eMag azine
04/05/2024 14:54
Bài 2: Chàng trai Hà thành xung kích nơi tuyến đầu

04/05/2024 14:54

TTTĐ - Dừng chân tại xã Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), chúng tôi được gặp gỡ Đại úy trẻ Nguyễn Hữu Hiệp.

chàng trai

Bài 2: Chàng trai Hà thành xung kích nơi tuyến đầu

Chia tay với Trung úy Hờ A Thái và các chiến sĩ Đồn Biên phòng Thanh Luông, chúng tôi tiếp tục hành trình đi tìm những câu chuyện thanh xuân trên chặng đường đầy nắng gió giữa đại ngàn của Điện Biên.

Dừng chân tại xã Mường Pồn (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), chúng tôi được gặp gỡ Đại úy trẻ Nguyễn Hữu Hiệp. Anh đã dẫn chúng tôi tham quan Đồn Biên phòng Mường Pồn và các khu vực liên quan trong suốt một ngày dài. Dưới cái nắng oi ả của lòng chảo Điện Biên những ngày tháng 5, bước chân của chúng tôi dường như bớt mỏi khi nghe Đại úy Hiệp chia sẻ về chuyện anh gắn bó với vùng đất này.

Bài 2: Chàng trai Hà thành xung kích nơi tuyến đầu

“Quê tôi ở Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Hà Nội” - anh Hiệp nói và khiến chúng tôi khá bất ngờ. Anh cho biết, mình đã nhận nhiệm vụ công tác tại tỉnh Điện Biên được 5 năm tại một số Đồn Biên phòng trên địa bàn tỉnh. Ông nội và bố đều từng là lính biên phòng nên anh đã tiếp nối truyền thống gia đình, chọn đường binh nghiệp.

Bài 2: Chàng trai Hà thành xung kích nơi tuyến đầu
Đại úy Nguyễn Hữu Hiệp - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Pồn (bên trái) trong buổi gặp gỡ và trò chuyện cùng phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô

Khi được hỏi: “Bỏ phố lên núi vậy, anh có buồn không?”, Đại úy Hiệp cười nói: “Buồn làm sao được khi ở đây có anh em đồng đội”.

Tháng 8/2016, sau khi tốt nghiệp Học viện Biên phòng, chàng sĩ quan trẻ Nguyễn Hữu Hiệp chính thức nhận công tác tại tỉnh Điện Biên. Anh luôn tự ý thức phấn đấu trong từng nhiệm vụ dù là nhỏ nhất. Đến nay, Đại úy Nguyễn Hữu Hiệp đang đảm nhận chức vụ Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Pồn, cùng Đồn trưởng - Trung tá Nguyễn Văn Đại - dẫn dắt, huấn luyện các chiến sĩ trẻ nơi đây.

Bài 2: Chàng trai Hà thành xung kích nơi tuyến đầu
Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Mường Pồn kiểm tra, rà soát các điểm cột mốc biên giới

“Bảo vệ đường biên, cột mốc là một trong những nhiệm vụ thiêng liêng và tối quan trọng đối với lính biên phòng. Khoác lên người màu áo lính, tôi sẵn sàng nhận nhiệm vụ và cống hiến hết mình. Dù khoảng cách địa lý xa xôi hay điều kiện sống có khó khăn, khắc nghiệt... chúng tôi đều phải khắc phục và thích nghi, đảm bảo hoàn thiện công tác chỉn chu, kỷ luật. Tôi rất may mắn có người vợ tâm lý và kiên cường, luôn ủng hộ công việc của chồng. Cô ấy đã đồng ý theo tôi về với Điện Biên sinh sống 5 năm nay, vừa làm việc, vừa chăm lo, dạy dỗ 2 con nhỏ. Tuy vất vả hơn so với ngày ở Hà Nội nhưng hai vợ chồng vẫn vui vẻ đồng hành cùng nhau”, anh Hiệp hạnh phúc nói.

Xa Thủ đô lên núi "an cư lạc nghiệp", cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn, nhưng bằng nhiệt huyết, Đại úy Hiệp luôn làm gương, động viên anh em khắc phục khó khăn, để cùng xây dựng một tập thể đoàn kết, vững mạnh.

“Thủ đô Hà Nội hay Điện Biên, Cao Bằng... nơi đâu cũng là Việt Nam, cũng là quê hương. Tôi mong có thể cống hiến khả năng, trí tuệ của mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đối với tôi, được canh giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc mà thế hệ ông, cha đi trước đã phải đánh đổi cả xương máu để có được là một niềm vinh dự to lớn và tự hào. Bởi cũng như lời Bác Hồ đã dạy thanh niên Việt Nam rằng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Bài 2: Chàng trai Hà thành xung kích nơi tuyến đầu

Đồn Biên phòng Mường Pồn nằm cách TP Điện Biên hơn 20km về phía Tây Bắc. Đồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên dài 41,170km tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Địa bàn quản lý của đồn có hai xã biên giới là Mường Pồn và Hua Thanh với hơn 20 bản làng, trong đó có 6 bản biên giới.

Đại úy Nguyễn Hữu Hiệp cho biết: “Đường biên giới do đồn quản lý khá dài, gồm có 15 cột mốc khác nhau. Vì vậy, lịch trình công tác, tuần tra của các chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Pồn dày đặc, các cán bộ, chiến sĩ rất bận rộn".

Bài 2: Chàng trai Hà thành xung kích nơi tuyến đầu

Địa bàn quản lý của Đồn khá phức tạp với tuyến giao thông còn hạn chế, khiến quá trình di chuyển, đi lại của các đồng chí chiến sĩ còn gặp nhiều cản trở. Ghi nhận tình hình vài năm trở lại đây, nạn buôn lậu, gian lận thương mại và tội phạm ma túy hoạt động tại khu vực biên giới do Đồn Biên phòng Mường Pồn quản lý có diễn biến ngày càng phức tạp và tinh vi. Chỉ riêng trong năm 2023, các chiến sĩ đã bắt giữ thành công và ngăn chặn ít nhất 11 vụ mua bán và vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn.

"Trong khi thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi thường xuyên gặp phải những tình huống nguy hiểm, cần ứng phó và triển khai tác chiến kịp thời, chính xác. Các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, hàng lậu... thường tàng trữ theo vũ khí và công cụ hỗ trợ để chống lại khi bị bắt gặp. Tuy đối mặt với hiểm nguy liên tục nhưng các chiến sĩ Đồn Mường Pồn đã được rèn luyện bản lĩnh và ý chí chiến đấu vững vàng. Các anh em luôn động viên, theo sát nhau để nhanh chóng hỗ trợ, tiếp ứng", anh Hiệp chia sẻ.

Theo Đại úy Hiệp, công tác tư tưởng cho cộng đồng người dân tại các điểm vùng cao như Mường Pồn vô cùng quan trọng. Nhận thức của bà con về pháp luật, chính trị, xã hội (nạn ma túy, buôn người, hàng lậu, phá rừng...) vẫn còn hạn chế. Bởi vậy, những chuyến về bản nhằm vận động tuyên truyền Nhân dân vùng cao biên giới được các anh xác định là những chuyến “dài hơi, liên tục”.

Bài 2: Chàng trai Hà thành xung kích nơi tuyến đầu Bài 2: Chàng trai Hà thành xung kích nơi tuyến đầu Bài 2: Chàng trai Hà thành xung kích nơi tuyến đầu

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Pồn luôn nỗ lực trong công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật và cải thiện nhận thức xã hội của bà con tại hai xã Hua Thanh, Mường Pồn cùng hơn 20 bản làng. Nhiều chiến sĩ trẻ ban đầu "hơi nản chí" khi đi tuyên truyền vì lúc đầu người dân “từ chối gặp”, “không có nhà”, không hợp tác. Bằng chuyên môn nghiệp vụ và sự quan tâm chân thành, Đại úy Nguyễn Hữu Hiệp đã chỉ đạo, động viên anh em kiên trì gần dân, sát dân.

Bài 2: Chàng trai Hà thành xung kích nơi tuyến đầu
Đại úy Nguyễn Hữu Hiệp - Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Mường Pồn

“Đi một lần chưa được thì hai, ba, bốn... lần đến khi nào được thì thôi” - là kinh nghiệm mà Phó Đồn trưởng truyền lại cho các chiến sĩ.

Anh bảo, người dân ban đầu sẽ “ngại” tiếp xúc với cán bộ, sợ mình đã làm sai gì đó hoặc nhiều lý do cá nhân khác... Việc tiên quyết cần làm trong công tác tuyên truyền là “phá băng”, gần gũi với dân, nghe dân và hiểu dân. Khi dân đã hiểu và tin tưởng các cán bộ biên phòng, họ đều tự nguyện chấp hành và giao nộp các loại vũ khí, vật liệu nổ, thậm chí nhiều người tình nguyện trở thành những "cánh tay nối dài" đắc lực cho các anh trong công tác bảo vệ biên giới.

Do đó, Bộ đội Biên phòng Mường Pồn luôn “bám dân, bám bản, chia sẻ khó khăn, vui, buồn” để dân bản tin yêu và coi bộ đội biên phòng như anh em ruột thịt trong nhà; từ đó kịp thời cung cấp các thông tin có giá trị và tích cực tham gia cùng bộ đội biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

“Thực lòng mà nói, bà con luôn có mong muốn được thoát nghèo. Lợi dụng điều đó, nhiều kẻ xấu đã lôi kéo, ép buộc... người dân theo con đường phạm pháp như buôn lậu, vận chuyển "hàng trắng" để kiếm tiền. Công việc của chúng tôi không chỉ là đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn quản lý, mà còn là hỗ trợ phát triển kinh tế, giúp bà con “có của ăn của để”. Bởi nếu bà con ấm no đủ đầy, họ sẽ không phải quầy quả tìm cách kiếm tiền để rồi bị dẫn dắt vào con đường phạm pháp”, anh Đại úy Hiệp cho biết.

Nói thêm về “bí quyết” truyền cảm hứng cho đồng đội, anh Hiệp cho hay: “Trong quá trình huấn luyện, cá nhân tôi thường sẽ lấy những ví dụ và nêu những cá nhân điển hình xuất sắc trong lực lượng biên phòng. Ví như, câu chuyện về liệt sĩ Lương Minh Năm - chiến sĩ quân y Đồn Biên phòng Sen Thượng, huyện Mường Nhé, đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ. Trước khi nằm xuống, anh còn cố gắng lết tới băng bó, cầm máu cho đồng đội cũng đang bị thương. Đó là những tấm gương sáng để cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng học tập, noi theo. Những câu chuyện đó sẽ giúp cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ hơn về chức trách, nhiệm vụ của mình trong quản lý, bảo vệ biên giới”.

Đoàn công tác Hội Nhà báo Hà Nội tặng quà các chiến sĩ tại Đồn Biên phòng Mường Pồn
Đoàn công tác Hội Nhà báo Hà Nội tặng quà các chiến sĩ tại Đồn Biên phòng Mường Pồn (tỉnh Điện Biên)

Với cương vị là Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng, Đại úy Nguyễn Hữu Hiệp luôn hiểu rằng, cần phải đề cao tinh thần gương mẫu, "miệng nói, tay làm", nêu gương cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thực hiện nghiêm pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội, quy định của đơn vị.

Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, Đại úy Nguyễn Hữu Hiệp cùng với đồng đội tại Đồn Biên phòng Mường Pồn đã đặc biệt tập trung vào xây dựng mối quan hệ mật thiết với đồng bào dân tộc trên địa bàn đơn vị quản lý; hỗ trợ, giúp đỡ chính quyền địa phương bảo vệ an ninh trật tự địa bàn. Anh đã cùng đồng đội triển khai hiệu quả các chương trình như "Nâng bước em tới trường", "Hũ gạo chiến sĩ", và "Xuân biên phòng ấm lòng dân bản"... góp phần mang đến cuộc sống ấm no, bình yên cho người dân vùng biên.

(Còn nữa)

Bài viết liên quan loạt bài "Sức trẻ nơi biên cương":

Bài 1: Người Đội trưởng tận tụy ở Đồn Biên phòng Thanh Luông Bài 3: Nữ cán bộ Đoàn mang nghề trồng nấm về quê hương

Bài viết: Tùng Linh

Trình bày: Phạm Mạnh

Bài 2: Chàng trai Hà thành xung kích nơi tuyến đầu

« Xem bài 1

Xem bài 3 »

Phạm Mạnh