Bài 2: Tôn trọng không gian chung để phòng, chống dịch được tốt hơn
Thành ủy Hà Nội chỉ đạo tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 |
Đừng quá dễ dãi với chính bản thân mình
Những ngày này, sân bay, nhà ga, bến xe đều thiếu vắng sự nhộn nhịp so với một năm về trước. Đặc biệt là vào thời điểm cuối năm, ai có việc làm ăn, về quê buộc phải di chuyển đều muốn nhanh nhanh chóng chóng ra khỏi chỗ đông người. Mọi người đều biết, những chốn này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh bởi lượng người đến và đi liên tục, từ nhiều vùng miền khác nhau.
Trên mạng xã hội, không ít người từng chia sẻ hình ảnh vắng lặng của sân bay với những dòng cảm thán. Tâm trạng chung ai nấy đều mong dịch bệnh sớm qua đi, tình hình kinh tế xã hội sôi động trở lại. Bởi lẽ, không chỉ lo ngại về sức khỏe, bệnh tật, mọi mặt đời sống của Nhân dân đều bị ảnh hưởng và càng kéo dài thì thời điểm “năm hết Tết đến” với công việc, nợ nần dồn dập càng khiến mọi người thêm buồn phiền.
Vì thế, khi đến nhà ga, bến xe mọi người đều hết sức để ý, hạn chế tiếp xúc với không gian này ít nhất có thể để bớt đi thêm một nỗi lo. Đôi lúc, bắt gặp hình ảnh có người nằm dài ngả ngớn, thậm chí ngủ ngon lành trên ghế chờ ở sân bay, chúng ta không khỏi giật mình.
Những ngày phòng, chống dịch Covid-19, việc ngủ tại sân bay như thế này càng nên hạn chế |
Bình thường, trong điều kiện không có dịch bệnh thì hành vi này đã thực sự không được đẹp. Vẫn biết rằng đợi chờ là sốt ruột, là mất thời gian nhưng nếu chẳng may nhỡ chuyến, chưa đến giờ lên máy bay thì chúng ta có rất nhiều cách tiêu khiển khác nhau. Nếu không thích lướt web, cập nhật thông tin qua mạng xã hội thì có thể ngồi quán cà phê, giải khát.
Nếu không muốn tốn tiền hoặc không có nhu cầu uống nước, ăn điểm tâm thì chúng ta cũng có thể đứng dậy đi lại vừa vận động vừa để ngắm nghía không gian xung quanh. Còn nếu thực sự mệt mỏi, nên tìm chỗ nghỉ ngơi xung quanh khu vực sân bay hay cố gắng khắc phục để đừng khiến người khác nhìn vào trông rất mất thiện cảm.
Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lây lan, bản thân mỗi người còn muốn thu hẹp diện tích tiếp xúc với môi trường xung quanh thì hành động ngủ tại sân bay không chỉ là dễ dãi với bản thân, thiếu kiềm chế những nhu cầu tối thiếu mà còn có thể bị lây bệnh cũng như mang nguồn bệnh đến cho môi trường xung quanh. Không ai biết bạn từ đâu tới, khi bạn ngủ tức là lưu lại thời gian lâu hơn tại sân bay. Điều đó cũng có nghĩa bạn sẽ có khả năng tiết ra giọt bắn, làm môi trường xung quanh có thể bị phát tán virus Sars-CoV-2.
Còn nếu bạn là người khỏe mạnh, việc nằm ra ghế chờ, hít thở không khí chung tại sân bay cũng tăng thêm nguy cơ có thể mắc phải virus rồi về lây nhiễm cho những người tại địa phương, cơ quan, công sở của mình.
Bên cạnh đó, dù tại sân bay, nhà ga, bến xe… đã có những quy định rõ ràng, nghiêm ngặt về phòng, chống dịch nhưng không phải mọi người đều tuyệt đối nghiêm chỉnh chấp hành. Thói quen khạc nhổ bừa bãi của một số cá nhân vẫn khiến những người vô tình nghe thấy, nhìn thấy thất kinh. Việc vứt giấy lau mũi, miệng, bỏ đồ ăn thức uống qua sử dụng của một số người vô ý thức không đúng nơi quy định vừa khiến mất mĩ quan vừa tăng khả năng phát sinh vi khuẩn, virus.
Vì mình cũng là vì mọi người
Tuần qua, câu chuyện Ninh Dương Lan Ngọc, Linh Chi, Ngọc Trinh tỏ thái độ, chen lấn chỗ ngồi của Thuỷ Tiên tại Vietnam International Fashion Week khiến cộng đồng mạng được một phen “dậy sóng”. Dù “đàn chị” Thủy Tiên đã lên tiếng để sự việc không đi quá xa nữa nhưng đúng hay sai, chấp nhận được hay không chấp nhận được, chỉ có người trong cuộc hiểu rõ nhất.
Trong cuộc sống, có rất nhiều trường hợp tương tự như vậy mà chúng ta vô tình không biết rằng lối ứng xử ấy thực sự gây phiền lòng cho người xung quanh. Chẳng đến nỗi to chuyện như giới showbiz nên nhiều khi ta không biết để mà điều chỉnh hành vi của mình. Song, qua câu chuyện của Lan Ngọc- Thủy Tiên cho ta thấy, các cụ ngày xưa có câu “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” là để nói về những “chiếc barie mềm” trong ứng xử mà mỗi người nên tự trang bị cho mình.
Tại nhà chờ xe bus trên đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội), khoảng 3, 4 cô cậu sinh viên đang túm tụm buôn chuyện rôm rả. Nếu họ chuyện trò bình thường thì không sao, điều đáng nói là ngay bên cạnh có hai ông bà già đang phải đứng mà không ai có ý định nhường chỗ ngồi. Khi xe bus đến, nhóm bạn trẻ này vội vàng chen lấn lên xe, vẫn không quên cấu chí trêu đùa nhau.
Hãy ứng xử cho có văn minh, ý tứ tại nơi công cộng |
Vừa ổn định chỗ ngồi được một lúc, nhìn quanh, thấy có hai người quen trên đó, cả nhóm đề nghị những người đi cùng đổi ghế để họ được ngồi cùng nhau. Anh phụ xe bảo chờ một chút để anh bán vé, soát vé xong đã chả bị lẫn, mấy bạn này nhất định nhao nhao đòi đổi ngay để còn “bàn chuyện thi cử”.
Mấy người bị đề nghị đổi chỗ tỏ ra khó chịu vì bị đuổi quầy quậy ngay lập tức trong khi xe còn lắc lư, đi lại khó khăn. Ngại nhất là hai ông bà già vừa lên sau, phải ngồi ngay cạnh nhóm 6 người này. Họ nói oang oang, bỏ cả khẩu trang ra để nói rất to, mặc cho anh phụ xe cứ nhắc liên tục. Khi bị nhắc nhiều quá, các cô cậu sinh viên này còn tỏ thái độ như thể “cùng lắm là xuống bắt xe khác, có gì mà phải ghê gớm thế”.
Chị Hồng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể mấy ngày gần đây, khi đang đi tham quan hội chợ đặc sản vùng miền tại một trung tâm thương mại lớn, chị rất sợ khi có những người vô ý thức đến mức hồn nhiên. Trong lúc dịch bệnh đáng lo ngại như thế này, đồ ăn thức uống các gian hàng bày ra để mời khách thử đã kèm sẵn những chiếc tăm nhọn cho vệ sinh. Thế mà có những “bà sồn sồn” cứ dùng ngón tay nhón đồ ăn. Chưa kể, ăn xong họ mút tay xong lại chọn lên chọn xuống những miếng đồ ăn trên khay. Nhìn thấy thế, chị Hồng kéo con đi vội.
Tại các hàng bán đồ ăn như bánh cuốn, chả, giò, rất đông người xúm lại mua về nhà ăn. Người bán hàng luôn chân luôn tay phục vụ không kịp, người mua cứ nhao nhao vừa nói rất to bắn cả nước bọt vào đồ ăn vừa dùng tay không đeo găng giằng lấy từng miếng chả, tự cân xong cắt vứt trả lại cho chủ cửa hàng.
“Không hiểu chậm vài phút thì làm sao mà họ phải sấn sổ như thế, tôi sợ quá. Nhỡ ai đó mà mang mầm virus trong người thì thật sự tai họa”, chị Hồng vừa kể vừa “hú hồn”. Tất nhiên, hôm ấy chị Hồng cũng chả dám mua chút đặc sản chế biến sẵn nào, chỉ len vào những chỗ đồ khô, vắng người, mua vài thứ rồi về vội.
"Giữ gìn cẩn thận, tránh tiếp xúc và tránh để giọt bắn, nước bọt phát tán ra môi trường là vì mình và cùng vì mọi người, sao những người thiếu ý thức kia thiếu cả hiểu biết và thiếu thận trọng như vậy, nếu chẳng may ở đó có người nhiễm Covid-19 thì hậu quả khôn lường", chị Hồng lo lắng.
(Còn nữa)
Bài 1: Đừng đẩy cái bẩn sang người khác TTTĐ - Hà Nội đã bước vào những ngày mùa đông lạnh giá. Đây là thời điểm các loại virus dễ bùng phát và lây ... |