Bài 2: Quản lý chặt, nâng cao ý thức để hạn chế tai nạn lao động
Nguy hiểm luôn rình rập
Khảo sát tại các công trình xây dựng lớn, nhỏ ở nhiều khu vực của Hà Nội, hình ảnh thường thấy trên các công trình xây dựng là người công nhân chủ yếu đội mũ mềm, ít sử dụng mũ bảo hộ; Nhiều công nhân làm việc trên cao hàng chục mét mà không có đai bảo vệ…
Một công trình xây dựng ở quận Long Biên, Hà Nội được che chắn không đảm bảo |
Anh Nguyễn Văn Thanh, quê ở Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang cho biết: “Tôi làm phụ hồ ở Hà Nội nhiều năm rồi. Khi thi công những công trình từ 2 đến 3 tầng, chúng tôi hầu như không đội mũ bảo hiểm vì rất vướng víu, bất tiện, nhất là trời nắng nóng. Còn giày bảo hộ lao động thì càng ít sử dụng vì không quen”.
Những chia sẻ của anh Thanh dễ dàng kiểm chứng ở các công trình xây dựng trên địa bàn Thủ đô. Chỉ khi đu người treo trên lưng chừng tòa cao ốc, mới thấy công nhân dùng đồ bảo hộ, còn với các công trình xây dựng nhà ở dân sinh thấp tầng, dù giàn giáo dựng rất chênh vênh, nhiều người lao động vẫn thản nhiên làm việc trong điều kiện bảo hộ rất thô sơ. Rõ ràng, việc chưa có ý thức thực hiện an toàn lao động của người sử dụng lao động và người lao động đã khiến cho tình trạng TNLĐ trong lĩnh vực xây dựng xảy ra càng ngày càng đáng báo động.
Theo một báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) năm 2019, cả nước xảy ra hơn 8.100 vụ TNLĐ, hơn 33% thuộc lĩnh vực xây dựng, làm 8.327 người bị nạn, trong đó có 929 người chết. Thiệt hại từ TNLĐ lên tới gần 10.500 tỷ đồng. Đây vẫn chỉ là bề nổi của tảng băng bởi nhiều vụ tai nạn bị chủ công trình, chủ thầu giấu, cơ quan chức năng không thống kê được.
Theo nhiều cuộc điều tra khảo sát, cũng như dễ thấy trên thực tế là các nhà thầu xây dựng ở nước ta hiện nay sử dụng rất nhiều lao động phổ thông. Các lao động phổ thông làm việc theo hợp đồng thời vụ hoặc theo công việc, không đóng bảo hiểm xă hội, bảo hiểm tai nạn. Khi tai nạn xảy ra, chủ thầu thường tìm cách thỏa thuận với người nhà nạn nhân dàn xếp việc đền bù. Họ thường khai với cơ sở y tế và cơ quan chức năng là các tai nạn này do nguyên nhân khác.
Nhiều sai phạm từ phía người sử dụng lao động
Thông tin về vụ việc mất ATLĐ tại công trình xây dựng số 20 ngõ 2A Văn Cao khi chiếc xe vận chuyển vật liệu xây dựng rơi xuống đường khiến một người dân bị thương ngày 3/8, Trưởng phòng LĐTB&XH quận Tây Hồ (Hà Nội) Dương Văn Trường thông tin, quận đã chỉ đạo Tổ Quản lý trật tự xây dựng đô thị phường kiểm tra công trình xây dựng, công tác đảm bảo ATLĐ, lập hồ sơ vi phạm trật tự xây dựng đô thị và đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư.
Thực tế, hầu hết các vụ việc vi phạm ATLĐ nếu không gây ra hậu quả nghiêm trọng như làm chết người thì mới chỉ bị xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe.
Tình trạng mất ATLĐ còn những bất cập mà nguyên nhân đến từ khâu quản lý |
Giải thích về nguyên nhân xảy ra sự cố thanh thép rơi trúng ô tô và đâm thủng nóc xe từ công trình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào sáng 4/8, ông Nguyễn Huy Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC (đơn vị thi công công trình) thông tin, vào thời điểm xảy ra sự việc, ngoài trời đang có mưa và gió lớn, công nhân thi công xây, trát trong khu vực thang bộ. Thanh thép hộp gác trên giáo ngoài (do công nhân bỏ quên khoảng từ tầng 5 đến tầng 7) phía trục đường Hàng Vôi bị tác động của mưa, gió làm rơi xuống phía dưới và gây ra sự cố với xe ô tô. Về khắc khục sự cố, đơn vị thi công và người bị thiệt hại thỏa thuận bồi thường và rút đơn trình báo.
Về vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tối 30/7, làm 4 người tử vong tại công trình xây dựng số 16 phố Nguyễn Công Trứ (phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), trao đổi với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô về trách nhiệm bảo đảm ATLĐ khi thi công công trình, đại diện Phòng Việc làm An toàn lao động (Sở LĐTB&XH Hà Nội) cho biết: “Để xảy ra tai nạn thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư và nhà thầu thi công. Ngoài ra, đội quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Hai Bà Trưng và UBND phường Phạm Đình Hổ cũng có trách nhiệm trong việc kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư và đơn vị thi công chấp hành nghiêm những quy định về ATLĐ”.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, có gần 46% nguyên nhân xảy ra tai nạn do lỗi của người sử dụng lao động. Phân tích cụ thể các nguyên nhân, lãnh đạo Bộ LĐTB&XH cho biết, doanh nghiệp để xảy ra TNLĐ thường vi phạm “ba không” gồm: Không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, chiếm 14,6% tổng số vụ; Không có thiết bị bảo đảm an toàn, chiếm 10%; Không huấn luyện hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho NLĐ, chiếm 12,31%…
Qua tìm hiểu được biết, hiện nhiều công ty, nhà thầu lớn cũng chỉ có bộ khung cán bộ, công nhân kỹ thuật, khi có công trình mới giao cho các đội, tổ thi công đi tuyển thợ, lao động phổ thông theo tiến độ công trình. Đối với một số công trình, nhất là khi xây dựng nhà ở trong khu vực dân cư thì người lao động không được ký hợp đồng lao động, không được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, quyền lợi không được đảm bảo. Do người lao động chuyển từ khu vực nông nghiệp, nông thôn sang khu vực công nghiệp xây dựng nên chưa có ý thức, tác phong công nghiệp... Vì vậy, vấn đề quan hệ lao động phức tạp và chất lượng lao động không đảm bảo là một trong những khó khăn lớn trong công tác quản lý ATVSLĐ trên các công trình xây dựng.
Tại Hà Nội, những vụ TNLĐ tại công trình xây dựng tập trung chủ yếu là việc đơn vị thi công che chắn không đảm bảo yêu cầu, thiếu biển báo, thiết bị cảnh báo người qua đường; Ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động của chủ đầu tư và người lao động còn hạn chế...
Theo lãnh đạo Sở LĐTB&XH thành phố Hà Nội, nguyên nhân của các vụ tai nạn lao động xảy ra gần đây trên địa bàn Hà Nội là do các đơn vị thi công không chấp hành quy định về ATLĐ; Người lao động không thực hiện đúng các biện pháp bảo hộ ATLĐ cũng như các nội quy, quy trình ATLĐ… Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản chỉ đạo liên quan đến vấn đề này.
(Còn nữa)