Bài 2: Ở đâu có rác, ở đó có phụ nữ tiên phong
Phân loại rác tại nguồn: Rõ quy hoạch, đồng bộ từ gốc đến ngọn |
Giảm 65% lượng rác thải, thu hơn 860 triệu đồng từ rác tái chế
Xuất phát từ trăn trở: “Rác thải sinh hoạt ngập ngụa, vai trò của các cấp Hội phụ nữ phải làm gì trong khi chờ Nhà nước đồng bộ hóa việc thu gom, xử lý rác?”, các cấp Hội phụ nữ quận Long Biên đã chủ động tuyên truyền cán bộ hội viên phụ nữ tham gia sáng tạo, nhân rộng nhiều mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả.
Cán bộ, hội viên Hội phụ nữ quận Long Biên tái chế rác thải thành đồ dùng gia đình, chậu hoa cây cảnh, các đồ chơi trẻ em…. |
Có thể kể đến các mô hình: Tuyến ngõ không rác; Thu gom phế liệu bảo vệ môi trường; Ứng xử đẹp với môi trường; Ngôi nhà thu gom phế liệu… Các mô hình đã tạo sự đồng bộ trong cấp Hội, xác định phân loại rác là trách nhiệm của mỗi gia đình, chung tay góp phần giảm thiểu lượng rác thải ra ngoài môi trường.
Điển hình nhất là việc triển khai mô hình điểm về phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình trong toàn cấp hội. Theo đó, Hội đã phối hợp với Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức tập huấn phân loại xử lý rác tại hộ gia đình cho trên 300 đại biểu là lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) quận, phường - đây là đội ngũ tuyên truyền viên và nòng cốt trực tiếp hướng dẫn các hộ làm điểm; Triển khai 14 lớp tập huấn trực tiếp tại các phường cho 560 hộ làm điểm, tập huấn kỹ năng phân loại rác và hướng dẫn quy trình thực hiện xử lý rác hữu cơ.
Qua tập huấn, các hộ gia đình biết cách phân biệt rác vô cơ, rác hữu cơ và rác tái chế, biết cách xử lý, tận dụng rác hữu cơ thành nguồn phân bón sạch cho cây trồng; Đồng thời vận động các hộ gia đình hạn chế sử dụng các chất thải rắn, túi nilong trong sinh hoạt; Phân loại, tận dụng các loại rác thải có thể tái chế để gây quỹ hội, giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Trần Thị Việt Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Long Biên chia sẻ, quy trình xử lý rác thải sinh hoạt sau phân loại được thực hiện cụ thể. Rác hữu cơ được xử lý bằng men vi sinh tại nhà trong vòng 30 đến 40 ngày được phân hủy thành phân bón hữu cơ, chăm bón cho rau xanh, hoa cây cảnh, cây ăn quả rất tốt…
Rác tái chế có 2 loại, bán cho đơn vị thu gom gây quỹ hoạt động tại cơ sở, quỹ nhân đạo từ thiện, quỹ hỗ trợ phụ nữ đơn thân, quỹ mẹ đỡ đầu trẻ em mồ côi…; Loại không bán được, được các tổ tái chế thành các đồ dùng gia đình, chậu hoa cây cảnh, các đồ chơi trẻ em….
Rác vô cơ (rác không phân hủy và không tái chế được) được mang ra xe thu gom rác do công ty môi trường đô thị xử lý theo quy định.
Hội LHPN quận Long Biên triển khai thực hiện thí điểm trong 30 ngày với 560 hộ làm điểm được phân theo 4 loại hình: 80 hộ ngoài bãi (chuyên trồng cây ăn quả); 40 hộ trồng rau sạch (mô hình liên kết rau sạch tại các tổ); 10 hộ chung cư cao tầng; 430 hộ nhà ở dân cư. Hàng ngày các hộ gia đình phân loại, cân lượng rác theo 3 loại (hữu cơ, tái chế và rác vô cơ) ghi sổ theo dõi hàng ngày và chụp ảnh đăng lên nhóm (theo biểu mẫu chung).
So sánh kết quả thực hiện giữa 2 phường đô thị với phường có diện tích đất nông nghiệp nhiều cho thấy, phường Đức Giang là phường đô thị mật độ dân cư đông thì lượng rác hữu cơ chiếm 51%, rác vô cơ 34%, rác tái chế 15%. Phường Phúc Lợi là phường có diện tích đất nông nghiệp nhiều thì rác hữu cơ chiếm 59%, rác vô cơ 29%, rác tái chế 12%.
Rác tái chế được thu gom gây quỹ hoạt động tại cơ sở, quỹ nhân đạo từ thiện |
Trong 30 ngày, tổng lượng rác được tính là 27,8 tấn (trong đó rác hữu cơ là 13,6 tấn (49%), rác tái chế 4,5 tấn (16%), rác vô cơ 9,7 tấn (35%). Như vậy, lượng rác hữu cơ và rác tái chế đã giảm được 65% lượng rác thải ra môi trường; Số còn lại là rác vô cơ và rác nguy hại do công ty môi trường đô thị xử lý là 35%.
"Nguồn thu lợi từ phân loại rác, từ tháng 5/2022 đến tháng 7/2023, số tiền thu được từ bán phế liệu 860 triệu đồng. Đây là nguồn tiền lớn bổ sung nguồn quỹ hoạt động tại cơ sở, xây dựng quỹ nhân đạo từ thiện, hỗ trợ phụ nữ đơn thân có hoàn cảnh khó khăn, tặng thẻ BHYT, hỗ trợ tặng quà cho cho trẻ em mồ côi và phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn", bà Trần Thị Việt Hoa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Long Biên cho biết.
Thành công nhờ sự vào cuộc đồng bộ từ chính quyền các cấp đến người dân
Với tốc độ phát triển đô thị hóa nhanh, huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng phải đối mặt với những thách thức về môi trường, lượng rác thải ngày càng tăng, rác thải sinh hoạt phát sinh khoảng 200 tấn/ngày (tốc độ rác thải gia tăng 10%/năm), thông qua xử lý đốt hay đưa lên bãi rác Nam Sơn.
Để chung tay giải quyết bài toán rác thải, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh đã xây dựng mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt hữu cơ tại hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn”.
Cán bộ huyện Đông Anh giới thiệu cách sử dụng men vi sinh ủ rác thải hữu cơ thành phân bón cho người dân |
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Anh Ngô Thị Thúy Hằng cho biết, tính đến nay trên địa bàn huyện Đông Anh đã có 24 xã, thị trấn tham gia thực hiện chương trình thu gom, phân loại và xử lý rác tại nhà. Trong đó có 4 xã đã triển khai 100% các thôn trong xã (Liên Hà, Dục Tú và Việt Hùng; Tàm Xá), 20 xã và thị trấn còn lại (mỗi xã, thị trấn triển khai đến ít nhất 1 thôn hoặc tổ dân phố làm điểm). Đến tháng 3/2023 đã có 54.140 hộ gia đình tham gia phân loại rác tại nguồn đạt 57% số hộ, có 41.160 hộ tham gia phân loại và xử lý rác hữu tơ tại nguồn đạt 43% số hộ tham gia.
Theo kết quả kiểm kê đã được thực hiện tại 9 xã (Liên Hà, Dục Tú, Mai Lâm, Cổ Loa, Bắc Hồng, Nam Hồng, Việt Hùng, Tàm Xá, Uy Nỗ) cho thấy, nếu các hộ tích cực tham gia phân loại và xử lý rác thải tại nguồn đúng quy trình, quy định, tỷ lệ lượng rác giảm không phải chôn lấp tại bãi tập trung đạt từ 50% -70% tổng lượng rác thải phát sinh của các hộ được kiểm kê (trong đó 59% là rác hữu cơ, 12% là rác tái chế).
Theo bà Ngô Thị Thúy Hằng, một trong những kết quả quan trọng khi triển khai nhiệm vụ phân loại rác thải tại nguồn là nâng cao được nhận thức và ý thức về bảo vệ môi trường của các hộ gia đình, giảm thiểu lượng rác thải phải vận chuyển và đem chôn lấp, thu được nguồn phân bón hữu cơ và một số nguyên liệu có thể tái chế. Ban đầu, các hộ còn ngại khó và bất tiện, nay đã từng bước thay đổi, hình thành ý thức và trách nhiệm trong việc phân loại và xử lý rác thải tại nhà và đặc biệt sử dụng phân bón hữu cơ trong trồng trọt...
Qua đánh giá cho thấy một số địa bàn đã triển khai tốt và thành công là nhờ có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, UBND xã, có nhiều nhân tố nhiệt tình, các nhóm nòng cốt tại thôn hoạt động hiệu quả, có giám sát, kiểm tra và tháo gỡ kịp thời, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên.
“Quá trình triển khai thực hiện đến nay, ngoài sự vào cuộc nhiệt tình của các cấp Hội Phụ nữ huyện Đông Anh đã có sự vào cuộc của Đảng ủy, UBMTTQ, UBND các xã tích cực chỉ đạo, các ban, ngành, đoàn thể cùng phối hợp triển khai với lực lượng nòng cốt là hội viên phụ nữ của các xã, thị trấn đã nhiệt tình tham gia. Đồng thời, quá trình triển khai nhiệm vụ này đã nhận được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, Trung tâm sống vì môi trường và cộng đồng Live & Learn, Trung tâm nông nghiệp hữu cơ - Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nhất là đã phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, UBMTTQ Việt Nam huyện và các ngành đoàn thể huyện”, bà Ngô Thị Thúy Hằng nhận định.
Ngoài 2 mô hình trên, các địa phương khác trên địa bàn Hà Nội cũng đã triển khai nhiều mô hình phân loại rác sáng tạo như mô hình “Trạm rác thông minh” tại quận Hoàng Mai.
Bà Nguyễn Lệ Hằng, Chủ tịch Hội LHPN quận Hoàng Mai chia sẻ, mô hình “Trạm rác văn minh” để thu gom phế liệu, rác thải nhựa, pin tại các điểm công cộng (trường học, khu vui chơi cộng đồng, khu chung cư cao tầng, khu dân cư, chợ…). Thay vì phải tập kết tại các nhà bác chi hội trưởng phụ nữ thì nay tất cả mọi người dân đều có thể mang đến thu gom vỏ chai, pin, rác thải nhựa, bìa… tại các điểm này. Bước đầu, mô hình đã nhận được sự đánh giá cao của các cấp ủy, chính quyền quận, phường, trường học và sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ, hội viên, Nhân dân trên địa bàn. Điều quan trọng hơn hết là từ trực quan sinh động “Trạm rác văn minh” đã giúp tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về sử dụng các sản phẩm từ nhựa, pin cũng như thúc đẩy việc phân loại rác của người dân.
Mô hình Trạm rác thông minh tại quận Hoàng Mai |
Tương tự, tại quận Nam Từ Liêm, sau 2 năm triển khai dự án “Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các hoạt động phân loại, tái chế bền vững”, đã ghi nhận kết quả nổi bật. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Nam Từ Liêm Lê Thị Bích Hà chia sẻ, Hội đã thành lập một câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ thu gom ve chai; Tổ chức 20 buổi tập huấn; 9.000 hộ gia đình tham gia phân loại rác tại nguồn thu được hơn 35.000kg rác thải nhựa; 24 trường học, 19.000 học sinh được tuyên truyền...
Những mô hình được triển khai tích cực ở các địa phương đã cho thấy, ý thức cũng như công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đang đạt những kết quả tích cực.
Vấn đề mà người dân và những người đang hành động vì môi trường quan tâm thời điểm này chính là rác sau khi phân loại sẽ đi về đâu và được xử lý như thế nào?.
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội cho biết, để tiếp tục thúc đẩy vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội trong công tác bảo vệ môi trường, từ năm 2022, Hội LHPN Hà Nội đã xây dựng và được UBND thành phố phê duyệt thực hiện đề án “Đẩy mạnh vai trò của Hội phụ nữ các cấp trong xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh đến 2025” với nhiều hoạt động và mô hình cụ thể góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động tham gia bảo vệ môi trường Thủ đô. Trong đó, mô hình “Phân loại, xử lý rác hữu cơ tại các hộ gia đình hội viên phụ nữ nông thôn” đang được triển khai thí điểm tại các huyện ngoại thành bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực. |
(còn nữa)