Bài 2: Cởi trói các cơ chế, chính sách đầu tư
Bãi đỗ xe trên phố Nguyễn Công Hoan, một mô hình bãi đỗ xe mà Hà Nội đang muốn khuyến khích người dân đầu tư
Nghị quyết này được đánh giá mang tính đột phá, cởi trói về cơ chế, chính sách nhằm thu hút đầu tư cho lĩnh vực giao thông tĩnh của Thủ đô. Hiện Hà Nội đang lấy ý kiến người dân cho vào nghị quyết.
Khuyến khích người dân làm bãi trông xe
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP Hà Nội, Nghị quyết mới được HĐND TP thông qua quy định ngân sách TP sẽ hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong 10 năm đầu kể từ khi phát sinh nghĩa vụ nộp tiền thuê đất (không bao gồm phần diện tích đất phục vụ kinh doanh dịch vụ, thương mại) đối với các dự án giao thông tĩnh. Riêng các dự án xã hội hóa, sau 10 năm đầu, sẽ tiếp tục xem xét hỗ trợ tiền thuê đất.
Doanh nghiệp (DN) đầu tư vào giao thông tĩnh còn được vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển TP với lãi suất ưu đãi. Trường hợp sử dụng nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng thì được ngân sách TP hỗ trợ lãi suất vay theo hợp đồng tín dụng tối đa 50% lãi suất tiền vay đầu tư trong 5 năm đầu, cụ thể theo từng dự án.
Ngoài ra, nghị quyết còn quy định các dự án bãi đỗ xe ngầm đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng tối đa 30% tổng diện tích sàn xây dựng thuộc khu vực ngầm để khai thác dịch vụ, thương mại. Các dự án bến xe, điểm trung chuyển, trung tâm tiếp vận đầu tư theo hình thức xã hội hóa được phép sử dụng tối đa 20% tổng diện tích đất của dự án theo quy hoạch để khai thác dịch vụ, thương mại.
Ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, cho rằng chính sách mới của TP đã tạo điều kiện tối đa cho DN khi thực hiện các dự án giao thông tĩnh. "Trước đây, các dự án giao thông tĩnh không nằm trong danh mục được vay vốn của Quỹ Đầu tư TP, mà tài sản để DN thế chấp, vay vốn tại các ngân hàng thường rất khó được chấp nhận. Không vay được vốn thì DN không thể triển khai dự án. Do vậy, khơi thông nguồn vốn là động lực quan trọng nhất cho DN" - ông Đức bày tỏ.
Cũng theo nghị quyết trên, Hà Nội đưa ra cơ chế khuyến khích người dân, hộ gia đình 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa) tận dụng nhà, đất của mình để làm bãi đỗ xe. Những hộ gia đình đầu tư bãi đỗ xe tại 4 quận nội thành cũ sẽ được hưởng các cơ chế chính sách như: hỗ trợ các khoản thuế, phí và thu tiền theo giá trông giữ xe do thành phố quy định.
Phải bám sát quy hoạch
Không phải đến thời điểm hiện tại, thành phố mới có chủ trương xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe. Trước đây, thành phố Hà Nội cũng đã dành ra hàng trăm ha đất để xây dựng hầm, bãi gửi xe, tuy nhiên các công trình này đã xuống cấp trong một thời gian rất ngắn kể từ khi đưa vào khai thác, kinh doanh.
Các công trình bãi trông giữ xe được giao cho các đơn vị thực hiện nhưng đã buông lỏng kiểm tra, giám sát, có lợi ích nhóm, gây thất thoát, cho nên khi hoàn thành, chất lượng công trình xuống cấp rất nhanh. Nhiều người dân bày tỏ khả quan với cơ chế chính sách tốt, giảm thuế đất cho người dân, giảm lãi xuất ngân hàng cho người dân sẽ xã hội hóa, xây được các bãi đỗ xe công cộng lớn, giúp cho đường phố thông thoáng.
Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn. Ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông khẳng định: “Đây là một chủ trương cần thiết, tuy nhiên chỉ là giải pháp tình thế, không thể là giải pháp lâu dài được. Nếu khuyến khích các cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng, khai thác bến xe, bãi đỗ xe ô tô và các phương tiện cơ giới khác thì sẽ tạo ra thu nhập thêm cho người dân nhưng sẽ gây ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè và rất khó kiểm soát, gây mất trật tự thành phố”.
Theo ông Thủy, chủ trương này nếu đưa ra thực hiện sẽ phá vỡ quy hoạch đô thị, bởi nếu không có quy chế giám sát, kiểm tra, không có chế tài quy định thì mỗi người làm một kiểu và câu hỏi đặt ra là số tiền thu được từ khai thác, kinh doanh bãi đỗ xe sẽ như thế nào? Người dân có nộp thuế cho nhà nước hay không? Và chắc chắn sẽ xảy ra tình trạng mất trật tự, thậm chí cạnh tranh nhau, gây lộn xộn trên đường phố”.
Nguyên Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam Đào Ngọc Nghiêm thì cho rằng, các chính sách này nếu được thực thi, chưa nói đến hiệu quả giải quyết giao thông tĩnh cho thành phố, mà nguy cơ dễ nhận thấy nhất là sự phá vỡ quy hoạch tại các khu vực đô thị cũ. Bởi nếu người dân, doanh nghiệp tự đầu tư bãi đỗ xe tại 4 quận nội thành này có thể sẽ góp phần gia tăng lượng phương tiện cơ giới tại một điểm đỗ xe nhất định
Đồng tình quan điểm này, GS.TS Từ Sỹ Sùa, Trường Đại học Giao thông vận tải cũng cho rằng, mọi cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào hạ tầng đô thị tại Hà Nội, đặc biệt là dự án về giao thông, đô thị cần phải tuân theo quy hoạch.
Điều này đặc biệt quan trong trong khu vực đô thị lõi, đô thị trung tâm của Hà Nội vốn đã chật hẹp, giao thông luôn đông đúc. GS Từ Sỹ Sùa cho rằng, giống như một mảnh vườn nhỏ, nếu không có sự quy hoạch, sự cải tạo, xây dựng chẳng khác nào phá vỡ cấu trúc vốn có của mảnh vườn:
“Ở đây nếu ưu tiên chỉ nên ưu tiên về nguồn vốn, về chính sách thuế… Các giải pháp đấy phải dựa trên sự đồng bộ, tránh hiện tượng bức tranh nham nhở, anh này xây cái này, có thể nửa ngầm nửa nổi… Theo tôi, việc ưu tiên cơ chế phát triển là bình thường nhưng cũng đừng băm vụn nó ra, mảnh vườn đã bé, đã nhỏ rồi thì cần phải có tầm nhìn” - GS.TS Từ Sỹ Rùa nói.
Chuyên gia giao thông Phan Lê Bình, chuyên gia JICA cho rằng, việc thiếu chỗ đỗ xe không chỉ xảy ra ở khu vực đô thị lõi, đô thị trung tâm, mà hầu hết các quận nội thành đều khó khăn về điểm đỗ xe.
Theo ông Bình, giao thông tĩnh cần được phân tán đều, rộng theo dạng xôi đỗ trên khắp diện tích của khu vực trung tâm thành phố thì mới có thể có hiệu quả được. Muốn như vậy, một điều quan trọng là chúng ta phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân có thể xem như việc kinh doanh bãi đỗ xe là một loại hình kinh doanh có hiệu quả như kinh doanh các loại nhà mặt phố. Nếu không làm được như vậy thì người dân, doanh nghiệp sẽ không tham gia vào việc xây dựng bãi đỗ xe và chúng ta vẫn thiếu trầm trọng bãi đỗ xe trong thời gian tới.