Bài 2: Ai sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên…
“Vi-rút sợ trách nhiệm”: Kỳ vọng vào “liều thuốc đặc trị” TTTĐ - LTS: Cán bộ sợ trách nhiệm, né tránh trách nhiệm, đùn đẩy trách nhiệm, thiếu trách nhiệm là vấn đề bức xúc trong ... |
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng cử tri Thủ đô |
Muốn địa vị cao nhưng lại sợ trách nhiệm nặng
Không phải bây giờ mới xuất hiện tình trạng cán bộ, công chức né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ biểu hiện của người mắc bệnh “sợ trách nhiệm” đó là: “Họ muốn địa vị cao nhưng lại sợ trách nhiệm nặng. Dần dần tinh thần đấu tranh và tính tích cực của họ bị kém sút, chí khí anh dũng và phẩm chất tốt đẹp của người cách mạng cũng kém sút; họ quên rằng tiêu chuẩn số một của người cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng”.
Biểu hiện của bệnh “sợ trách nhiệm” trong cán bộ, đảng viên cũng được thể hiện trong tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tác phẩm tuyển chọn nhiều bài viết tiêu biểu của người đứng đầu Đảng ta hiện nay, trong đó có bài viết “Bệnh sợ trách nhiệm”, đăng trên Tạp chí Cộng sản, số 11/1973 với bút danh Người xây dựng. Tác giả bài viết nêu rõ: “Người sợ trách nhiệm thường làm việc một cách cầm chừng cho “đủ bổn phận”, cốt sao không phạm phải khuyết điểm gì lớn. Vì luôn luôn lo sợ phải chịu trách nhiệm về những việc sẽ xảy ra, cho nên không muốn cải tiến công tác, không dám mạnh dạn thay đổi những cái không hợp lý, chỉ làm theo nếp cũ. Vì sợ trách nhiệm mà đi đến bảo thủ”.
Người sợ trách nhiệm thường rụt rè, do dự trong khi giải quyết công việc, không phát biểu rõ ràng, dứt khoát ý kiến riêng của mình, không dám quyết đoán những việc thuộc phạm vi trách nhiệm và quyền hạn của mình. Vì muốn trốn tránh trách nhiệm cá nhân của mình, các đồng chí này thường vin vào lý do chưa có chỉ thị của cấp trên để ỷ lại và chờ đợi một cách thụ động… Người sợ trách nhiệm cũng thường lấy lý do làm việc tập thể, tôn trọng tập thể để dựa dẫm vào tập thể... Người sợ trách nhiệm còn ngại “va chạm” trong quan hệ với các đồng chí trong đơn vị, với cấp trên và cả với cấp dưới.
Thái độ sợ trách nhiệm của một số cán bộ, đảng viên đang là một trở ngại cho công tác của Đảng và Nhà nước, làm cho công việc bị trì trệ, dậm chân tại chỗ, làm cho những nhân tố mới không phát huy được, những khuyết điểm và nhược điểm không được khắc phục kịp thời và làm cho trình độ, năng lực công tác của cán bộ chậm được nâng cao.
Trước tình trạng vi-rút "sợ trách nhiệm” lây lan trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có dấu hiệu lây lan trên diện rộng, nguy cơ gây cản trở sự phát triển. Phát biểu chỉ đạo tại các cuộc họp quan trọng gần đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã truyền đi thông điệp: “Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm”.
Tại Phiên họp thứ tư, Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải điên ra đầu năm 2023, trước thực trạng tiến độ tổng thể nhiều dự án còn chậm, nhiều mốc tiến độ chưa hoàn thành, có dự án thiếu tinh thần trách nhiệm của các cán bộ liên quan khiến công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư phát sinh khối lượng, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cương quyết: Ai sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên để người khác làm, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm.
Ngày 6/7/2023, phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTƯMTTQVN quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh, cần tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, “dám nói, dám làm”, “nói đúng, làm đúng” vì lợi ích của Đảng, của Nhà nước, Nhân dân. Việc thấy sai mà không dám nói thì cũng là tự diễn biến, tự chuyển hóa, là biểu hiện tiêu cực.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) |
Không dám làm vì chống tham nhũng quá mạnh chỉ là ngụy biện
Tháng 5/2023, Tại phiên thảo luận của Quốc hội (QH) về kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh) chia sẻ, có thể chia thành các nhóm đối với tình trạng công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiêm. Một là nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, những cán bộ không muốn làm vì không có lợi ích riêng. Hai là nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai, không muốn làm vì không có lợi ích riêng, có thể khắc phục được ngay vì từ trước đến nay trong bất kỳ thời điểm nào hay ở bất kỳ cơ quan, đơn vị, địa phương nào cũng tồn tại một số ít cán bộ có bản chất như thế. Vấn đề là đơn vị đó có nhận diện được hay không và khi nhận diện được thì xử lý thế nào.
Giải pháp cấp thiết cần phải làm ngay là thay thế những cán bộ này bằng những cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm, vì chúng ta không thiếu những cán bộ tốt.
“Về lâu dài, ngoài Kết luận số 14 của Bộ Chính trị, tôi đề xuất Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các quy định pháp luật có liên quan đến công chức, viên chức để đảm bảo tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn để làm cơ sở khuyến khích bảo vệ những cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”, đại biểu Trần Quốc Tuấn kiến nghị.
Với nhóm những cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, đây là nhóm chiếm số đông trong số cán bộ sợ trách nhiệm, chính họ đã tạo ra những hạn chế nêu trên. Đây cũng là trở lực lớn nhất gây tắc nghẽn công việc trong toàn hệ thống.
Nguyên nhân của hiện tượng này là một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, nhất là các văn bản dưới luật, còn thiếu tính đồng nhất, khó thực hiện. Điển hình như cùng một nội dung quy định nhưng lại có hai cách hiểu khác nhau hay cùng một nội dung công việc nhưng lại có hai văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không đồng nhất.
“Tôi đã chứng kiến bên lề kỳ họp Quốc hội, có hai đại biểu Quốc hội cùng tranh luận về nội dung của một điều khoản luật đang còn hiệu lực. Cuộc tranh luận ấy đã làm cho tôi hết sức tâm tư và lo lắng, bởi lẽ nó đang xảy ra ngay trong chính cơ quan lập pháp, cho nên không loại trừ khả năng nó sẽ xảy ra ở các cơ quan hành pháp, trong đó có cả những cơ quan thanh tra, kiểm tra và như thế sẽ có nguy cơ dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau cho các cán bộ thực thi công vụ. Những bất cập này đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội phản ánh thẳng thắn ngay trong phiên thảo luận hội trường ngày 29/5/2023”, đại biểu Trần Quốc Tuấn cho hay.
Một nguyên nhân nữa, đó là cán bộ lo sợ vi phạm pháp luật, lo công tác thanh tra, kiểm tra ngày càng đi vào thực chất cùng với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai quyết liệt và ngày càng hiệu quả. Đặc biệt, có những vụ việc vi phạm pháp luật từ nhiều năm trước đến nay được phát hiện và do mức độ vi phạm nghiêm trọng nên bị xử lý hình sự.
Chính từ những vụ án này đã làm cho nhiều cán bộ lo sợ, bởi lẽ, những cán bộ ấy đã từng làm các công việc tương tự vào những thời điểm trước đây, từ đó đã tạo ra hiệu ứng lây lan đến một số cán bộ khác, hình thành nên tâm lý ngần ngại, lo sợ, sợ bị kỷ luật, nhất là sợ bị xử lý hình sự. Trong số cán bộ đó, chúng ta không loại trừ có những cán bộ tâm huyết, có trách nhiệm nhưng họ không thể triển khai thực hiện công việc do sự bất cập, thiếu đồng nhất của các văn bản hướng dẫn.
Đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) |
Đồng quan điểm này, đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định) cho rằng, vấn đề công chức sợ sai ở đây cần đề cập rõ phạm trù là đã sợ sai còn né tránh, đùn đẩy. Cái gì thuận lợi thì nhận vào bản thân, còn khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác và bên ngoài...
Đại biểu Vũ Trọng Kim nêu rõ: Tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng nói rõ về những biểu hiện này và chỉ rõ các nguyên nhân. Theo đó, một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng mạnh lên thì cán bộ nhụt chí, không dám làm. Đây là nguyên nhân nhạy cảm nhất mà các vị đại biểu Quốc hội chưa thấy đề cập tới.
(Còn nữa)