Bài 2: Trò chơi ảo, hậu quả thật
![]() |
>> Giới trẻ mê game online: Điên đảo trong thế giới ảo
Bài 1: Những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng…
Về mặt tích cực, game online đã tạo cho giới trẻ một sân chơi để giải trí, trong khi trẻ em Việt Nam đang thiếu sân chơi một cách trầm trọng như hiện nay. Điểm tích cực nữa đó là chơi game giúp trẻ phát triển não bộ. Một số game online khi chơi còn có khả năng giáo dục cho giới trẻ.
Tuy nhiên, nếu người chơi tham gia vào nó một cách sa đà sẽ dẫn đến việc nghiện game. Những người nghiện game, đặc biệt là giới trẻ sẽ bỏ bê công việc, học hành, suốt ngày đắm chìm trong thế giới ảo và rất khó để rời bỏ nó. Một tiêu cực khác từ game online là chứa đựng những hình ảnh bạo lực, có những cảnh đâm chém, bắn giết hết sức ghê rợn, gây kích động cho người chơi.
![]() |
Nguyễn Minh Hà (16 tuổi ở Ba Đình, Hà Nội) vốn là đứa trẻ rất hiếu động, thông minh, thích cùng bố mẹ đi chơi, hay giao lưu với bạn bè cùng lớp. Vậy mà từ 2 năm trở lại đây, khi bắt đầu mê mải với game online, tính em thay đổi. Hà ít nói hơn, không thích đi chơi và giao tiếp người khác. Ngay cả những người thân trong gia đình, em cũng tỏ ra xa lạ, không muốn nói chuyện. Bố mẹ hỏi gì, Hà cũng chỉ trả lời trống không và nhát gừng. Hà chơi game suốt ngày, đến bữa cơm, em chỉ ngồi ăn cùng, không nói gì rồi lại chơi tiếp. Nếu đang chơi, có ai gọi hay muốn dùng máy, em tỏ ra rất bực tức, cáu kỉnh. Từ đầu năm 2017, Hà bỏ hẳn học ở lớp, chỉ ở nhà chơi game.
"Gia đình nối mạng để con có điều kiện học tập nhiều hơn, không ngờ cháu lại sa vào ham mê game online. Có lẽ lỗi cũng tại chúng tôi, không thống nhất trong cách dạy con, lại thiếu thời gian cho cháu quá nên mới đến nông nỗi này", anh Nguyễn Minh Hồng (bố của Hà) tâm sự.
Thực tế, có một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay bị nghiện game. Không ít học sinh, sinh viên thường lập hội chơi game. Ban đầu chỉ là tiết kiệm tiền uống cà phê, trà đá để chơi, dần dần là cảnh xách xe đạp, xe đạp điện, xe máy, giấy tờ tùy thân… “cắm” tạm tiệm cầm đồ. Như con thiêu thân, họ đốt sức khỏe, thời gian, tiền bạc của mình vào những trò chơi thâu đêm suốt sáng. Hôm sau đến lớp gật gà, gật gù, đầu óc không minh mẫn, tiếp thu bài kém và kết quả học tập sa sút.
Hoàng Thị Hoa, sinh viên trường CĐ nghề Điện cơ Hà Nội chia sẻ về người bạn tên Tiến: “Hồi học năm thứ nhất, Tiến học giỏi lắm, được nhận học bổng khuyến khích học tập của trường, bạn bè ai cũng quý. Từ khi biết đến game online, Tiến ngày đêm ngồi ở quán. Để có tiền chơi game, lần lượt điện thoại, giấy tờ tùy thân… của Tiến “cõng” nhau sang tiệm cầm đồ. Học kỳ I, năm thứ hai, Tiến được nhà trường ra quyết định đuổi học. Giờ đi làm công nhân khu công nghiệp”.
Đinh Nguyễn Tuấn Anh (Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội) sinh ra trong gia đình có khá điều kiện. Cậu được gia đình lo cho học hành đàng hoàng, tuy nhiên vì mê game nên cậu không chịu học. Suốt ngày Tuấn Anh chỉ nghĩ làm sao để được ngồi trước màn hình máy tính, được sống với những nhân vật ảo trong trò chơi. Tuấn Anh đã nói dối, đã trộm tiền của gia đình và mang nhiều thứ lặt vặt của gia đình đi bán. Đỉnh điểm là Tuấn Anh đã mang chiếc xe đạp điện của mình đi cắm để lấy tiền chơi game.
Đã có rất nhiều vụ án xảy ra mà nguyên nhân chính là do nghiện game online. Thủ phạm do không có tiền chơi game nên đã trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người. Mới đây, vào ngày 21/2 (ngày mùng 6 Tết Mậu Tuất), vụ án mạng tại huyện Quế Phong (Nghệ An) cũng liên quan đến game online. Do đang chơi game, một người nói sai tên nhân vật trong game của mình nên đã ra tay giết hại. Trước đó, đầu năm 2017, một nam công nhân tại tỉnh Đồng Nai đã giết người tình, cướp tài sản chỉ vì nợ nần do nghiện game…
Nghiêm trọng hơn, người nghiện game, nhất là đối tượng trẻ em, dễ bị chìm đắm vào thế giới ảo của game online - tuy mọi hành vi là ảo nhưng tác hại của nó là thật. Do ảnh hưởng từ những cảnh bạo lực, đâm chém nhau trên thế giới ảo, nhiều game thủ đã trở thành sát nhân, ra tay tước đi mạng sống của cả người thân để lấy tiền tiêu xài, để lại hệ lụy cho gia đình và xã hội.
Nhiều game thủ, sau khi tìm được liên minh, kết bạn với nhau trên mạng, sau đó rủ nhau tụ tập, tìm cách “xoay tiền” để chơi game, từ đây nảy sinh ra nhiều hệ lụy.
Các chuyên gia cho rằng, game online có những tác động tiêu cực lớn đến mọi mặt đời sống xã hội của người chơi. Vì dành quá nhiều thời gian cho game online, họ sẽ hạn chế bớt thời gian dành cho gia đình, các mối quan hệ xã hội và những hoạt động hứng thú khác. Hơn nữa, trẻ em đam mê internet hay chơi trò chơi bạo lực thường bị ảnh hưởng bởi những những hình ảnh này và trở nên hung hăng hơn và gặp vấn đề về giao tiếp.
Nhằm hạn chế tác hại của game online, các trường nên tổ chức các hoạt động giải trí thường xuyên cho học sinh, sinh viên như: Thể dục, thể thao, tham gia các CLB đội nhóm hoặc những hoạt động do Đoàn tổ chức. Bên cạnh đó, nhà trường, gia đình cần quan tâm tuyên truyền, giáo dục, giúp các sinh viên xa nhà nhận thức đúng đắn về tác hại của internet, game online… nhằm tránh những hệ lụy mà trò chơi này mang đến.
Phạm Văn Tân (từng là nhân viên trông quán internet):
Nếu như trước đây, nhiều trường hợp vì mê game đã chơi thâu đêm, suốt sáng đến mức bị ngất tại chỗ do kiệt sức thì bây giờ, các quán game hạn chế trường hợp này bằng cách dành hẳn một phòng nghỉ ngơi cho các game thủ. Những nhân viên trông quán net nếu thấy ai chơi lâu đều nhắc nhở lên phòng đó ngủ, khi nào dậy thì lại xuống chơi tiếp. Nhiều bạn trẻ “mắc màn” ở quán net cả tuần. Có game thủ nạp thẻ game lên tới hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Đinh Nguyễn Tuấn Anh (Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội): Em chơi game online một ngày mất ít nhất từ 80 đến 200 nghìn đồng, chưa kể ăn uống. Để có tiền sắm sửa cho nhân vật của mình. Nhiều khi hết tiền, em đành cầm cố mọi thứ mình có. Qua trò chơi game em đã quen một bạn gái, chúng em đã hẹn nhau ở quán net và khi hết tiền, em đã cắm xe máy điện để cùng bạn gái chơi game. Khi hết tiền thì cũng là lúc bố mẹ tìm được và bắt em về nhà. |
(Còn nữa)
Tin liên quan
Cùng chuyên mục
Đọc thêm

TP HCM: Cụm trường học chuẩn quốc gia chính thức đi vào hoạt động

Đà Nẵng: Đa dạng các hoạt động tại ngày hội văn hóa đọc

Mầm non Minh Khai - Nơi khơi nguồn hạnh phúc và sáng tạo

Trường THCS Hòa Bình, tự hào 63 năm thành lập và phát triển

Ngày trở về vinh quang của học sinh đội tuyển GreenAms 24751

Học bổng Chính phủ New Zealand bậc đại học bắt đầu nhận hồ sơ từ ngày 1/5/2025

Hà Nội đạt thành tích xuất sắc trong cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp

Học sinh trường THCS Nguyễn Du: Hiểu luật để tự tin vào đời

Hà Nội chấn chỉnh, siết chặt an toàn thực phẩm trường học
