Bài 2: Thùng một nơi, rác một nẻo
Thiếu ý thức về bảo vệ môi trường hay do thói quen?
Một chuyên gia môi trường từng than thở rằng, xử phạt hành vi xả rác là điều tất nhiên và đã quá cũ ở các nước văn minh. Tại sao các nước làm được mà mình không làm được chuyện đơn giản này.
Lý do đầu tiên phải nhắc đến là do thói quen xấu của một bộ phận người dân. Xấu đến nỗi tiện đâu vứt đó, ngay cả ở những nơi có thùng rác, người ta vẫn vứt ra ngoài.
Bán hàng trên phố Núi Trúc (quận Ba Đình, Hà Nội) vì thói quen xấu của một bộ phận người dân mà sáng nào dọn hàng bà Nhâm cũng phải quét cả nửa tiếng trước khi mở hàng. Bà Nhâm bức xúc: “Bao nhiêu năm nay tôi bán hàng ở đây, không hiểu sao ý thức của một số người dân vẫn không thay đổi. Thùng rác chỉ nằm cách đây vài chục mét nhưng không hiểu sao người ta không đi quá lên một chút mà vứt. Nào túi to, túi nhỏ quẳng ngay ở đây. Sáng nào dọn hàng tôi cũng phải nhặt vài ba bịch rác như vậy. Tôi nghĩ không chỉ là thói quen xấu mà còn thiếu cả ý thức giữ gìn vệ sinh chung nữa”.
Vì thói quen xấu, ý thức bảo vệ chưa cao của một số bộ phận người dân mà gốc cây, cột điện đều "bao phủ" bởi đủ các loại rác |
Tình trạng xả rác bừa bãi chủ yếu là do mỗi cá nhân chưa nâng cao được ý thức, trách nhiệm của bản thân. Phần lớn người dân khi được hỏi về hành vi xả rác bừa bãi đều có những câu trả lời như: vội công việc, tiện tay, do thói quen...
Chị Nguyễn Thị Nhanh (phường Định Công, Hà Nội) chia sẻ: “Một lần được sang Thái Lan du lịch, tôi thấy các khu du lịch, khu dân cư luôn được giữ gìn sạch đẹp. Để có những tuyến phố không rác, người hướng dẫn viên du lịch ở đây chia sẻ rằng, ở đất nước họ xả rác bị phạt rất nặng và bị xem là thiếu ý thức. Nếu ai bị bắt gặp xả rác thì dễ bị người khác xem thường và lấy hành động đó làm thước đo văn hóa, văn minh. Khi thấy rác trên đường, ai cũng phải có trách nhiệm thu dọn. Trong khi đó, ở nơi công cộng, khu du lịch, trong dịp lễ hội ở nước ta lúc nào cũng ngập ngụa rác. Thế nhưng, ít khi thấy ai bị phạt khi vi phạm nên không ai sợ”.
Chính thói quen xấu này của một bộ phận người dân khiến cho công việc đảm bảo môi trường trên các tuyến phố trở nên khó khăn hơn. Chị Tâm, công nhân vệ sinh môi trường tại quận Long Biên cho biết, có những điểm như đầu ngõ, chân cột điện, gốc cây, người dân quen vứt rác, dù đã nhắc nhiều lần nhưng ý thức của một số người dân bao nhiêu năm chẳng thay đổi thậm chí càng ngày càng tệ hơn. Cơ quan, đoàn thể tuyên truyền “mỏi mồm” nhưng chỉ được vài ngày đâu lại vào đó.
Theo các chuyên gia tâm lý, điều đáng nói là thói quen vứt rác bừa bãi nói trên lại bắt nguồn từ một nguyên nhân sâu xa hơn đó là sự thiếu hiểu biết và thiếu ý thức về bảo vệ môi trường xã hội. Thực tế, có rất nhiều người có thói quen vứt rác ở nơi không phải là nhà mình mặc nhiên nghĩ dọn rác là bổn phận của người khác, môi trường bẩn cũng không ảnh hưởng đến đời sống của mình.
Chia sẻ với báo chí, Tiễn sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng như bảo vệ môi trường, không vứt rác bữa bãi... của một bộ phận người dân là biểu hiện của tâm lý “cha chung không ai khóc”. Đó là một hình ảnh rất phản giáo dục, thể hiện sự thiếu hiểu biết của người lớn về giữ gìn môi trường sống.
Theo ông, mặc dù hiện trong chương trình giáo dục phổ thông cũng đã đưa các nội dung liên quan đến bảo vệ môi trường, ý thức giữ gìn vệ sinh nơi công cộng nhưng sẽ vô tác dụng nếu việc thực hiện của chính người lớn trong thực tế lại “nói một đường, làm một nẻo”. Như vậy vô hình chung sẽ không tạo được thói quen tốt cho các con.
Lý giải thế nào đi chăng nữa thì với hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng ở bất cứ đâu cũng bị xem là thiếu ý thức, bởi một con người có nhận thức, có ý thức cao trong việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống sẽ không làm như vậy. Hành vi nhỏ nhặt, đời thường đó đáng để chúng ta, nhất là những ai bấy lâu nay vẫn giữ thói quen xả rác bừa bãi làm bẩn, ô nhiễm môi trường sống phải suy ngẫm và nhìn lại mình.
Thiếu hiệu quả về quản lý và chồng chéo chế tài xử phạt
Một nguyên nhân nữa cũng được các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường và pháp lý đánh giá đó là do công tác xử phạt hành vi xả rác bừa bãi vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đủ sức răn đe, chưa kể đến tồn tại sự chồng chéo trong văn bản pháp luật.
Chế tài cho các hành vi vứt rác bừa bãi đã có từ lâu. Cụ thể là Nghị định 167/2013/NĐ-CP và Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, lại xuất hiện sự chồng chéo trong quy định của cả 2 Nghị định dẫn đến sự khó khăn trong việc áp dụng luật để xử phạt.
Theo Điều 83 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định, trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản được ban hành sau và có hiệu lực pháp lý cao hơn. Do đó, Nghị định 155 được áp dụng để xử phạt.
Bên cạnh đó, ngoài việc quy định quá nhiều đối tượng có thẩm quyền lập biên bản nhưng lại không có lực lượng thường trực trên đường để thực hiện lập biên bản xử lý vi phạm thì người vứt rác lén lút vứt rác vào buổi tối, ban đêm, hay hành vi rất nhanh khi từ trên xe quăng rác xuống đường nên không thể bắt quả tang, lập biên bản cũng khiến cho các quy định về mức xử phạt hiện đang bất cập, không thể thực hiện được.
Mặc dù đã có quy định xử phạt đối với hành vi vứt rác trên vỉa hè và đường phố nhưng vì nhiều lý do những quy định này vẫn chưa phát huy hết hiệu quả |
Mức xử phạt đối với các trường hợp vứt rác kể trên theo Nghị định 155 là từ 3-7 triệu đồng nhưng quy định về mức xử phạt của một số cơ quan chức năng lại “vênh” với mức phạt này. Theo quy định, chỉ có Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát môi trường và Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh đang thi hành công vụ mới có quyền xử phạt. Nhiều ý kiến nhận định, lực lượng thực thi nhiệm vụ gần dân nhất mà không thể xử phạt hành vi vứt rác ra đường thì các cơ quan chức năng cần xem xét, quy định lại cho khả thi.
Ngoài ra, cũng có quan điểm cho rằng, mức phạt đối với hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng đã tăng lên tới vài triệu đồng nhưng chưa cao so với nhiều nước nên không có tính răn đe.
Một nguyên nhân quan trọng khác là năng lực của cơ quan quản lý PGS.TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường cho rằng, vai trò của các cơ quan quản lý vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta quản tốt, phân ra từng đoạn, khu vực cụ thể để quản thì không ai dám xả rác cả. Các nước cũng làm như thế. Ở giai đoạn đầu, khi người dân vẫn tồn tại thói quen cũ xả rác bừa bãi thì việc quản lý sẽ khó khăn, cần phải kiên trì, ngày đi thị sát, đêm đi thị sát. Đến khi người dân sợ, dần hình thành thói quen và tự giác rồi thì vấn đề sẽ được giải quyết.
Bên cạnh đó, việc cưỡng chế thi hành pháp luật còn yếu kém nên chưa có nhiều hiệu quả. Có một so sánh đã được đưa ra, cùng một du khách là người Việt Nam, khi đến Singapore không dám xả rác ra nơi công cộng nhưng khi du lịch ở trong nước thì lại vô tư xả rác. Mấu chốt ở đây chính là vấn đề xử phạt.
Rõ ràng, khi ý thức của một bộ phận người dân chưa được nâng cao, chế tài xử phạt chưa phát huy hết tác dụng, cơ quan quản lý còn chưa sâu sát thì chắc chắn những hình ảnh thùng một nơi, rác một nẻo sẽ còn tiếp diễn…
(còn nữa)