vụ rất quan trọng, nếu không sẽ không có lực lượng để kế thừa. Vì vậy, giữa nhiệm kỳ, nên cho tăng 10% tỉ lệ cấp ủy, bổ sung đảm bảo cán bộ trẻ, có nguồn cán bộ trẻ để đào tạo. Có giải pháp để có nguồn cán bộ trẻ nổi trội, năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh, có sản phẩm cụ thể mạnh dạn bố trí, giới thiệu tham gia cấp ủy; đổi mới phương thức đánh giá cán bộ, đánh giá chính xác năng lực hiệu quả của cán bộ, để khi giới thiệu, cất nhắc vị trí cán bộ trẻ thì có tính thuyết phục cao.
Theo Phó Ban Công tác đại biểu (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) Tạ Thị Yên, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, Đảng và Nhà nước ta luôn chú trọng việc phát hiện, thu hút và trọng dụng nhân tài, đồng thời đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về việc này. Gần đây nhất là trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh đến việc “thu hút và trọng dụng nhân tài”.
“Về mặt cơ chế, chính sách để thu hút và trọng dụng nhân tài thời gian qua, tôi thấy đã có. Ngoài chính sách chung như Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, nhiều nơi cũng có chính sách riêng để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về địa phương mình.
Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế là các chính sách của chúng ta hiện nay chưa đủ hấp dẫn, vẫn còn rời rạc, mỗi nơi một kiểu, chưa mang tính tổng thể. Việc triển khai thực hiện cũng chưa thật sự hiệu quả, nhiều nơi thu hút được rồi nhưng không giữ chân được nhân tài”, đại biểu Quốc hội Tạ Thị Yên trăn trở.
Đánh giá việc khó thu hút được người tài vào khu vực nhà nước, cũng như đang có sự chuyển dịch từ khu vực công sang tư, TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng lý do dễ thấy nhất đó là lương. Bởi lương tối thiểu khu vực tư nhân cao hơn lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức. Khu vực tư trả lương theo năng lực, không có giới hạn khung bậc nào cả nên có khả năng thu hút người có năng lực một cách mạnh mẽ, trong khi khu vực nhà nước không có cách gì để trả mức lương như vậy.
Một yếu tố khác, theo ông Dũng, là môi trường làm việc khi khu vực công bị điều chỉnh chặt chẽ hơn khu vực tư rất nhiều nên không gian cho sự sáng tạo, đột phá là hẹp. Đây cũng lại là một nguyên nhân tại sao chuyển ra ngoài vẫn là những người có tài, những người muốn đổi mới, tạo sự đột phá. Chưa kể, ở lĩnh vực tư nhân việc bổ nhiệm đề bạt khá linh hoạt.
(Còn nữa)
|
Lam Dương – Phạm Mạnh |