Sinh năm 1994, chị Lường Thị Biên hiện là một trong những gương mặt trẻ nổi bật tại xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Ngoài vai trò là Phó Bí thư Đoàn xã, chị Biên còn là một nông dân thế hệ mới với mô hình trồng nấm cao sản đầy triển vọng trên địa bàn xã.
Chị Lường Thị Biên - Phó Bí thư Đoàn xã Noong Hẹt (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) |
Phó Bí thư Đoàn xã chia sẻ, ban đầu, chị không hề nghĩ những cây nấm sẽ trở thành một phần quan trọng trong cuộc sống và công việc của bản thân đến vậy. Tốt nghiệp với tấm bằng cử nhân chuyên ngành Quản lý Tài nguyên môi trường năm 2017, chị đã trải qua nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, thị trường lao động thời điểm đó rất cạnh tranh, kèm theo thu nhập bấp bênh khiến cô cử nhân trẻ Lường Thị Biên chật vật mưu sinh.
Sau khoảng thời gian chông chênh, không định hướng, chị Biên quyết định khởi nghiệp ngay tại quê hương Điện Biên.
“Nông nghiệp là ngành rất nhiều tiềm năng và luôn cần thiết trong đời sống hàng ngày. Mình đã cân nhắc giữa đậu, ngô, gạo... nhưng đều nhận thấy để phát triển được mô hình khởi nghiệp ban đầu yêu cầu kha khá tài chính và diện tích đất trồng. Năm 2020, sau khi tìm hiểu, mình nhận thấy nấm dễ trồng, không yêu cầu quá cao về nguồn vốn và tài nguyên đất. Đồng thời, thị trường trong tỉnh rất ưa chuộng loại nấm sò thái, nấm bào ngư, mình đã bắt đầu học làm phôi, trồng thử nghiệm cho gia đình ăn thử rồi tìm hướng nhân rộng để kinh doanh”, chị nói.
Cô Phó Bí thư đã tỏ ra “mát tay” khi chăm sóc những cây nấm từ những bào tử nhỏ xíu cho đến khi trở thành những cụm nấm mập mạp, ngon lành. Bước đầu nếm thử thành quả mùa nấm đầu tiên, gia đình và bạn bè chị Biên tấm tắc khen nấm rất bùi, dày và giòn thịt. Mọi người đều ủng hộ và động viên chị tiếp tục theo đuổi trồng nấm.
“Mình may mắn khi được tham gia nhiều lớp tập huấn hướng dẫn nuôi trồng nấm tại địa phương. Qua kiến thức được học, mình thấy nấm là một nông sản giàu dinh dưỡng, lành tính và mọi lứa tuổi trong gia đình đều có thể sử dụng. Ngoài ra, vật liệu trồng nấm đều có sẵn như rơm rạ, lõi ngô... Chính những yếu tố đó đã củng cố niềm tin để mình tiếp tục con đường trồng nấm ngay tại địa phương mình. Ông xã cũng là người luôn theo sát ủng hộ và hỗ trợ mình thực hiện được ước mơ đó”, chị Lường Thị Biên vui vẻ cho biết.
Chị bảo, qua các video ngắn trên các nền tảng mạng xã hội, bạn trẻ có thể cho rằng việc trồng nấm khá “chill” và đơn giản, chỉ cần chuẩn bị giá thể, rải bào tử và ủ ẩm, che ánh sáng cho nấm sẽ cho ra thành phẩm khá nhanh. Nhưng thực tế lại không hề dễ dàng, chị Lường Thị Biên đã gặp khá nhiều trắc trở trên con đường xây dựng trang trại nhỏ của mình. Với quy mô sản xuất hộ gia đình, nhỏ lẻ, nấm ít bệnh, nhưng khi trồng ở quy mô lớn thì nấm lại dễ gặp nhiều loại bệnh, gây không ít khó khăn cho mô hình.
Là một loài phát triển phụ thuộc vào thời tiết và môi trường, những phôi nấm cần được tuyển chọn và kiểm soát kỹ càng trước khi đưa vào nuôi cấy. Nấm rất dễ bị nhiễm khuẩn, nhiễm bệnh và sâu hại, đặc biệt, nếu một cụm nấm nhiễm bệnh sẽ nhanh chóng lây lan phát tán ra cả vườn chỉ trong vài ngày. Bởi vậy, chị Biên đã phải dành rất nhiều thời gian đầu tư ươm nấm. Để có được những mùa nấm sạch đầu tiên, nhiều lần cả hai vợ chồng chị phải “ăn ngủ” cùng nấm, chắn sương giá, gió bấc hay kéo lưới che nắng khi mùa nóng tới.
Quyết tâm chinh phục “cái khó”, vợ chồng chị Lường Thị Biên đã liên tục thay đổi, cải tiến khu vực ươm trồng nấm cho thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi vùng cao Tây Bắc; sàng lọc các loại nấm cao sản khỏe mạnh, thích nghi tốt với thời tiết khắc nghiệt để đưa vào thử nghiệm nuôi trồng.
Sau khoảng thời gian “đau đầu” lo cho nấm, hiện tại, hai vợ chồng chị Lường Thị Biên đã mở rộng quy mô vườn lên tới 500m2 để nuôi trồng. Mỗi lứa nấm cung cấp hơn 20.000 phần nấm đưa ra thị trường với uy tín “trồng sạch, hái sạch và ăn sạch”, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Với cương vị là Phó Bí thư chi Đoàn xã Noong Hẹt, chị Biên đã nỗ lực lan tỏa mô hình trồng nấm trong cộng đồng người dân địa phương, khuyến khích các bạn trẻ Noong Hẹt cùng khởi nghiệp làm kinh tế tại quê hương. Ngoài ra, Phó Bí thư Đoàn xã Lường Thị Biên còn được các chi Đoàn, Huyện đoàn trên địa bàn tỉnh Điện Biên mời làm diễn giả cho các buổi tập huấn, giao lưu với thanh niên về mô hình trồng nấm cao sản.
Tham quan vườn nấm của vợ chồng chị Biên, nhiều thanh niên trẻ nơi đây đã nhận ra giá trị tiềm năng mà loài nấm mang lại. Trên địa bàn xã Noong Hẹt, rất nhiều gia đình đã học theo, tận dụng rơm rạ, lõi ngô, gỗ vụn... để trồng nấm, tăng thu nhập, giúp cuộc sống khấm khá hơn.
Chia sẻ về những dự định trong tương lai, chị Biên tâm sự: “Đầu tiên là duy trì sản lượng nấm cho vườn được ổn định và liên tục. Sau đó, mình mong muốn mở rộng được một cơ sở sản xuất phôi lớn tại Điện Biên. Đây sẽ là tiền đề để mình có thể chủ động sàng lọc, nghiên cứu các giống nấm phù hợp với địa phương, đồng thời cung cấp lượng phôi nấm cho bà con với giá cả phải chăng, hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tuy là những ước mơ giản đơn nhưng hai vợ chồng sẽ không thể tự làm được mà cần có sự chung tay từ nguồn lực thanh niên, tuổi trẻ tại xã Noong Hẹt nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung. Mình có thể phát triển nghề nuôi trồng nấm tại địa phương đa dạng hơn, quy mô lớn, tiếp cận được nhiều nguồn khách hàng tiềm năng hơn nữa. Từ đó, nhiều người sẽ biết về Noong Hẹt, về Điện Biên với những sự thay đổi, tiến bộ mới mẻ”.
Trong năm 2024, hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đoàn Thanh niên xã Noong Hẹt đã tổ chức và thực hiện một loạt các hoạt động đa dạng và ý nghĩa, góp phần quan trọng vào sự phát triển của cộng đồng.
Phó Bí thư Đoàn xã Lường Thị Biên cho biết, Đoàn xã đã định hướng thế hệ thanh niên về tầm quan trọng của lịch sử tỉnh Điện Biên và đề cao truyền thống đền ơn đáp nghĩa. Đoàn xã đã tổ chức các chuyến thăm quan và sinh hoạt tại các địa danh lịch sử, nhằm tôn vinh và bảo tồn di sản văn hóa lịch sử tại địa phương. Những chuyến đi là những buổi học thực tế hiệu quả, giúp các đoàn viên, thanh niên trẻ nhận thức rõ hơn về truyền thống, văn hóa quê hương.
“Điện Biên ghi dấu ấn lịch sử hào hùng của Tổ quốc. Tham gia chương trình “Tháng 3 Biên giới” và được đồng hành cùng các chiến sĩ Đồn Biên phòng Pa Thơm thăm điểm cột mốc 110, mình đã hiểu những khó khăn, vất vả mà anh em chiến sĩ biên phòng đang ngày đêm gánh vác trong công cuộc gìn giữ và bảo vệ đường biên giới. Đoàn xã đã cùng nhau làm sạch cột mốc, giúp các anh hoàn thành tốt nhiệm vụ", - Phó Bí thư Đoàn xã xúc động chia sẻ.
Những chuyến đi đã rèn giũa cho nữ cán bộ Đoàn bản lĩnh chính trị vững vàng. Từ đó, chị góp sức trong công tác giáo dục, tuyên truyền cho thanh niên địa phương.
Đáng nói nhất là chị góp phần không nhỏ vào các hoạt động khuyến học, hỗ trợ học sinh, sinh viên và thanh niên địa phương vay vốn hỗ trợ học tập cũng như giúp đỡ nhiều thanh niên, quân nhân trẻ đã hoàn thành nhiệm vụ quân sự, để họ tự tin khởi nghiệp.
Những chuyến đi đồng hành cùng các cán bộ, chiến sĩ biên phòng, dân quân và góp phần rèn giũa bản lĩnh chính trị và tình yêu Tổ quốc của các cán bộ Đoàn tỉnh Điện Biên |
Phó Bí thư Đoàn xã Lường Thị Biên còn luôn trực tiếp đồng hành cùng đoàn viên, thanh niên tham gia các chiến dịch “Thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, dọn dẹp vệ sinh môi trường và cải thiện hạ tầng đô thị trên địa bàn.
Chị Biên kể: “Người dân ban đầu còn thấy lạ, cho rằng sao mình “đi làm việc không phải của mình”. Sau khi tuyên truyền việc dọn vệ sinh môi trường đường phố là làm đẹp chung cho xã, bản... đồng thời ngăn ngừa các ổ mầm bệnh phát sinh do ô nhiễm gây ảnh hưởng đến đời sống Nhân dân, rất nhiều người dân đã hưởng ứng và cùng tham gia, hỗ trợ quét dọn cùng đoàn viên, thanh niên”.
Phó Bí thư Đoàn xã Noong Hẹt cũng không ngừng tìm tòi, học hỏi các mô hình hiệu quả, chương trình ý nghĩa để thực hiện tuyên truyền, hỗ trợ cho đời sống thanh niên và bà con tại địa bàn xã ngày càng được cải thiện.
Những năm công tác tại xã, chị đã chứng kiến nhiều tấm gương thanh niên người tốt việc tốt trên địa bàn. Tiêu biểu như đồng chí Lò Văn Xương - Bí thư Chi đoàn Bản Mớ, là tấm gương thanh niên đi đầu phát triển mô hình kinh tế gia đình hiệu quả; hay đồng chí Lò Thị Hương - đoàn viên bản Noong Bua - tấm gương điển hình trong hỗ trợ tổ công nghệ số cộng đồng của bản trong thực hiện Đề án 06..
Nhìn vào những cố gắng của những người trẻ như họ, chị Lường Thị Biên có thêm động lực để cố gắng nhiều hơn mỗi ngày, phấn đấu “Học tập và làm theo lời Bác” để làm rạng danh quê hương, đóng góp sức trẻ để góp phần giúp xã nhà đạt được mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu.
Phó Bí thư chi Đoàn xã Noong Hẹt phấn khởi nói: “Để có được mô hình trồng nấm như hiện tại, mình rất cảm kích các đồng chí chi Đoàn xã đã chú ý và tạo điều kiện cho mình đi học các lớp tập huấn, mở mang kiến thức, học hỏi các cách làm, phát kiến hay. Từ đây, mình áp dụng cách vận động và tận dụng nguồn lực thanh niên địa phương hiệu quả để triển khai các chương trình tuyên truyền và sự kiện ý nghĩa. Hy vọng, mô hình trồng nấm với những kiến thức và trải nghiệm mà mình đã đạt được sẽ góp phần thay đổi diện mạo quê hương, nhiều người làm theo hơn nữa để cải thiện thu nhập”.
Bài viết: Tùng Linh Trình bày: Phạm Mạnh |
|